Thứ Hai, 27 tháng 12, 2021

Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng

 Với ưu thế tốc độ lan truyền thông tin nhanh, diện thông tin rộng, internet, mạng xã hội dần trở thành nhu cầu trong đời sống của con người. Tuy nhiên, đây cũng là công cụ mà các thế lực thù địch, phản động tận dụng tối đa để gia tăng các hoạt động tuyên truyền xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh - nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Vì thế, tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng là một yêu cầu cấp thiết nhằm bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, nhất là trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu, tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động như hiện nay.

Lợi dụng xu thế toàn cầu hóa, sự bùng nổ truyền thông, những tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (cuộc Cách mạng 4.0), những năm gần đây, các thế lực thù địch, phản động tăng cường chống phá cách mạng nước ta bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, với mục đích bôi nhọ, hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng, đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, bóp méo sự thật lịch sử, vu cáo Việt Nam "đàn áp dân chủ, tôn giáo, vi phạm nhân quyền", kích động tư tưởng ly khai, hận thù dân tộc, mong muốn thúc đẩy quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta... Gần đây, trước thềm Đại hội XIII của Đảng, các thế lực thù địch càng đẩy mạnh hơn các hoạt động chống phá, gây nhiễu loạn thông tin, đặc biệt là trên không gian mạng. Không chỉ ráo riết tác động với nghị viện, quốc hội một số nước thông qua các báo cáo, nghị quyết, dự luật xuyên tạc tình hình dân chủ, nhân quyền ở nước ta, các cá nhân, tổ chức phản động lưu vong, một số đối tượng cơ hội chính trị, bất mãn còn tăng cường xuất bản, tán phát các ấn phẩm trên nhiều website, mạng xã hội, kêu gọi người dân tham gia thay đổi thể chế, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chúng triệt để lợi dụng hàng ngàn website, blog, hàng trăm tạp chí, báo, nhà xuất bản và đài phát thanh có chương trình tiếng Việt để đẩy mạnh các chiến dịch thông tin xuyên tạc, phá hoại về tư tưởng; kích động, chia rẽ nội bộ, hình thành các tổ chức chính trị đối lập, hòng gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở nước ta.

Tình hình đó đã và đang đặt ra nhiều khó khăn, thách thức cho công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng. Làm sao để giữ vững trận địa không gian mạng, khai thác, phục vụ tối ưu cho mục đích phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế mà vẫn bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia - dân tộc?

Tầm quan trọng của việc tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng

Một là, không gian mạng là vùng “lãnh thổ đặc biệt” đang bị các thế lực thù địch lợi dụng triệt để nhằm chống phá Đảng và Nhà nước ta. Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, internet, mạng xã hội với đặc điểm về tính mở, phạm vi tương tác đa chiều, không giới hạn về không gian, tích hợp nhiều tính năng đa phương tiện, nguồn tin phong phú, đa dạng,… đã trở thành nhu cầu thiết yếu trong đời sống con người; tác động trực tiếp và mạnh mẽ làm thay đổi nhận thức, hành vi của mỗi cá nhân nói riêng, đến sự ổn định và phát triển của xã hội nói chung. Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng internet, mạng xã hội nhanh nhất thế giới. Theo số liệu thống kê đến tháng 1-2020, trong số 96,9 triệu dân cả nước có 68,17 triệu người (chiếm 70% dân số) dùng internet, cao thứ 12 trên thế giới và thứ 6 châu Á; 65 triệu người (chiếm 67% dân số) dùng mạng xã hội, chủ yếu là Facebook (đứng thứ 7 trong số 10 quốc gia sử dụng Facebook nhiều nhất) và là một trong 10 nước có số người dùng Youtube cao nhất thế giới. Trong đó, 94% người dùng internet hằng ngày là sinh viên, trí thức trẻ, thanh niên(1).

Tận dụng những lợi thế về phạm vi, đối tượng sử dụng không gian mạng nên các thế lực thù địch, phản động đã tăng cường các thông tin xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước ta. Vì vậy, việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch - trong đó có trận địa không gian mạng - nhằm phòng, chống hiệu quả với chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng để tăng cường bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ cấp thiết trong bối cảnh hiện nay.

Hai là, yêu cầu bức thiết phải chiếm lĩnh, xác lập lại vị thế quốc gia trên không gian mạng. Thống kê chỉ số tương tác giữa các kênh truyền thông đấu tranh của ta và của các thế lực thù địch trên internet, mạng xã hội cho thấy, một thời gian dài các kênh truyền thông phản động đã áp đảo về số lượng thông tin, khả năng phát tán trên internet, mạng xã hội và tiếp cận người dân. Nguyên nhân chủ yếu của thực trạng này là do các thế lực thù địch, phản động, cơ hội đã sớm xem internet, mạng xã hội là “mảnh đất màu mỡ”, từ đó có sự chuẩn bị lực lượng, có sự hậu thuẫn về tài chính và công nghệ để chủ động chống phá, tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng ta. Trong khi đó, có lúc, có nơi, lực lượng truyền thông của chúng ta còn thiếu, yếu,...

Ba là, nhận thức và hành động về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng trong tình hình mới còn hạn chế. Một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa huy động, khai thác được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để chủ động ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động trên không gian mạng. Vẫn còn không ít cán bộ, đảng viên thờ ơ, đứng ngoài cuộc, có biểu hiện “né tránh” mạng xã hội; chưa thể hiện tinh thần trách nhiệm, chính kiến khi tham gia mạng xã hội; thiếu ý thức, hành động phản bác những luận điệu xuyên tạc, đi ngược đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; những thông tin gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, làm mất ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Thậm chí, có một bộ phận cán bộ còn có biểu hiện lệch lạc về quan điểm trên internet, mạng xã hội, tạo cơ hội cho các thế lực thù địch lợi dụng, kích động.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét