Thứ Năm, 16 tháng 12, 2021

Kết hợp chặt chẽ công tác tư tưởng và công tác tổ chức trong xây dựng Đảng bộ quân đội vững mạnh về chính trị thời kỳ chống Mỹ


Đảng ta luôn nắm vững công tác tư tưởng, luôn xác định công tác tư tưởng có vị trí, vai trò quan trọng hàng đầu trong công tác xây dựng Đảng và nâng cao sức mạnh chiến đấu của quân đội. Kinh nghiệm cho thấy: bất cứ công việc gì muốn làm tốt, trước hết phải thông suốt tư tưởng và muốn làm tốt công tác cho toàn quân thì trước hết phải làm tốt công tác tư tưởng trong nội bộ Đảng, làm từ trong Đảng ra ngoài quần chúng.

Chăm lo xây dựng Đảng vững mạnh về tư tưởng, tăng cường công tác tư tưởng của Đảng trên mọi lĩnh vực là vấn đề có tính nguyên tắc của công tác xây dựng Đảng, đồng thời cũng là nguyên tắc của hoạt động công tác đảng, công tác chính trị. Để phát huy hiệu lực của công tác tư tưởng đòi hỏi:

Một là: Nắm vững tính giai cấp, tính đảng của công tác tư tưởng. Bởi công tác tư tưởng là vấn đề rộng lớn, bao gồm cả thế quan, nhân sinh quan, cả lý luận cách mạng và kiến thức văn hoá cần thiết; đấu tranh tư tưởng là biểu hiện của đấu tranh giai cấp; đấu tranh giữa hai hệ tư tưởng giữa ta và địch trong chống Mỹ, chúng ta phải phấn đấu để tăng cường hiệu lực công tác tư tưởng, trước hết là nâng cao tính giai cấp, tính đảng của công tác tư tưởng.

Hai là: Phải nắm vững tính khoa học của công tác tư tưởng. Đó là tính khách quan, phản ánh đúng bản chất quy luật vận động của sự vật. Hơn nữa đối tượng tác động của công tác tư tưởng là con người và tổ chức, do đó quá trình tiến hành phải hết sức khoa học, tỉ mỉ, phải bám sát vào thực tiễn của đất nước và quân đội.

Ba là: Nâng cao tinh thần chiến đấu của công tác tư tưởng, đó là cuộc đấu tranh giai cấp trên lĩnh vực tư tưởng, là cuộc đấu tranh giữa hệ tư tưởng vô sản với hệ tư tưởng tư sản trên mọi lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế, văn hoá xã hội.

Trong cuộc đấu tranh đó, công tác tư tưởng đã không ngừng xây dựng cho cán bộ, đảng viên và toàn quân có lập trường chiến đấu kiên định, có quan điểm nhìn nhận, đánh giá đúng đắn về so sánh lực lượng địch - ta; luôn đấu tranh chống mọi biểu hiện hữu khuynh, tiêu cực. Trong công tác tư tưởng phải có sự thống nhất giữa lý luận với thực tiễn, kiên quyết giữ vững những vấn đề thuộc về đường lối, nguyên tắc, đề cao phê bình và tự phê bình qua đó làm cho cán bộ, chiến sỹ thấy rõ ưu điểm, khuyết điểm, tạo sự đoàn kết thống nhất cao trong thực hiện nhiệm vụ chiến đấu, không mất tự tin trong những tình huống gay go, ác liệt nhất.

Bốn là: Kết hợp chặt chẽ công tác tư tưởng với công tác tổ chức, phát huy đồng bộ sức mạnh của tư tưởng và tổ chức. Công tác tư tưởng nhằm phục vụ thực hiện thắng lợi đường lối nhiệm vụ chính trị, quân sự của Đảng; tuy vậy tư tưởng dù tốt đến đâu cũng không thể thay thế được tổ chức, cũng như tổ chức mà không có tư tưởng tốt thì cũng không mạnh, không phát huy được hiệu lực. Vì vậy, phải kết hợp chặt chẽ công tác tư tưởng với công tác tổ chức thì mới tạo nên sức mạnh tổng hợp. Giải quyết thông suốt tư tưởng phải đi đôi với giải quyết tốt về tổ chức, đó là biện pháp hữu hiệu làm cho công tác tư tưởng và công tác tổ chức gắn bó với nhau. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, công tác đảng, công tác chính trị đã có nhiều cố gắng trong việc kết hợp giữa công tác tư tưởng và công tác tổ chức, do đó đã tạo nên sức mạnh tổng hợp để chiến thắng kẻ thù.TH

 

 

 

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét