Thứ Năm, 2 tháng 12, 2021

Di sản giả, phồn vinh giả?

Đà Lạt với tôi không chỉ là đô thị nghỉ dưỡng thơ mộng mà kiến trúc sư nào đến đây cũng muốn góp phần tô điểm, đây còn là quê ngoại - nơi sống và làm việc của ông bà ngoại, cha mẹ và bà con, bạn bè của tôi. Được xây dựng từ cuối thế kỷ 19, theo thời gian, đô thị cao nguyên này đã hình thành hai khu trung tâm rõ rệt: Khu phố Pháp dọc theo trục đường Yersin (nay là Trần Phú) và khu phố Việt nối liền khu Hòa Bình và Ấp Ánh sáng, nay trở thành hai khu trung tâm di sản. Khu trung tâm Hòa Bình của Thành phố Đà Lạt có vị trí phía tây bắc Hồ Xuân Hương, với tổng diện tích 30 ha, thuộc phần lõi Khu đô thị trung tâm lịch sử của Đà Lạt. Khu Hòa Bình được chỉnh trang kể từ quy hoạch của hai kiến trúc sư Louis Georges Pineau năm 1933 và Jacques Lagisquet năm 1943, cho đến "Quy hoạch chỉnh trang trung tâm khu Hòa Bình" năm 1960 của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, cha tôi. Năm 2014, quy hoạch điều chỉnh Đà Lạt của kiến trúc sư Thierry Huau đưa ra tầm nhìn vùng, khuyến khích phát triển các khu đô thị mới ra ngoại vi Đà Lạt, phát triển đô thị vệ tinh trong khi bảo vệ bản sắc di sản lịch sử của khu đô thị trung tâm. Đồ án được Thủ tướng phê duyệt cùng năm đó, còn gọi là Quy hoạch 704, ghi rõ: Cấu trúc đô thị Đà Lạt bao gồm bốn khu vực: Khu đô thị trung tâm lịch sử (gồm khu Hòa Bình), khu đô thị nông nghiệp sạch phía Bắc, các khu đô thị phát triển mở rộng phía Đông và phía Tây. Khu đô thị trung tâm lịch sử - có chữ "lịch sử", tức là phải được chỉnh trang theo hướng bảo tồn, bảo vệ di sản và không gian di sản, không cho phép xây nhà cao tầng, tăng cây xanh, cải thiện hạ tầng. Vì thế, tôi không khỏi trăn trở khi chứng kiến sự chuyển hướng phát triển của Đà Lạt. Nhà đầu tư đã tài trợ một dự án quy hoạch khu Hòa Bình theo hướng tư duy địa ốc: cao tầng và hiện đại hóa, đi kèm là khách sạn 10 tầng trên đồi Dinh, đều là những dự án tác động vào công trình di sản và thu hẹp đáng kể diện tích xanh hiếm hoi còn lại của khu vực. Khác với tư duy quy hoạch kiến trúc theo hướng bảo tồn di sản, tư duy địa ốc thường ưu tiên tối đa hóa lợi ích của nhà đầu tư. Trong khi, khu Hòa Bình xứng đáng được ưu tiên bảo vệ di sản và không gian xanh công cộng, chỉnh trang theo hướng hài hòa lợi ích chung của người dân, doanh nghiệp. Việc cổ xúy cho những dự án theo tư duy địa ốc có thể làm Đà Lạt biến thành một đô thị với di sản giả, phồn vinh giả. Thứ nhất, về tác động pháp lý, Quyết định 229 năm 2019 của UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt quy hoạch cho khu Hòa Bình theo tư duy dự án địa ốc là sai với Quy hoạch chung Thành phố Đà Lạt do Thủ tướng phê duyệt theo Quyết định 704 năm 2014. Theo quy hoạch này, khu phố Việt di sản Hòa Bình nằm trong Vùng I - Khu đô thị trung tâm lịch sử (mục 6c), là vùng phải ưu tiên bảo tồn di sản. Trong đó, khu đồi Dinh được quy hoạch là "đất trung tâm văn hóa" công cộng phục vụ cộng đồng. Giờ đây, Quy hoạch 229 lại cho phép phá bỏ rừng cây và xâm hại di sản Dinh Tỉnh trưởng để chuyển thành "đất dự án khách sạn và dịch vụ thương mại", tức thay đổi về mục đích sử dụng đất, trong khi khu vực không có đủ không gian xanh. Thứ hai, về tác động kiến trúc cảnh quan, định hướng sai dẫn đến cả ba đề xuất kiến trúc trên cơ sở quy hoạch đó sai theo, vì đều xâm hại giá trị di sản kiến trúc và di sản thiên nhiên. Thứ ba, về tác động văn hóa lịch sử, dự án sẽ xóa bỏ giá trị lịch sử độc đáo của khu di sản phố Việt, cao tầng hóa khu Hòa Bình, trong khi lại bảo tồn khu di sản phố Pháp. "Giải pháp" đưa Dinh Tỉnh trưởng lên cao độ 28 mét để xây khách sạn 10 tầng bên dưới đồng nghĩa với việc phá hỏng một di sản thật để làm một "di sản" giả trên cao. Thay đổi này sẽ không giữ được giá trị nguyên bản về quy hoạch tổng thể, kiến trúc kết cấu gạch với cảnh quan rừng cây bao quanh và ý nghĩa văn hóa của không gian công cộng này trong lòng người dân. Thứ tư, về tác động môi trường, dự án trên đề xuất: Chặt cổ thụ trên đồi Dinh để xây khách sạn 10 tầng; chặt nhiều cây lớn để xây dựng một quảng trường lớn bê tông hóa; xây nhiều công trình bọc kính với điều hòa không khí; khuyến khích giao thông cá nhân thông qua việc mở rộng đường, tăng mạnh diện tích bãi xe ngầm,... Các đề xuất này không chỉ giảm mạnh không gian xanh mà còn làm gia tăng kẹt xe, tăng nhiệt độ môi trường, giảm độ ẩm, mất sương mù và tăng nguy cơ ngập đô thị. Thứ năm, về tác động kinh tế, đề xuất cao tầng hóa khu Hòa Bình theo dự án địa ốc trên đòi hỏi nguồn vốn đầu tư ngoại tỉnh rất cao, làm tăng mức độ lệ thuộc kinh tế của địa phương; tăng áp lực lên ngân sách công của tỉnh do phải chi cho đền bù giải tỏa, đầu tư nâng cấp hạ tầng để phục vụ việc gia tăng mạnh diện tích sàn xây dựng. Nó còn làm nguồn thu ngân sách địa phương không cao sau khi trừ đi chi phí đền bù giải tỏa, đầu tư hạ tầng và các chi phí khác trong khi lợi ích chủ yếu thuộc về nhà đầu tư. Nó gây tăng áp lực cạnh tranh dịch vụ thương mại đối với tiểu thương và doanh nghiệp nhỏ tại chợ Đà Lạt và khu Hòa Bình, có thể làm tăng nguy cơ phá sản cho họ. Hình ảnh cao tầng hiện đại tương lai khu Hòa Bình mà nhà đầu tư đang quảng bá sẽ phù hợp hơn ở khu đô thị mới ngoại vi, còn áp đặt lên trung tâm chỉ đem lại "phồn vinh giả tạo", hào nhoáng bên ngoài. Thứ sáu, về tác động xã hội, cao tầng hóa khu di sản phố Việt sẽ xóa bỏ những giá trị bản sắc đã giúp kết nối những người yêu Đà Lạt, làm cho họ cảm thấy xa lạ, ít gắn bó hơn với Đà Lạt, chưa kể không gian xanh và văn hóa công cộng miễn phí cho dân chúng bị chuyển sang không gian dịch vụ thương mại tư nhân có thu tiền. Phần lớn ý kiến phản biện của các chuyên gia trên nhiều kênh, tại các khảo sát điều tra và hội thảo khoa học hai năm qua, đều cho rằng giải pháp quy hoạch kiến trúc theo tư duy bảo tồn và chỉnh trang Đà Lạt đem lại nhiều lợi ích hơn. Trong hai cuộc bình chọn vừa diễn ra, trên 3.000 độc giả của VnExpress (hơn 90%) cho biết "muốn giữ nguyên hiện trạng", không muốn nâng Dinh Tỉnh trưởng lên 28 mét để xây khách sạn 10 tầng bên dưới, và trên 450 độc giả của báo Tuổi Trẻ (hơn 97%) cho biết muốn "giữ nguyên, tôn tạo khu đồi Dinh để làm công trình công cộng". Cho tới hôm nay, chỉ hơn chục chuyên gia ủng hộ cho giải pháp xây khách sạn 10 tầng, trong khi 77 kiến trúc sư đã ký kiến nghị gửi tỉnh Lâm Đồng, Bộ Xây dựng và Thủ tướng đề nghị đánh giá lại tính hợp pháp của quy hoạch khu trung tâm Hòa Bình, bày tỏ lo ngại về việc xâm hại di sản văn hóa và thiên nhiên của quy hoạch, chưa kể vài trăm bài viết của các chuyên gia đầu ngành ủng hộ tư duy bảo tồn và chỉnh trang khu vực. Kiến nghị trên từ tháng 4/2019 cho tới nay chưa nhận được phản hồi của tỉnh Lâm Đồng. Lãnh đạo Đà Lạt vẫn chưa đưa ra chủ trương muốn nghiên cứu đồi Dinh và khu Hòa Bình theo giải pháp quy hoạch kiến trúc bảo tồn, chỉnh trang để so sánh một cách khoa học, công khai minh bạch với giải pháp quy hoạch kiến trúc dự án địa ốc trước khi đưa ra quyết định cuối cùng cho số phận di sản này. Sapa là bài học nhãn tiền cho thấy tác hại của chủ trương cao tầng hóa và bê tông hóa lên di sản quy hoạch kiến trúc và di sản thiên nhiên của một thành phố nghỉ dưỡng. Thế giới đã có nhiều bài học thành công lớn về kinh tế, văn hóa và xã hội của giải pháp quy hoạch bảo tồn, chỉnh trang giúp trung tâm di sản trở thành khu đi bộ nổi tiếng như làng nghệ sĩ Greenwich (New York, Mỹ), khu phố cổ Montreal và phố cổ Quebec (Canada), khu đồi Montmartre (Paris, Pháp), khu phố chợ Pike Place (Seattle, Mỹ)... mà Đà Lạt có thể học hỏi. Nếu để chuyện đã rồi, quyết định sai lầm sẽ gây những tác hại không thể sửa chữa cho tương lai Đà Lạt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét