Bám dân, hiểu dân, dựa vào dân

Thực tế cho thấy, không ít trường hợp từ những điểm nóng nhỏ lẻ có nguyên nhân là các vấn đề dân sinh, lại bị các lực lượng thù địch lợi dụng, thúc đẩy các mâu thuẫn nội tại, gây bức xúc trong dân chúng và tạo điểm nóng trên thực địa, hoặc trên mạng xã hội. Trong khi đội ngũ cán bộ không hiểu được dân, không nắm chắc dân càng tạo điều kiện để các thế lực thù địch hiện thực âm mưu đó một cách dễ dàng. Ví như, sự vụ ở xã Đồng Tâm (Mỹ Đức) có nguyên nhân từ việc cán bộ cơ sở không hiểu dân; không nắm chắc và chưa phân tích đúng tình hình, do đó lúng túng trong xử lý.

Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP Hà Nội (nhiệm kỳ 2020-2025) thẳng thắn đánh giá: Công tác nắm bắt, dự báo tình hình, tham mưu với cấp ủy, chính quyền trong giải quyết một số vụ việc phát sinh, giải quyết điểm nóng... còn hạn chế. Nghị quyết xác định mục tiêu: Không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm hiệu quả; bảo vệ tuyệt đối an toàn các cơ quan đầu não của Trung ương và thành phố, các sự kiện quốc gia, quốc tế. Một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu đó là phải bám dân, hiểu dân, dựa vào dân.

Giải pháp này thực chất là một bài học thực tiễn quý báu, có tính kế thừa, kế tiếp qua các nhiệm kỳ. Theo thông tin từ đội ngũ làm công tác tuyên giáo, nhiều năm qua, trong quá trình tiến hành công tác dự báo và nắm bắt thông tin, cơ quan chức năng đặc biệt quan tâm đến cả những vấn đề thông tin nhỏ nhất từ quần chúng. Vì quần chúng có trăm nghìn “tai mắt” nên kẻ thù dẫu có tinh vi cũng khó lòng “cất giấu” mọi thủ đoạn, manh mối. Mặt khác, nếu kẻ thù có lợi dụng, mua chuộc quần chúng thì cũng bắt đầu từ những con người cụ thể. Do đó, để kiếm tìm, nhận rõ các nguy cơ, dấu hiệu nảy sinh dư luận tiêu cực, hình thành điểm nóng, Ban Tuyên giáo Thành ủy và ngành tuyên giáo định kỳ tổ chức các cuộc điều tra dư luận xã hội. Định kỳ hoặc đột xuất, ngành tuyên giáo tiến hành tổng hợp phản ánh tình hình xã hội theo phân cấp, trên cơ sở thu thập, phân tích, tổng hợp từ nhiều nguồn: Phản ánh của nhân dân, dư luận từ cơ sở, hội nghị, hội họp và báo chí...

Hà Nội cũng sớm có chủ trương tạo mọi điều kiện, cơ chế để các cơ quan chức năng trong hệ thống chính trị tăng cường phối hợp, phát huy sức mạnh tham gia vào việc tổng hợp, phân tích tình hình nhân dân chính xác, kịp thời. Hiện ở Hà Nội có rất nhiều cơ quan cùng thực hiện chức năng, nhiệm vụ nắm tình hình nhân dân, như: Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận, Mặt trận Tổ quốc, LLVT, cấp ủy các cấp, các cơ quan thanh tra, kiểm tra, tổ chức đoàn thể, các trung tâm nghiên cứu và hệ thống học viện, nhà trường... Theo chức năng, nhiệm vụ và theo phân công, phân cấp, mỗi cơ quan, đơn vị nắm số liệu, tư liệu liên quan tình hình nhân dân ở từng địa bàn, từng lĩnh vực, khu vực. Trên cơ sở đó, tổng hợp, phân tích qua các kênh thông tin của cả hệ thống chính trị làm cơ sở để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền thành phố lãnh đạo, chỉ đạo đạt hiệu quả cao hơn.

Một điểm nhấn khác trong công tác nắm bắt dư luận xã hội là Đảng bộ TP Hà Nội sớm có chủ trương, giải pháp, cơ chế, quy chế phát huy cao nhất vai trò của đội ngũ cộng tác viên; xây dựng các phương án, kịch bản công tác tuyên truyền đối với những vấn đề phức tạp, nhạy cảm trên địa bàn để sẵn sàng đối phó, chuẩn bị các phương án truyền thông trước mọi tình huống và đấu tranh hiệu quả trên không gian mạng.

Với các giải pháp căn cơ, đồng bộ như vậy, cùng kinh nghiệm đã có là tiền đề nền tảng để cấp ủy, chính quyền nắm chắc "trận địa lòng dân"; kịp thời phát hiện, ngăn chặn mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các lực lượng thù địch. Minh chứng là qua các kênh nắm bắt tư tưởng, tâm lý xã hội thường xuyên, đã giúp Hà Nội phát hiện, khống chế được các làn sóng dư luận tiêu cực và tin đồn; đẩy lùi mọi âm mưu, hành động chống phá của các thế lực thù địch, khống chế, triệt phá từ sớm những điểm nóng trên địa bàn. Ví như ngay từ những tháng đầu của quý II-2018, cơ quan chức năng đã sớm nắm thông tin, phát hiện: Vào thời điểm Quốc hội khóa XIV bàn về Dự thảo Luật Đơn vị Hành chính-Kinh tế đặc biệt và Dự thảo Luật An ninh mạng, trên các trang mạng xuất hiện những bài viết kích động biểu tình, gây bạo loạn chính trị, hướng vào nhiều tầng lớp xã hội. Các bài viết trên có nhiều nội dung bịa đặt, phiến diện hoặc bóp méo sự thật, “biên tập” có chủ đích một số nội dung của dự thảo luật nhằm gây bức xúc trong cộng đồng. Nhờ nắm chắc thông tin dư luận xã hội, Đảng bộ TP Hà Nội đã chủ động, tập trung lãnh đạo ngăn chặn ngay từ đầu những mầm mống nảy sinh điểm nóng, khống chế, kiểm soát được tình hình; trong khi vào cùng thời điểm, không ít địa phương khác lại rơi vào thế bị động, để xảy ra tụ tập đám đông, gây rối, đập phá công sở và tấn công người thi hành công vụ.

 Cũng với cách làm đó, hơn 13 năm trước, Hà Nội đã sớm nhận diện, bóc gỡ thành công các âm mưu kích động dư luận, chống phá chủ trương mở rộng địa giới hành chính Hà Nội; hay gần đây là thủ đoạn kêu gọi tẩy chay, vận động người dân không sử dụng tàu điện đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông; bóc gỡ, triệt phá thành công nhiều âm mưu bôi nhọ, hạ bệ danh dự, uy tín của lãnh đạo Thủ đô...

Sáng tạo vận hành kế sách giữ dân

Chia sẻ về kinh nghiệm nắm bắt tư tưởng trong nhân dân, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội nêu quan điểm: Hà Nội có bao nhiêu công dân trưởng thành, thậm chí cả các cháu học sinh THPT, THCS thì có nhiều hơn thế số lượng smartphone đang hoạt động; và chắc chắn có nhiều hơn thế số tài khoản Zalo, Facebook trên không gian mạng... Có nghĩa, người dân đang có một thế giới không gian mạng riêng trong thời buổi công nghệ 4.0. Do đó, ngoài việc nắm đời sống tư tưởng người dân qua thực tiễn cuộc sống, tất yếu phải nắm tư tưởng, quan điểm, tình cảm của họ trên không gian mạng.

Để làm được điều này, ngành tuyên giáo Hà Nội nhất quán nhận thức: Mỗi cán bộ, công chức các cấp và đội ngũ đảng viên với kỹ năng tuyên truyền, giáo dục vận động quần chúng và chiếc smartphone trong tay phải thực sự là một đầu mối thu thập thông tin và nắm bắt dư luận xã hội. Mỗi người phải có trách nhiệm kết nối, gắn kết với người dân, khu dân cư, tổ nhóm, câu lạc bộ trên không gian mạng; thường xuyên gần gũi với quần chúng trong địa bàn công tác, sinh sống để nắm bắt tâm trạng cộng đồng, nhất là những trường hợp đặc biệt, khác lạ.

Phần việc này càng trở nên thuận lợi, bởi Đảng bộ TP Hà Nội là đảng bộ lớn nhất cả nước, với hơn 450.000 đảng viên (chiếm gần 10% số đảng viên cả nước). Hà Nội cũng là địa phương tập trung đông các nhà khoa học, văn nghệ sĩ, trí thức, cán bộ trung, cao cấp. Cùng với đó là một số lượng lớn cán bộ hưu trí, lão thành cách mạng, người có uy tín ở địa phương, tướng lĩnh trong LLVT... đang sinh sống, công tác, gắn bó với Thủ đô. Đây là lực lượng có ảnh hưởng sâu rộng trong cộng đồng, có vai trò quan trọng với hệ thống chính trị cơ sở, là hạt nhân trong các phong trào cách mạng. Đặc biệt, khi mạng xã hội có sức ảnh hưởng sâu rộng đến dư luận xã hội thì những phát ngôn, bình luận, chia sẻ... của những cá nhân này có tính định hướng, dẫn dắt dư luận rất lớn. Họ cũng được khẳng định, ghi nhận như những “bến đậu niềm tin”, là chỗ dựa tinh thần của đông đảo quần chúng nên có khả năng nắm chắc lòng dân, thuyết phục và vận động nhân dân tham gia hành động vì lợi ích chung.

Để phát huy vai trò đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên và các lực lượng đặc thù trên địa bàn, Hà Nội sớm có chủ trương: Vận động, thu hút và tranh thủ tiếng nói của những người có uy tín trong cộng đồng; các tổ chức, các giới, cá nhân có tầm ảnh hưởng trên cộng đồng mạng xã hội... cùng tham gia công tác tuyên truyền, vận động người dân xây dựng Thủ đô, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và thành phố. Cùng với đó, lãnh đạo TP Hà Nội cũng thường xuyên tham khảo, lấy ý kiến đóng góp của những cán bộ, nguyên lãnh đạo cấp cao trước khi đưa ra những quyết định, quyết sách quan trọng liên quan đến các vấn đề khó, mới, có tính chất phức tạp.

Mặt khác, để phát huy vai trò của lực lượng quần chúng đặc biệt này, Hà Nội chủ động cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ, cập nhật để họ định hướng dư luận, bác bỏ những luận điệu xuyên tạc, suy diễn của các thế lực thù địch. Nhiều cách làm đa dạng được tiến hành như: Thông qua đối thoại, sinh hoạt của các tổ chức, đoàn thể; hệ thống truyền thanh công cộng; những cuốn nội san nội bộ thông tin về chủ trương, chính sách, tình hình an ninh, trật tự của địa phương... Đồng thời hướng dẫn, trao đổi với chi ủy, ban công tác mặt trận, các tổ chức đoàn thể ở khu dân cư, tổ dân phố, thôn, xóm... tăng cường tiếp xúc với người dân thông qua mối quan hệ họ tộc, tình làng nghĩa xóm, qua các buổi sinh hoạt đoàn thể-dân cư; một mặt thể hiện vai trò “cầu nối” giữa nhân dân với cấp ủy, chính quyền cơ sở; mặt khác làm công tác nắm, dự báo tình hình, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền giải quyết kịp thời, thỏa đáng những vấn đề dân sinh bức xúc, dư luận phản ánh và nhận diện, đấu tranh với âm mưu, thủ đoạn chống phá của kẻ thù.

Theo khảo sát, hiện nhiều lực lượng trong các ngành: Tuyên giáo, tổ chức, dân vận, kiểm tra, thanh tra, dân tộc, tôn giáo... đều chủ động thành lập các nhóm (group) kết nối trên Facebook, Zalo, fanpage, blogger... để truyền đi những thông điệp cần thiết và nắm thông tin ngược khi cần. Đó không chỉ là sự kết nối tình cảm của những đồng chí, đồng nghiệp mà còn là cách phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc nắm bắt, phát hiện kịp thời mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. Chính những lực lượng hùng hậu này kết hợp với hiệu quả hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên dư luận xã hội theo hướng đa dạng hóa các thành phần tham gia trở thành "cánh tay vươn dài" đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, đến từng người dân; và ngược lại, nhanh chóng thu thập dư luận, tâm tư, nguyện vọng của quần chúng để phản ánh kịp thời đến cơ quan chức năng. Đây là lực lượng được xác định phải đi trước mở đường, dự báo sớm, chính xác, làm chủ tình hình, định hướng dư luận xã hội, tạo sự đồng thuận, sự thống nhất trong xã hội, vì mục tiêu chung, bảo đảm giữ vững ổn định để phát triển Thủ đô.