Vừa qua, thay mặt Ban
Chấp hành Trung ương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số
37-QĐ/TW ngày 25-10-2021 về những điều đảng viên không được làm (thay thế Quy
định số 47-QĐ/TW, ngày 1-11-2011 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về những
điều đảng viên không được làm).
Trong Quy định số
37-QĐ/TW, với 19 điều đảng viên không được làm, có hai điều cấm mới hoàn toàn,
là Điều 3 và Điều 13. Trong đó Điều 3 quy định đảng viên không được "phản
bác, phủ nhận, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; không
thực hiện trách nhiệm nêu gương; chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, vụ lợi; "tư
duy nhiệm kỳ", đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức, thấy đúng không bảo
vệ, thấy sai không đấu tranh; độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa rời quần
chúng".
Căn bệnh “đoàn kết xuôi
chiều”, dân chủ hình thức làm suy yếu, tổn hại đến sức mạnh khối đại đoàn kết
toàn dân tộc, dẫn đến mất đoàn kết nội bộ, tiềm ẩn tham nhũng, tiêu cực, lợi
ích nhóm, làm xói mòn, giảm sút niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và
đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Thời gian qua, vẫn có
những cán bộ tham ô, tham nhũng, vi phạm, nhưng chưa bị phát hiện, xử lý nghiêm
minh, nhất là ở cấp xã, phường, quận, huyện…, bởi vẫn còn tình trạng “trên
nóng, dưới lạnh”, nể nang, né tránh, đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức…
Những năm qua, nhờ sự
lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, kiên quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính
trị, Ban Bí thư, thường xuyên trực tiếp là Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng,
chống tham nhũng (nay là Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng,
tiêu cực), nhiều cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống,
tham ô tham nhũng, tiêu cực… đã bị xử lý nghiêm minh, không có ngoại lệ, không
có “vùng cấm”. Tuy nhiên, gần đây, một số cán bộ có dấu hiệu “đổi màu”, lách
luật bằng cách “tham nhũng vặt”, “ăn” từ từ để nếu bị phát hiện sẽ không bị xử
lý với mức án nghiêm minh, hoặc kỷ luật nặng về đảng, chính quyền…
Từ thực tế trên, để
khắc phục căn bệnh đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức; phòng, chống, ngăn
chặn hiệu quả tình trạng tham ô, tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cần thực
hiện một số giải pháp sau:
Về nhận thức: Việc đẩy
lùi, đánh đuổi “giặc nội xâm” trong thời bình là cuộc chiến cam go trong mỗi tổ
chức, mỗi cá nhân, nhất là với những người là đồng chí, là cấp trên, cấp
dưới..., trong khi các đối tượng này lại thường xuyên “đổi màu”, thủ đoạn rất
tinh vi. Tham ô, tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm… không thể giải quyết trong
một sớm, một chiều. Do vậy, cần đề cao truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc,
truyền thống văn hóa, trọng danh dự; đề cao nhận thức tư tưởng và tình cảm, tri
ân sâu sắc hàng triệu đồng chí, đồng bào nhiều thế hệ đã phải trải qua bao gian
khổ, hy sinh để có cơ đồ Tổ quốc Việt Nam như ngày nay.
Cần đặc biệt coi trọng
công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, cả về tư tưởng, chính trị, tổ chức, đạo
đức và cán bộ. Công tác cán bộ phải quán triệt, thấu suốt và thực hiện thật tốt
quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp đầu tiên của
Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026, ngày 11-8-2021: “Làm tốt hơn nữa công tác cán bộ,
nhất là việc quản lý, nhận xét, đánh giá cán bộ để lựa chọn, bố trí đúng những
người thật sự có đức, có tài; thật sự “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”;
thật sự tâm huyết vì nước, vì dân vào các vị trí lãnh đạo của bộ máy Chính phủ
và chính quyền các cấp…
Về chức năng, nhiệm vụ,
quyền hạn của các cơ quan tư pháp đã được quy định rõ trong hệ thống văn bản
quy phạm pháp luật của Đảng và Nhà nước. Tuy vậy, cần tăng cường các biện pháp
cụ thể. Ví dụ, đối với ngành xây dựng, để giám sát, điều tra các dự án đầu tư
công, cần tăng cường kiểm tra chất lượng, khối lượng đã thi công thực tế, đối
chiếu với với tổng vốn đầu tư thiết kế thi công thì sẽ biết ngay.
Trong các chủ trương và
giải pháp chống tham nhũng, tiêu cực, việc làm chuyển biến nhận thức của đội
ngũ cán bộ, đảng viên và toàn dân có ý nghĩa quyết định. Công tác thông tin,
tuyên truyền cần tập trung làm tốt hơn, quyết liệt và cụ thể hơn. Cần bám sát
thực tiễn; phối kết hợp chặt chẽ giữa các cơ quan thông tin đại chúng, các lĩnh
vực (trong đó có lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật), nhằm “bóc trần” sự thật về
những hành động “giả nhân, giả nghĩa”, sự tham lam không giới hạn, trái với
luân thường đạo lý, trái với mục tiêu lý tưởng cách mạng của Đảng, của dân tộc…
của một số phần tử cơ hội trên từng lĩnh vực, để cán bộ, đảng viên và nhân dân
nhận diện, lên án; chỉ rõ họ chính là thủ phạm làm giảm uy tín, sức mạnh lãnh
đạo của Đảng, cản trở sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Cùng với đó, cần tăng
cường định hướng, tạo dư luận tích cực trong mọi lĩnh vực; tôn vinh, ủng hộ
những người có dũng khí tố giác, đấu tranh phê bình những hành vi tiêu cực,
tham ô, tham nhũng; chỉ đạo cụ thể hơn hoạt động giám sát, phản biện của các
đoàn thể chính trị và nhân dân trong phòng chống tiêu cực, lợi ích nhóm.
Với trí tuệ, bản lĩnh
Việt Nam, chúng ta tin tưởng, với sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, Đảng, Nhà nước
và nhân dân ta sẽ ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, những
biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, đi ngược lại lợi
ích của Đảng, của dân tộc và công cuộc đổi mới.
TMT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét