Giá trị và sức sống của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay
Trong lịch sử nhân loại, hiếm có học thuyết, tư tưởng nào mà trong suốt quá trình hình thành và phát triển lại chịu nhiều sự đả kích, xuyên tạc, bóp méo của các thế lực chống đối như chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Hành trình gần hai thế kỷ kể từ khi C. Mác, Ph. Ăng-ghen đặt nền móng đầu tiên tại Đức, V.I. Lê-nin kế tục và phát triển tại Nga, Chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể của cách mạng Việt Nam, cho đến nay, chủ nghĩa Mác - Lê-nin vẫn là nền tảng tư tưởng vững chắc của các đảng cộng sản cầm quyền, trong đó có Việt Nam.
Vượt lên trên mọi giới hạn về không gian và thời gian, những nguyên lý, khái niệm, phạm trù, quy luật và phương pháp luận cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin tiếp tục là “chìa khóa” giải đáp những vấn đề tư tưởng, soi sáng những nhiệm vụ lịch sử chín muồi của nhân loại, đó là giải phóng con người khỏi mọi hình thức áp bức, bóc lột, mọi sự tha hóa. Chủ nghĩa Mác - Lê-nin có giá trị bền vững và tính thời đại bởi bản thân nó là một học thuyết phát triển và nhân văn, luôn hướng tới sự tiến bộ của xã hội. Những giá trị cơ bản đó được thể hiện sinh động, nhất quán từ chủ nghĩa Mác đến chủ nghĩa Lê-nin và trong tư tưởng Hồ Chí Minh.
Nói học thuyết Mác là học thuyết phát triển bởi nó mang bản chất khoa học, cách mạng triệt để nhất. Ngày nay, mặc dù thế giới có nhiều đổi thay, bản thân các nước tư bản cũng có sự điều chỉnh để thích nghi với hoàn cảnh mới, nhưng bản chất bóc lột của chủ nghĩa tư bản vẫn không hề thay đổi. Những hạn chế, khuyết tật vốn có của chủ nghĩa tư bản, như ô nhiễm môi trường, xung đột, khủng bố, bạo lực và bất ổn xã hội, khủng hoảng kinh tế, bất bình đẳng xã hội,... vẫn diễn ra hết sức gay gắt và phức tạp ở các nước tư bản. Thậm chí, học giả Allen W. Wood còn chỉ ra rằng: “Phần lớn mọi người đều cho rằng Mỹ là quốc gia giàu có nhất trên thế giới, nhưng đó cũng là quốc gia bất bình đẳng nhất trên thế giới: 400 người giàu nhất nước Mỹ sở hữu khối lượng tài sản cao hơn tổng số tài sản của 150 triệu người nghèo nhất. Những người giàu nhất chiếm 1% dân số nhưng lại sở hữu hơn 1/3 tổng lượng tài sản của toàn xã hội, vượt quá tổng lượng tài sản của những người có thu nhập thấp nhất nước Mỹ - đối tượng chiếm tới 95% dân số”. Với những mâu thuẫn mang tính bản chất đó, theo sự vận động của quy luật xã hội, xu hướng diệt vong tất yếu của chủ nghĩa tư bản vẫn là vấn đề thời sự của không chỉ thời Mác sống mà ngay cả tới tận ngày nay.
V.I. Lê-nin từng chỉ rõ: “Học thuyết của Mác là học thuyết vạn năng vì nó là một học thuyết chính xác. Nó là một học thuyết hoàn bị và chặt chẽ; nó cung cấp cho người ta một thế giới quan hoàn chỉnh, không thỏa hiệp với bất cứ một sự mê tín nào, một thế lực phản động nào”. Cũng vì đó là học thuyết phát triển, học thuyết mở nên sẽ là sai lầm nếu tuyệt đối hóa mặt này hay mặt kia của nó. Chính Ph. Ăng-ghen từng nói rõ: “Lý luận của chúng tôi là lý luận của sự phát triển, chứ không phải là một giáo điều mà người ta phải học thuộc lòng và lắp lại một cách máy móc”. Sau này, V.I. Lê-nin cũng khẳng định và nhấn mạnh: “Chúng ta không hề coi lý luận của Mác như là một cái gì đã xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm; trái lại, chúng ta tin rằng lý luận đó chỉ đặt nền móng cho môn khoa học mà những người xã hội chủ nghĩa cần phải phát triển hơn nữa về mọi mặt, nếu họ không muốn trở thành lạc hậu đối với cuộc sống”.
Với chủ nghĩa duy vật lịch sử, mà cốt lõi là lý luận về hình thái kinh tế - xã hội, C. Mác đã chỉ ra quy luật phát triển của xã hội loài người thực chất là sự thay thế các hình thái kinh tế - xã hội, thông qua cách mạng xã hội. Sự thay thế đó là một quá trình lâu dài và được quyết định bởi những mâu thuẫn nội tại của các hình thái kinh tế - xã hội ấy. Mỗi hình thái kinh tế - xã hội được xem như là một cơ thể sống, một cơ cấu xã hội hoàn chỉnh, luôn luôn biến động bởi sự tác động tổng hợp của lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, của cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng. Trong sự tác động đó, con người luôn giữ vai trò trung tâm và quan trọng nhất, quyết định sự phát triển của các hình thái kinh tế - xã hội. Vì thế, C. Mác khẳng định: “Trong tất cả những công cụ sản xuất, thì lực lượng sản xuất hùng mạnh nhất là bản thân giai cấp cách mạng”.
Trong khi khẳng định tính tất yếu của hình thái kinh tế - xã hội tư bản chủ nghĩa, C. Mác cũng chứng minh tính tất yếu của hình thái kinh tế - xã hội mà hình thái kinh tế - xã hội tư bản chủ nghĩa nhất thiết phải chuyển sang, đó là hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa, trong đó giai đoạn đầu là xã hội xã hội chủ nghĩa. Sự vận động, phát triển, thay thế các hình thái kinh tế - xã hội từ thấp đến cao là quy luật tất yếu của lịch sử xã hội loài người, chứ không phải của riêng một dân tộc hay quốc gia nào.
Đối chiếu với lịch sử phát triển xã hội loài người cũng như thực tiễn phát triển xã hội của nhân loại ngày nay, có thể thấy, sự tổng kết nói trên của C. Mác là hoàn toàn đúng đắn, vượt xa thời đại mà ông sống về tư duy cũng như tầm nhìn. Quan điểm duy vật lịch sử cùng với lý luận về hình thái kinh tế - xã hội của C. Mác là nền tảng trong việc hình thành nhận thức về xã hội tư bản chủ nghĩa hiện đại và xã hội xã hội chủ nghĩa với đầy đủ những đặc điểm về bản chất, mâu thuẫn, xu hướng vận động, phát triển cũng như con đường đưa chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản trở thành hiện thực.
Lý luận kinh tế chính trị của C. Mác với học thuyết giá trị thặng dư lại chỉ ra mục đích và bản chất của chủ nghĩa tư bản là bóc lột giá trị thặng dư và lợi nhuận tối đa, là nguồn gốc dẫn tới sự bất công, bất bình đẳng trong xã hội. Nhiều học giả tư sản cố gắng phủ nhận học thuyết giá trị thặng dư của C. Mác bằng cách lý giải rằng, chính máy móc tạo ra giá trị, còn sức lao động của công nhân thì được trả công sòng phẳng, vì thế, nhà tư bản không hề bóc lột công nhân, mà họ làm giàu chính đáng nhờ “bóc lột” máy móc. Tuy nhiên, C. Mác và Ph. Ăng-ghen đã chỉ ra những mâu thuẫn cũng như khuyết tật cố hữu của chủ nghĩa tư bản, đồng thời cung cấp căn cứ lý luận xác đáng để đi đến khẳng định: “Sự sụp đổ của giai cấp tư sản và thắng lợi của giai cấp vô sản đều là tất yếu như nhau”.
Ngày nay, trong chủ nghĩa tư bản hiện đại, dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cùng với quá trình toàn cầu hóa và kinh tế tri thức, giá trị thặng dư được tạo ra ngày càng nhiều hơn cho nhà tư bản. Vai trò, vị trí của giai cấp công nhân, người lao động mặc dù được đề cao và đời sống của họ cũng được cải thiện nhiều mặt; song, xét về địa vị, họ vẫn là những người lao động làm thuê, phục vụ mục đích làm gia tăng giá trị thặng dư cho nhà tư bản. Bản chất áp bức, bóc lột của chủ nghĩa tư bản hiện đại không hề thay đổi. Những mâu thuẫn vốn có của xã hội tư bản chủ nghĩa, nhất là mâu thuẫn giữa tính chất xã hội hóa ngày càng cao của lực lượng sản xuất và chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa ngày càng trở nên sâu sắc. Trước thực tiễn đó, bản thân chủ nghĩa tư bản, dù ở phương Đông hay phương Tây, đều phải điều chỉnh để thích nghi và tồn tại.
Theo chủ nghĩa Mác, chủ nghĩa xã hội có mục đích trực tiếp là giải phóng giai cấp vô sản, song bản chất và mục đích sâu xa của chủ nghĩa xã hội hay của chủ nghĩa cộng sản là giải phóng con người, tạo điều kiện cho con người được tự do và phát triển toàn diện. Quan điểm này của chủ nghĩa Mác vừa bao hàm giá trị khoa học, biện chứng, vừa thấm đẫm tính nhân văn, nhân đạo cao cả. Chủ nghĩa Mác, bằng lý luận hoàn bị của mình, khẳng định việc thiết lập chế độ xã hội chủ nghĩa của giai cấp công nhân, người lao động là tất yếu khách quan, thay thế cho chế độ tư bản chủ nghĩa vốn đã bộc lộ quá nhiều khiếm khuyết và mâu thuẫn; đồng thời, luận giải một cách khoa học về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, vai trò lãnh đạo của đảng cộng sản và khả năng quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa ở các nước lạc hậu... Phương pháp tiếp cận khoa học, biện chứng cùng quan điểm có tính cách mạng và nhân văn về bản chất, mục tiêu, động lực phát triển của xã hội xã hội chủ nghĩa là những giá trị không thể phủ nhận của chủ nghĩa Mác.
Đến cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, xuất phát từ thực tiễn nước Nga và bối cảnh chủ nghĩa tư bản thế giới chuyển từ giai đoạn tự do cạnh tranh sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, V.I. Lê-nin đã bổ sung, phát triển lý luận của C. Mác và Ph. Ăng-ghen, hình thành nên chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Sự bổ sung, phát triển đó của V.I. Lê-nin diễn ra toàn diện, cả trên lĩnh vực triết học, kinh tế chính trị học và chủ nghĩa xã hội khoa học, nhằm ứng dụng vào thực tiễn cách mạng nước Nga. V.I. Lê-nin là người sáng lập ra học thuyết về chính đảng kiểu mới của giai cấp công nhân và đưa ra luận điểm: Cách mạng vô sản có thể nổ ra và thắng lợi ở một số nước, thậm chí ở một nước lạc hậu. Luận điểm này đã được chứng minh bởi thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, là sự bổ sung, phát triển sáng tạo của V.I. Lê-nin đối với học thuyết của C. Mác và Ph. Ăng-ghen, bởi trước đó, hai ông nhận định, chủ nghĩa xã hội chỉ có thể giành thắng lợi trước tiên ở các nước công nghiệp phát triển phương Tây.
V.I. Lê-nin còn nhận thấy vai trò to lớn và mối quan hệ mật thiết của cách mạng giải phóng dân tộc với cách mạng xã hội chủ nghĩa trong thời đại mới, của độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga đưa đến sự ra đời của nước Nga Xô-viết, đồng thời mở ra thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Sau cuộc nội chiến, nước Nga lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng, V.I. Lê-nin đã đề xướng cải cách chủ nghĩa xã hội với “Chính sách kinh tế mới” (NEP), thay cho “Chính sách cộng sản thời chiến”, đưa nước Nga ra khỏi cuộc khủng hoảng.
“Chính sách kinh tế mới” chủ trương dùng lợi ích kinh tế để tạo động lực thúc đẩy tính tự giác, tích cực của công nhân, nông dân và người lao động, giải phóng lực lượng sản xuất cùng mọi tiềm năng sáng tạo của con người để thúc đẩy xã hội phát triển. Theo đó, việc thực hiện các hình thức “quá độ gián tiếp”, “quá độ đặc biệt”, những “biện pháp trung gian” được thừa nhận như là giải pháp hữu hiệu nhằm xây dựng chủ nghĩa xã hội: “Chúng ta phải lợi dụng chủ nghĩa tư bản (nhất là bằng cách hướng nó vào con đường chủ nghĩa tư bản nhà nước) làm mắt xích trung gian giữa nền tiểu sản xuất và chủ nghĩa xã hội, làm phương tiện, con đường, phương pháp, phương thức để tăng lực lượng sản xuất lên”.
Có thể nói, tư tưởng của V.I. Lê-nin về cách mạng vô sản, về xây dựng chủ nghĩa xã hội ở một nước tiểu nông, có chủ nghĩa tư bản phát triển ở mức độ trung bình; về đặc điểm, tính chất, biện pháp trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; về vai trò của đảng cộng sản và nhà nước xã hội chủ nghĩa..., đều là những sáng tạo vô giá, giúp bổ sung, làm giàu thêm cho lý luận của chủ nghĩa Mác. Nhờ đó, chủ nghĩa Mác - Lê-nin trở thành ngọn hải đăng soi sáng con đường cách mạng giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng con người cho hàng triệu người dân lao động ở các nước thuộc địa trên thế giới, cũng là cơ sở lý luận để Đảng Cộng sản Việt Nam tiến hành công cuộc đổi mới hiện nay.
Ở Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đầu tiên vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào điều kiện cụ thể của đất nước. Ngay sau khi được đọc bản “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I. Lê-nin, Người xác định, con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam là phải tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa để giải phóng dân tộc, giai cấp và con người. Vì thế, xuyên suốt và nhất quán trong tư tưởng Hồ Chí Minh là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là người tiên phong trong việc thức tỉnh dân tộc mình và các dân tộc bị áp bức vùng lên đấu tranh giành lại độc lập dân tộc. Đồng thời, Người cũng khẳng định: Cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa có mối quan hệ chặt chẽ với cách mạng ở chính quốc, nhưng không hoàn toàn phụ thuộc vào cách mạng ở chính quốc; nhân dân các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc có thể chủ động đứng lên, “đem sức ta mà giải phóng cho ta”, giành thắng lợi trước cách mạng ở chính quốc.
Xuất phát từ điều kiện đặc thù của xã hội Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giải quyết sáng tạo và thành công mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp, dân tộc và quốc tế, từ đó tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với cách mạng nước ta. Về con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, Người cho rằng, đặc điểm lớn nhất của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta là “từ một nước nông nghiệp lạc hậu tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội không phải kinh qua chế độ tư bản chủ nghĩa”. Quan điểm này của Người đã cụ thể hóa và làm phong phú thêm lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; đồng thời, là cơ sở để xác định bước đi và các biện pháp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Về mục tiêu và lý tưởng của chủ nghĩa xã hội, Người khẳng định: “Chủ nghĩa xã hội trước hết nhằm làm cho nhân dân lao động thoát nạn bần cùng, làm cho mọi người có công ăn việc làm, được ấm no và sống một đời hạnh phúc”(8).
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp thu, vận dụng và phát triển một cách linh hoạt, sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào thực tiễn cách mạng nước ta; qua đó, tạo nên hệ thống tư tưởng của mình và tạo tiền đề quan trọng cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam vào mùa Xuân năm 1930. Thực tiễn cách mạng Việt Nam hơn 90 năm qua dưới sự lãnh đạo, dẫn dắt của Ðảng Cộng sản Việt Nam, nhất là trong 35 năm đổi mới vừa qua, đã khẳng định và chứng minh giá trị, sức sống vĩ đại của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Cùng với đó, thực tiễn đổi mới, cải cách, mở cửa ở các nước xã hội chủ nghĩa hiện nay, những chuyển biến tích cực tại các nước tư bản chủ nghĩa và nỗ lực phát triển không ngừng của các đảng cộng sản và công nhân trên thế giới, cũng là những minh chứng cho giá trị trường tồn của chủ nghĩa Mác - Lê-nin trong thời đại ngày nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét