Những năm qua không hiểu vì mục đích gì mà một số nhà mang danh sử học đang cố tìm cách hướng lái cuộc Kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc ta thành cuộc nội chiến, gần đây nhất cả một nhà sư ít nhiều có tiếng tăm đó là Thượng tọa Thích Nhật Từ cũng công khai cho rằng từ năm 1945 - 1975 cuộc chiến xảy ra trên đất nước Việt Nam là cuộc nội chiến, và rất đáng tiếc trên báo chí công khai của Đảng và Nhà nước ta đã không có một bài báo nào phản bác lại cách nhìn nhận cực kỳ sai trái, mang tính chất phản động này. Một câu hỏi đặt ra mong các Cơ quan chức năng có liên quan hãy trả lời vì sao như vậy?
Nhân sự việc này tôi xin viết về câu chuyên của tôi để cộng đồng mạng hiểu đúng và nhận rõ bản chất của cuộc chiến tranh diễn ra từ 1954-1975 trên đất nước ta và sau đó lan rộng ra khắp bán đảo Đông Dương.
Tôi sinh ra ở một miền quê thơ mộng bên dòng sông Thu Bồn hiền hoà của tỉnh Quảng Nam . Tôi tuổi Ngọ và chào đời trước khi Việt Nam và Pháp ký kết Hiệp định Giơ ne vơ 10 ngày, lúc đó trong kháng chiến nên không có giấy khai sinh, mãi sau này khi lập bản khai sinh đầu tiên mẹ tôi nói ngày sinh của con rất dễ nhớ, đó là sinh trước ngày ký Hiệp định hoà bình kết thúc chiến tranh chống Pháp 10 ngày. Và chắc ai đã học lịch sử, hoặc có nghiên cứu về lịch sử thì Hiệp định này ghi rõ trong Điều một: Cộng hoà Pháp và các nước tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Đây là điều khoản quan trọng nhất mà vì nó dân tộc Việt Nam đã chiến đấu từ khi Thực dân Pháp đưa quân vào tấn công Đà Nẵng năm 1858 cho đến 1954, gần 100 năm đấu tranh để giành lại cái quyền được độc lập và toàn vẹn lãnh thổ, biết bao máu xương và tính mạng của đồng bào yêu nước đã đổ ra và ngã xuống...
Thế nhưng như mẹ tôi kể lại, sinh con ra những tưởng từ đây đất nước sẽ hoà bình, thống nhất, các con của mẹ sẽ được học hành và hưởng hạnh phúc mà bao bậc tiền nhân đã xây đắp nên song lại không được như vậy, đế quốc Mỹ đã hất chân thực dân Pháp nhảy vào nắm lấy bộ máy tay sai của Pháp, xoá bỏ Hiệp định Giơ Ne Vơ, dựng nên chính quyền bù nhìn Ngô Đình Diệm với danh xưng Việt Nam cộng hoà, rắp tâm chia cắt lâu dài đất nước ta, biến vĩ tuyến 17 thành biên giới quốc gia, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới của Đé quốc Mỹ; và máu lại đổ, cuộc tàn sát đẫm máu những người tham gia kháng chiến chống Pháp đã bắt đầu: ba tôi, chú tôi và hàng chục vạn người yêu nước bị bắt vào tù, bị tra tấn và sát hại một cách dã man, gia đình tôi bị ghi danh gia đình can cứu Cộng sản... Làng quê nơi tôi sinh ra hưởng hoà bình chưa được tày gang đã lại nghe tiếng còi bố ráp, tiếng mõ hô hào bắt cộng sản nằm vùng và tiếng súng rền vang cùng xác người kháng chiến năm xưa đã ngã xuống, bao cuộc giết người tập thể Phú Lợi, Mỹ Trinh, Chợ Được... Tôi lớn lên trong bối cảnh như vậy, và khi Ngô Đình Diệm bị lật đổ, chưa đầy 10 tuổi mà tôi đã vui mừng khôn xiết, hoà cùng dòng người xuống đường biểu tình đã đảo chính quyền độc tài gia đình trị họ Ngô, trong màu áo Phật tử (dù gia đình tôi không theo Phật giáo); rồi đêm đêm tôi nằm giả vờ ngủ để nghe ba tôi và các đồng chí của ông bàn cách giải phóng quê hương mà trong lòng rạo rực ước gì mình nhanh lớn để được tham gia và cái gì đến ắt sẽ đến, quê tôi đã được giải phóng vào giữa năm 1964, tôi lại được cắp sách đến trường, các thầy, cô giáo đã dạy chúng tôi theo chương trình giáo dục của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, tôi lúc đó vào học lớp bốn và sau đó học lên cấp hai từ lớp năm đến lớp bảy, lớp chúng tôi vừa học vừa phục vụ kháng chiến, các anh lớn tuổi khi đi học mang theo cả súng trường, ban ngày thì học tập, ban đêm chúng tôi đi vận chuyển lương thực, thực phẩm lên căn cứ, thầy trò chung nhau từng ngụm nước uống và sống chết bên nhau dưới làn bom pháo của Mỹ, ngụy, tiếng thầy cô giảng xen trong tiếng pháo, tiếng bom.
Trường chúng tôi tồn tại đến cuối năm 1967, khi đó quân Mỹ bắt đầu đánh phá ác liệt vùng B Đại Lộc, chỉ cần phát hiện bóng người mang súng là chúng huy động máy bay, pháo bầy tập trung đánh phá, học sinh bọn tôi không thể đến trường. Cả lớp Bảy chúng tôi hầu hết thoát ly tham gia kháng chiến, một số bạn đã hy sinh còn lại sau này đều trưởng thành từ trong khói lửa chiến tranh, có anh lên cấp tướng, cấp tá của Quân đội và Công an, còn lại đều là cán bộ lãnh đạo của tỉnh Quảng Nam, của thành phố Đà Nẵng nay đã nghỉ hưu.
Riêng tôi sau ngày ba mẹ hy sinh, tôi thôi học và thoát ly vào phục vụ cho Tiểu ban Mậu dịch Quảng Đà, sau đó xin gia nhập vào Quân giải phóng miền Nam, nhập ngũ vào đơn vị Tiểu đoàn 91 đặc công thuộc Mặt trận 44. Và từ đó tôi đã cùng đơn vị chiến đấu trong những năm gian khổ ác liệt nhất trên chiến trường Quảng Đà, nơi mà quân Mỹ và quân ngụy nhiều hơn chúng tôi gấp chục lần, không có nơi nào mà gót giày quân Mỹ không dẫm đến, để rồi cho đến ngày 29/3/1975 tôi cùng đồng đội và nhân dân tiến công và nỗi dậy giải phóng hoàn toàn thành phố Đà Nẵng thân yêu.
Tôi viết lại chuyện này để khẳng định một điều: Đừng ai cố tình bịa đặt rằng miền Bắc xâm lược miền Nam, rằng cuộc Kháng chiến chống Mỹ là cuộc nội chiến và rằng đó là cuộc chiến tranh ủy nhiệm, chiến tranh ý thức hệ gì gì đó... mà với thế hệ chúng tôi vì Mỹ ngụy quá dã man, tàn ác, giết hại đồng bào ta, tuổi trẻ ở miền Nam như tôi buộc phải cầm súng đánh Mỹ để giải phóng quê hương, góp phần đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào, để Bắc Nam sum họp một nhà, để hoà bình, thống nhất đất nước. Với chúng tôi kẻ nào nói cuộc Chiến tranh giải phóng là nội chiến thì kẻ đó là bọn phản động không hơn không kém. Chúng tôi yêu cầu luật pháp phải trừng trị nghiêm minh những kẻ như vậy, để lịch sử không bị đánh tráo, để sự thật khổng bị thay đổi, để thành quả Cách mạng được giữ vững, để chế độ này mãi mãi trường tồn, để đất nước ta: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và hiện đại./.
Bài viết kỷ niệm 54 năm ngày tôi tham gia Cách mạng và gia nhập Quân giải phóng miền Nam Việt Nam 12/ 1967-12/2021 - Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn, nguyên Cục trưởng CTH, TCCT, QĐND.
(Tên của đầu bài viết do người sưu tầm đặt).
Yêu nước ST.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét