Không để ''lợi ích nhóm'' trong xây dựng văn bản pháp luật
Lâu nay, một vấn đề được dư luận xã hội quan tâm là việc lồng ghép, cài cắm “lợi ích nhóm” trong các văn bản quy phạm pháp luật để trục lợi, hay còn gọi là tình trạng “tham nhũng chính sách”.
“Lợi ích nhóm” có thể hiểu là một nhóm người nào đó lấy lợi ích của nhóm mình làm trung tâm, làm mục tiêu duy nhất để hành động, xa rời lợi ích chung của đất nước, của xã hội... Lợi ích nhóm bản chất là hành vi tham nhũng và luôn có mối quan hệ chặt chẽ với tham nhũng. Mối quan hệ này được hình thành bởi mối câu kết giữa những người có quyền lực trong hệ thống chính trị với cá nhân, doanh nghiệp hoặc một nhóm người bên ngoài, nhằm tạo ra các quyết định hoặc tìm cách tác động vào chính sách để đạt được lợi ích riêng.
Kết luận số 21-KL/TƯ ngày 25-10-2021 của Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đã yêu cầu siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là người đứng đầu trong công tác xây dựng pháp luật. Qua đó, không để xảy ra tình trạng lồng ghép “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ của cơ quan quản lý nhà nước trong văn bản pháp luật.
Thực tế cho thấy, việc để “lọt” một số quy định có tính chất “lợi ích nhóm” chủ yếu nằm ở văn bản dưới luật như nghị định, thông tư hoặc các nghị quyết, quyết định của các địa phương. Những dấu hiệu này đã từng xuất hiện trong một số điều khoản quy định về thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa, dự án đổi đất lấy hạ tầng...
Từ hành vi lồng ghép những quy định có tính chất “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ (một dấu hiệu của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”) trong văn bản pháp luật hoặc chỉ nghiêng về tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý, mà thiếu đồng hành với người dân, doanh nghiệp đến vi phạm pháp luật là không xa. Điển hình mới đây, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội đã khởi tố, bắt giam 8 bị can về tội: “Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản”, “lợi dụng chức vụ quyền hạn” xảy ra tại huyện Đông Anh, gây thiệt hại cho Nhà nước khoảng 200 tỷ đồng.
Nguyên nhân của tình trạng này ngoài “lòng tham” của các cá nhân trong bộ máy công quyền, không thể không nhắc đến kỹ năng quản lý, lãnh đạo; năng lực, kiến thức về pháp luật của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức còn nhiều hạn chế. Theo báo cáo tại Hội nghị của Chính phủ về công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế ngày 16-9-2021, một số bộ, ngành, địa phương chưa nhận thức đúng mức, nên chưa đầu tư đúng tầm cho công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế. Vẫn còn tình trạng lồng ghép, cài cắm lợi ích hoặc “không quản được thì cấm”, “cắt giấy phép mẹ, đẻ giấy phép con” trong các thông tư, nghị định, quyết định…
2. Từ nhiều năm nay, vấn đề xây dựng thể chế để tháo gỡ các rào cản trong sản xuất, kinh doanh, phù hợp với thông lệ quốc tế được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 tháng nào cũng tổ chức một cuộc họp chuyên đề về xây dựng pháp luật cho thấy điều đó.
Để làm tốt công việc này, xem đây là dư địa cho tăng trưởng bền vững, việc đầu tiên cần làm là siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là người đứng đầu trong xây dựng pháp luật, giám sát, phản biện quá trình lập pháp và thực thi pháp luật; chống tiêu cực ngay trong công tác xây dựng pháp luật; tuyệt đối không được lồng ghép “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ của cơ quan quản lý nhà nước trong văn bản pháp luật hoặc không cân bằng giữa cơ quan quản lý nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Cùng với đó là tập trung xử lý, khắc phục ngay tình trạng văn bản pháp luật tính dự báo yếu, thiếu ổn định, “luật khung, luật ống”, chậm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành. Không được để xảy ra tình trạng luật mới được ban hành đã phải sửa đổi, bổ sung, xa rời thực tiễn; luật chờ nghị định, nghị định chờ thông tư, gây lo ngại của các nhà đầu tư...
Đặc biệt, việc rà soát, sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật có quy định lạc hậu là rất cần thiết song phải thực sự tháo gỡ được những “nút thắt”, rào cản trong các quy định, tạo động lực cho sự phát triển. Tránh tình trạng chỉ chăm chăm sửa đổi, bổ sung những quy định có lợi cho bộ, ngành mình.
Để nói “không” với văn bản có cài cắm lợi ích, rất cần sự liêm chính trong xây dựng pháp luật. Bởi, sự liêm chính sẽ giúp xây dựng được văn bản khách quan, không chồng chéo, không có lợi ích xung đột với nhân dân. Muốn làm được điều này, đòi hỏi mỗi bộ, ngành khi được giao chủ trì soạn thảo phải hướng tới sự phát triển chung. Người đứng đầu trực tiếp phụ trách và chịu trách nhiệm về công tác xây dựng pháp luật. Cơ quan thẩm định, thẩm tra phải kiên quyết bác những văn bản kém chất lượng, có quy định cài cắm lợi ích. Phải gắn trách nhiệm đến cùng những cá nhân, tổ chức khi xây dựng và thực hiện văn bản quy phạm pháp luật; đề cao hơn nữa việc lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp, những chủ thể chịu sự tác động trực tiếp của văn bản quy phạm pháp luật.
Ngoài ra, từng cán bộ, đảng viên làm công tác thể chế, kể cả cấp chuyên viên, cấp vụ đều phải nâng cao trách nhiệm, công tâm, khách quan; tham mưu, đề xuất phải xuất phát từ yêu cầu thực tiễn; phải tháo gỡ giải quyết được những khó khăn, vướng mắc về thể chế đang gặp phải, không cài cắm lợi ích công vụ, lợi ích ngành, địa phương.
Ngăn chặn từ trứng nước, không để xảy ra tình trạng lồng ghép, cài cắm lợi ích trong văn bản pháp luật cũng là nhằm bảo vệ cán bộ có năng lực, dám nghĩ dám làm, góp phần vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét