Thứ Bảy, 18 tháng 12, 2021

NHỮNG THÁNG NGÀY CHẬT VẬT CỦA PUTIN!

      Chứng kiến những ngày thoái trào của Liên Xô và nỗi chật vật của gia đình, Putin dấn thân vào chính trị với mong muốn khôi phục vị thế nước Nga.

"Chúng ta cần thừa nhận hồi kết của Liên Xô là thảm họa địa chính trị lớn nhất thế kỷ. Riêng với dân tộc Nga, sự kiện là một tấn bi kịch", Tổng thống Nga Vladimir Putin chia sẻ trong thông điệp liên bang năm 2005, đề cập những ngày tháng hỗn loạn của đất nước sau khi Liên Xô tan rã năm 1991.


Giai đoạn mà Putin gọi là "tấn bi kịch" đó diễn ra đầy sóng gió đối với phần lớn người dân nước này, kể cả gia đình ông.


Lyudmila Putina, vợ cũ Putin, năm 2000 từng kể rằng gia đình ông bà "lúc nào cũng phải đếm kỹ từng đồng" trong những năm tháng hậu Xô viết. Trong phim tài liệu "Nước Nga, chương sử mới", được hãng thông tấn RIA Novosti công bố một trích đoạn hôm 12/12, Putin cũng thừa nhận ông lúc đó đã phải đi làm thêm để kiếm tiền đỡ đần gia đình.


"Tôi chạy ôtô, như một tài xế chở khách thuê. Thật lòng mà nói, kể về chuyện này không thoải mái gì, nhưng thật không may nó đúng là như vậy", ông kể.

Theo sử gia Shaun Walker, giai đoạn thoái trào của Liên Xô đã ảnh hưởng rất lớn đến suy nghĩ của Putin, một sĩ quan tình báo mới 37 tuổi. Tháng 12/1989, ông bất lực dõi theo biển người tràn qua trụ sở Stasi, cơ quan phản gián Đông Đức, tại thành phố Dresden và chuẩn bị ập vào văn phòng thường trực của Ủy ban Tình báo Nhà nước Liên Xô (KGB). Trung tá Putin thử mọi cách liên lạc để đề nghị các lực lượng vũ trang tăng viện nhưng không ai đến giúp.

Để bảo vệ mạng lưới điệp viên và kho hồ sơ mật, Putin đã liều mình đối diện đám đông, tuyên bố với họ rằng bên trong văn phòng vẫn còn lực lượng cảnh vệ vũ trang, sẵn sàng bắn hạ những kẻ xâm nhập.

Hành động liều lĩnh của ông đã thành công, Putin bảo vệ được bản thân cùng các đồng nghiệp trong văn phòng KGB. Tuy nhiên, sử gia Walker cho rằng sự kiện đã để lại trong tâm trí Putin cảm giác mất mát to lớn, thôi thúc ông nuôi dưỡng khát vọng khôi phục vị thế cho đất nước trên trường quốc tế.

"Tôi có cảm giác đất nước mà tôi vốn biết đã không còn nữa. Nó đã biến mất", Putin trả lời các nhà báo quốc tế trong một cuộc phỏng vấn năm 2000.

Một năm sau sự kiện ở Dresden, Putin cùng gia đình trở về Leningrad, thành phố sau này được đổi tên thành St. Petersburg. Ông được nhận vào Đại học Leningrad, trở thành trợ lý phụ trách quan hệ quốc tế cho hiệu trưởng Stanislav Petrovich Merkuriev, giữa thời điểm tương lai của KGB còn mơ hồ.

Chia sẻ trong quyển sách "Góc nhìn thứ nhất: Bản tự họa chân thật của Tổng thống Nga Vladimir Putin", ông xác nhận chỉ huy KGB đã ngỏ ý đưa ông đến Moskva khi về nước, nhưng ông đã từ chối cơ hội này.

Putin cho biết ông cảm thấy thời điểm đó "đất nước không có tương lai" và ông không thể chấp nhận "ngồi yên trong hệ thống cũ", trong khi gia đình còn vợ và hai con nhỏ tuổi.

"Tôi rất hạnh phúc khi tìm được việc làm ở Đại học Leningrad. Tôi nhận việc với hy vọng có thể vừa làm vừa viết luận văn tiến sĩ và nếu có cơ hội sẽ tiếp tục ở lại công tác", cổng thông tin Điện Kremlin dẫn lại hồi tưởng của Tổng thống Nga về cột mốc này.

Lyudmila Putina nói hai vợ chồng từng kỳ vọng đất nước đổi mới mạnh mẽ sau "Perestroika", cuộc cải tổ 1986-1989 của Tổng bí thư Mikhail Gorbachev. Thế nhưng khi về nước vào năm 1990, gia đình Putin nhận thấy mọi thứ không có bất kỳ thay đổi nào. Người dân Nga vẫn phải xếp hàng dài nhận nhu yếu phẩm, hệ thống tem phiếu nhiều bất cập tiếp tục tồn tại. Có thời gian, Lyudmila Putina sợ hãi cảnh tượng hỗn loạn ngoài phố đến mức cô không dám ra cửa hàng để săn tìm đồ rẻ về cho gia đình.

Trong giai đoạn công tác ở Đông Đức, Putin và vợ không dành dụm được là bao. Chiêc ôtô ngốn hết phần lớn thu nhập gia đình. Những người hàng xóm ở Dresden đã tặng cho hai vợ chồng cái máy giặt cũ, được mua từ 20 năm trước. Putin cùng vợ gắng mang theo về Nga, dùng thêm 5 năm chứ không dám mua mới.

"Tình hình công việc của chồng tôi cũng biến động. Dù có giai đoạn công tác thành công ở Đức, rõ ràng anh đã thay đổi suy nghĩ về bước tiếp theo cho sự nghiệp. Tôi nghĩ anh ấy có lúc đánh mất cả mục đích sống. Rũ bỏ quá khứ và đi theo con đường chính trị vốn không phải quyết định dễ dàng", người vợ cũ kể lại.

Năm 1991, ở tuổi 39, Putin bước vào chính trường khi đến Tòa thị chính Leningrad làm trợ lý cho Chủ tịch Hội đồng Thành phố Anatoly Sobchak. Ông nhận vị trí mới một phần nhờ bạn học cũ giới thiệu, một phần vì luôn đánh giá cao tài năng của Sobchak khi còn là giảng viên Đại học Leningrad vào thời điểm Putin còn là sinh viên.

Để tránh những mâu thuẫn giữa công việc mới và mối liên hệ với cộng đồng tình báo Nga, Putin nộp đơn từ chức ở KGB không lâu sau đó. Trong chia sẻ năm 2000, Putin tiết lộ lương KGB trả cho ông khi đó cao hơn hẳn mức lương của Tòa thị chính và ông đã mất rất nhiều đêm đắn đo quyết định.

"Sobchak khi đó là chính trị gia mới nổi, nhưng đặt cược tương lai của mình vào mỗi ông là quá rủi ro. Mọi chuyện có thể thay đổi trong tích tắc. Tôi rất lo bị mất việc ở Tòa thị chính. Nếu kịch bản xấu nhất xảy đến, có lẽ tôi đã trở lại trường đại học, hoàn tất luận văn và kiếm tiền bằng công việc làm thêm nào đó chẳng ai biết", ông chia sẻ.

Điều Putin lo sợ cuối cùng đã xảy đến vào năm 1996, khi Anatoly Sobchak tái tranh cử thị trưởng thất bại. Cựu sĩ quan tình báo KGB lúc này đã bước quá sâu vào chính trường để có thể trở về trường đại học làm việc hay liên lạc với các đồng nghiệp cũ.

Ông đã có lúc lo sợ cuộc sống của cả gia đình bị đẩy vào tình thế khó khăn. Nhưng may mắn lại một lần nữa mỉm cười với Putin khi ông được đề nghị một vị trí ở Moskva, xử lý các vấn đề pháp lý tại Văn phòng Tổng thống Boris Yeltsin.

"Tôi thậm chí từng nghĩ, 'Bây giờ mình biết làm gì đây, hay là lái xe thuê'. Tôi không đùa đâu, thời điểm đó cũng chẳng có công việc gì khác mà kén chọn. Tôi lại còn hai đứa nhóc. Vậy nên khi vừa được gọi đến Moskva, tôi lập tức đồng ý và lên đường", Tổng thống Nga hồi tưởng trong một phóng sự được thực hiện năm 2018.

Với khả năng của mình, Putin nhanh chóng thăng tiến ở Moskva trong những năm cuối thập niên 1990. Ông trở thành Phó chánh văn phòng Tổng thống vào tháng 3/1997. Một năm sau, Putin được thăng chức Phó chánh văn phòng Thứ nhất Văn phòng Tổng thống Nga và đến tháng 7/1998 trở thành Giám đốc Cơ quan Tình báo Liên bang.

Từ tháng 3/1999, ông giữ thêm chức Bộ trưởng Hội đồng An ninh Liên bang Nga và 5 tháng sau được Yeltsin chỉ định làm Thủ tướng chính phủ. Khoảng ba tuần trước giao thừa năm 2000, Tổng thống Yeltsin gặp riêng Putin, tiết lộ ý định từ chức và đề nghị ông làm quyền tổng thống.

"Định mệnh đã cho tôi cơ hội được cống hiến cho đất nước ở cấp độ cao nhất. Sẽ thật ngớ ngẩn nếu tôi từ chối, chọn đi bán hạt hướng dương khắp đất nước hay trở thành luật sư tư nhân. Những công việc đó tôi có muốn làm thì làm sau cũng được", Putin kể lại trong bài đăng trên trang Kremlin.ru.

Vào ngày 31/12/1999, Vladimir Putin trở thành Tổng thống tạm quyền của Liên bang Nga, bắt đầu hơn hai thập niên lèo lái nước Nga trở lại vị thế mà ông ao ước từ những năm tháng hỗn loạn cuối thế kỷ 20./.


Yêu nước ST.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét