(ĐCSVN) – Hiến pháp 2013 của nước ta quy định “Mọi người có quyền bất khả
xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm”.
Do đó, những hành động dùng cái sai để “trị” cái sai, sử dụng hành vi vi phạm
pháp luật này để giải quyết một hành vi vi phạm pháp luật khác là vi phạm
nghiêm trọng quy định này.
Ngày 4-12,
Công an Thành phố Thanh Hóa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội
làm nhục người khác, cưỡng đoạt tài sản 2 vợ chồng chủ một cửa hàng quần áo.
Nguyên nhân là do một nữ sinh 16 tuổi trộm đồ vật trị giá 160.000 đồng bị chủ
cửa hàng bắt. Tuy nhiên, thay vì giáo dục, cảnh tỉnh, thông báo với cơ quan
chức năng hoặc gọi người nhà đến bảo lãnh, thì chủ cửa hàng lại đánh đập nữ sinh,
cắt tóc, cắt áo và bắt nữ sinh bồi thường 15 triệu đồng. Vụ việc nhận được rất
nhiều sự quan tâm của dư luận và nhận định, hành động của nữ sinh là sai, nhưng
chủ cửa hàng thì lại ngang nhiên vi phạm pháp luật khi công khai xâm hại thân
thể, xúc phạm, chà đạp lên nhân phẩm, cùng với cưỡng đoạt tài sản gấp cả trăm
lần giá trị hàng hóa mà nữ sinh đánh cắp.
Trong cuộc
sống thường ngày cũng xảy ra rất nhiều tình huống vi vi phạm pháp luật mà người
ta vô tình hoặc cố ý mắc phải. Có thể kể ra những sự việc không hiếm gặp, đặc
biệt là ở vùng nông thôn như những vụ việc đánh “hội đồng” những kẻ trộm chó,
trộm đồ đạc bị bắt được; học sinh tụ tập gây gổ, đánh nhau, xúc phạm nhau;
những vụ gây sát thương, thậm chí đoạt tính mạng của nhau vì bị lấn chiếm đất
đai…
Những hành vi
xâm phạm đến thân thể, nhân phẩm của người khác đó được biện minh bằng lý do bị
xâm phạm đến quyền và lợi ích; những kẻ xâm phạm quyền và lợi ích của người
khác phải trả giá. Và hầu như, những người vi phạm pháp luật không nghĩ mình vi
phạm pháp luật, mà đơn giản họ cho rằng mình có quyền “hành pháp”, quyền được
trừng trị những kẻ gây ra thiệt hại cho bản thân, cho hả hê cái tôi mà không
nghĩ đến hậu quả gây ra (như trường hợp chủ cửa hàng thời trang nọ). Bản thân
người bị hại vi phạm pháp luật, nhưng những người đứng xem, cổ vũ, thậm chí
“đánh hôi” đối tượng vi phạm cũng đang vô tư vi phạm luật pháp. Những hành xử
vô cảm này cũng là tội ác và tiếp tay cho cái ác.
Có thể thấy
những trường hợp trên là người ta đang dùng cái sai để “trị” cái sai, làm cho
hành vi vi phạm pháp luật này chồng lên hành vi vi phạm khác. Và kết quả là, dù
vô tình hay cố ý, thì cũng đã có những cái chết xảy ra, những vết thương cơ thể
và tinh thần của những người bị xâm hại, và người gây ra hậu quả phải trả giá
bằng nhiều năm tù. Chỉ lúc ấy, người vi phạm pháp luật trước, người vi phạm
pháp luật sau cùng ân hận về những gì đã gây ra.
Điều 20 Hiến
pháp nước Cộng hòa xã hội Việt Nam quy định “Mọi người có quyền bất khả xâm
phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm;
không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào
khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”. Còn tại Bộ luật
Dân sự năm 2015, Điều 33 nêu rõ “Cá nhân có quyền sống, quyền bất khả xâm phạm
về tính mạng, thân thể, quyền được pháp luật bảo hộ về sức khỏe. Không ai bị
tước đoạt tính mạng trái luật. Điều 34 nhấn mạnh “Danh dự, nhân phẩm, uy tín
của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ”.
Như vậy, bất
cứ một công dân Việt Nam nào cũng đều có quyền bất khả xâm phạm về thân thể,
danh dự và nhân phẩm. Khi bắt được kẻ trộm cắp, vi phạm pháp luật, người dân có
nghĩa vụ trình báo và giao người bị bắt cùng tang vật, phương tiện cho cơ quan
công an để xử lý đúng quy định pháp luật. Nếu tự ý thực hiện các hành vi trừng
trị người vi phạm là đang vi phạm nghiêm trọng vào Hiến pháp, pháp luật.
Nguyên nhân
của sự bất tuân pháp luật có rất nhiều, nhưng có thể kể ra một vài nguyên nhân
như: do thói quen giải quyết công việc theo cảm tính, “trăm cái lý không bằng
một tí cái tình”; do không hiểu biết dẫn đến tâm lý coi thường pháp luật; việc
tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ở nước ta chưa sâu rộng,
hiệu quả chưa cao. Bên cạnh đó, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận cán
bộ và nhân dân chưa nghiêm; hệ thống luật pháp của chúng ta còn nhiều “lỗ hổng”
dẫn đến xử lý chưa nghiêm những đối tượng vi phạm pháp luật...
Nâng cao ý
thức chấp hành pháp luật của người dân là giải pháp tiên quyết để hạn chế tình
trạng vi phạm pháp luật. Do đó, trước tiên, cần tăng cường công tác tuyên
truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đối
tượng thanh thiếu niên. Các hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật
cần phong phú với các nội dung phù hợp với tình hình kinh tế - chính trị - xã
hội ở từng địa phương. Đẩy mạnh các hình thức phổ biến giáo dục pháp luật trên
các phương tiện thông tin đại chúng, trong các nhà trường. Động viên các tầng
lớp nhân dân tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống các vi phạm pháp luật.
Củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật nhằm
đảm bảo xử lý nghiêm minh, kịp thời, chính xác các trường hợp vi phạm pháp luật
theo nguyên tắc mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, từ đó tạo được sự tin
tưởng vào pháp luật của mỗi người dân.
Nhà nước pháp
quyền xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang thực hiện là nhà nước thực hành pháp
luật, quản lý, điều hành xã hội bằng pháp luật và phát huy quyền làm chủ của
nhân dân. Bản thân mỗi công dân cần có ý thức xây dựng lối sống tuân thủ pháp
luật, mọi hoạt động đều phải bảo đảm tính hợp hiến và thượng tôn pháp luật.
Hiểu biết và thượng tôn pháp luật, chúng ra mới có thể xử sự hợp lý khi tham
gia các quan hệ xã hội, từ đó xây dựng một xã hội sống và làm việc theo Hiến
pháp và pháp luật, bởi suy cho cùng, pháp luật sinh ra là để phục vụ người dân,
tạo ra môi trường xã hội an toàn, dân chủ, công bằng, văn minh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét