Thứ Bảy, 18 tháng 12, 2021

Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh: Chiến đấu trong vòng vây

 Ký ức 75 năm trước quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh dội về, nhắc tới nguồn cội sức mạnh của một dân tộc luôn khao khát hòa bình nhưng sẵn sàng gan góc, sắt đá đấu tranh cho độc lập, tự do, hạnh phúc. 

Ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra 'Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến,' hiệu triệu đồng bào cả nước nhất tề đứng lên đánh thực dân Pháp xâm lược. Thời khắc đó cũng là khởi điểm cuộc trường chinh vĩ đại chống ngoại xâm của dân tộc ta.

Biết bao biến động từ dấu mốc lịch sử ấy nhưng những nhân chứng, những dấu vết thời cuộc vẫn còn đó. Và những ngày mùa đông này, ký ức 75 năm trước lại dội về, nhắc tới nguồn cội sức mạnh của một dân tộc luôn khao khát hòa bình nhưng sẵn sàng gan góc, sắt đá đấu tranh cho độc lập, tự do, hạnh phúc.

Ở vườn hoa Vạn Xuân (Hàng Đậu, Quan Thánh, Ba Đình) có cụm tượng đài Cảm tử quân đắp nổi trên quốc kỳ là dòng chữ 'Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh.' Cụm tượng đài này do thành phố Hà Nội xây dựng để kỷ niệm Ngày Toàn quốc kháng chiến, nhớ tới những người con ưu tú ở mảnh đất ngàn năm văn hiến đã 'sống chết với Thủ đô' để viết nên bản hùng ca tinh thần yêu nước bất diệt trong thời đại mới.

Nhắc đến lời thề sắt son này và hơn 60 ngày đêm chiến đấu trong vòng vây quân thù, những cán bộ, chiến sĩ Liên khu I chiến đấu bảo vệ Hà Nội hồi mùa đông năm 1946, nay dù da mồi, tóc bạc, chân bước đã chậm nhưng giọng nói lại trở nên mạch lạc, sang sảng 'Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ'...

Trong ngôi nhà nằm giữa phố Trần Quốc Toản (Hoàn Kiếm, Hà Nội), Đại tá Nguyễn Mạnh Hải, nguyên Trưởng phòng Quân báo, Quân khu Thủ đô xúc động nhớ đến những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến. Trong tâm trí người Cảm tử quân năm 1946, nay đã ở tuổi 97 nhưng da dẻ vẫn hồng hào, ánh mắt minh mẫn và nụ cười nở rộng trên khuôn mặt hiền hòa, những biến động trọng đại hồi 75 năm trước dường như mới ngày hôm qua.

Cầm trên tay bức ảnh của Thông tấn xã Việt Nam với dòng chú thích Các chiến sỹ Vệ quốc quân với tinh thần 'Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh' chiến đấu giữ từng căn nhà, góc phố Thủ đô trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến (tháng 12/1946), chỉ vào hình một chiến sỹ đang leo thang lên mái nhà, tay cầm dao găm, vị đại tá tuổi đã gần 100 sang sảng cười nói, đó là ông trong một tổ chiến đấu của Liên khu I và bảo, ngày ấy Hà Nội bốc cháy. Máu chiến sỹ loang đỏ phố. Song quân, dân Hà Nội vẫn kiên cường xung phong đánh địch. Tại nhiều chiến lũy, đồng đội dần dần hy sinh, nhưng người cuối cùng trụ lại vẫn không hề buông súng....

Tết Đinh Hợi 1947, trong lúc những cảm tử quân như ông Vũ Kiểm, ông Nguyễn Mạnh Hải ăn Tết giữa vòng vây của địch thì nhận được thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong thư Bác viết: '...Các em là đội cảm tử. Các em cảm tử để cho Tổ quốc quyết sinh. Các em là đại biểu cái tinh thần tự tôn, tự lập của dân tộc ta mấy nghìn năm để lại, cái tinh thần quật cường đó đã kinh qua Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, truyền lại cho các em. Nay các em gan góc tiếp tục cái tinh thần bất diệt đó, để truyền lại cho nòi giống Việt Nam muôn đời về sau...'./.

PB son

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét