Con người tham gia vào các quan hệ xã hội với tư cách là một công dân, thành viên một tổ chức. Do vậy, khi tham gia vào các quan hệ xã hội, mỗi cá nhân phải chịu sự điều chỉnh của các quy phạm xã hội. Các quy phạm xã hội là những quy tắc xử sự chung được Nhà nước, cơ quan, tổ chức ban hành và xã hội thừa nhận để điều chỉnh quan hệ xã hội theo hướng lành mạnh, văn minh. Có thể chia các quy phạm xã hội thành: Quy phạm đạo đức; Quy phạm pháp luật; Quy phạm của các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan, đơn vị nơi công tác; Quy phạm phong tục, tập quán; Quy phạm tôn giáo… Trong các nhóm quy phạm nêu trên, quy phạm đạo đức và quy phạm pháp luật là những quy phạm nền tảng và ai cũng phải chịu sự điều chỉnh của những quy phạm này.
Do vậy, việc ứng xử với
nhau một cách có đạo đức và đúng pháp luật là đòi hỏi mang tính nguyên tắc của
ứng xử xã hội. Trong đó, đạo đức là những quan niệm và ứng xử thể hiện chất
tốt, xấu, sang, hèn, anh hùng và sợ chết… Xã hội văn minh đòi hỏi mỗi cá nhân
phải ứng xử một cách có đạo đức trong tất cả các quan hệ xã hội và không chỉ
ứng xử với mình mà còn cả trong ứng xử với người khác. Điều chỉnh quan hệ xã
hội bằng đạo đức chính là sự ứng xử hợp tình, hợp lý, hợp với lẽ công bằng và
tự tạo áp lực cho mình trong ứng xử xã hội phải đúng chuẩn mực đạo đức, hợp với
lẽ công bằng; ca ngợi cái tốt, ủng người làm việc tốt, ủng hộ lẽ phải; phê phán
cái xấu…
Pháp luật (quy phạm
pháp luật) là những quy tắc xử sự chung do Nhà nước ban hành để điều chỉnh các
quan hệ xã hội. Pháp luật là một dấu hiệu của Nhà nước. Ở đâu có nhà nước, ở đó
có pháp luật và chỉ có Nhà nước mới có thẩm quyền ban hành pháp luật để điều
chỉnh quan hệ xã hội. Công dân của một Nhà nước là người mang quốc tịch của Nhà
nước và được Nhà nước đó bảo vệ trong quan hệ xã hội. Do vậy, công dân phải có
nghĩa vụ chấp hành những quy định do Nhà nước ban hành. Hành vi vi phạm pháp
luật là hành vi làm trái với những quy uy định của pháp luật do Nhà nước ban
hành. Tùy theo tính chất và mức độ vi phạm mà người đó phải chịu trách nhiệm
pháp lý. Trách nhiệm pháp lý là những hậu quả bất lợi mà người vi phạm pháp
luật phải chịu khi người đó thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Do vậy, để
không phải chịu trách nhiệm pháp luật, thì mỗi công dân phải hiểu và thực hiện
hành vi xã hội đúng quy định của pháp luật.
Ngoài việc là một cá
nhân trong xã hội, một công dân của Nhà nước, thì mỗi cá nhân con người còn có
thể là một thành viên của một hoặc một số tổ chức, tổ chức chính trị - xã hội,
cán bộ, công chức của cơ quan nhà nước, chiến sĩ đơn vị lực lượng vũ trang… Do
vậy, đồng thời với việc ứng xử với nhau một cách có đạo đức và đúng pháp luật,
thì mỗi người là thành viên của các cơ quan, tổ chức, đơn vị lực lượng vũ trang
phải thực hiện quy định của tổ chức mình tham gia. Đó là quy chế, điều lệ của
các cơ quan, tổ chức, đơn vị và là những quy định về quyền và nghĩa vụ của mỗi
thành viên của các cơ quan, tổ chức, đơn vị đó. Hành vi vi phạm quy chế, điều
lệ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị là hành vi vi phạm kỷ luật của cơ quan, tổ chức,
đơn vị.
Hành vi vi phạm đạo
đức, vi phạm kỷ luật và vi phạm pháp luật luôn thể hiện dưới dạng hành động
hoặc không hành động. Hành động vi phạm là hành vi thực hiện những điều mà đạo
đức, kỷ luật (Điều lệ, điều lệnh, quy chế của cơ quan, tổ chức) và pháp luật
không cho phép thực hiện. Không hành động vi phạm là hành vi thực hiện những
điều mà đạo đức, kỷ luật (Điều lệ, điều lệnh, quy chế của cơ quan, tổ chức) và
pháp luật bắt buộc phải thực hiện. Trong mối quan hệ giữa vi phạm đạo đức, vi
phạm kỷ luật và vi phạm pháp luật, thì vi phạm đạo đức và vi phạm kỷ luật là “tiền
đề” của vi phạm pháp luật.
Vi phạm đạo đức mà
không bị phê phán, ngăn chặn sẽ làm cho người vi phạm lầm tưởng là hành vi của
mình là hành vi chấp nhận được. Người nhiều lần vi phạm đạo đức sẽ từng bước
hình thành nhân cách xấu, coi thường lẽ phải, coi thường pháp luật. Khi tham
gia vào các quan hệ pháp luật sẽ ứng xử với nhân cách của người thiếu đạo đức,
bất chấp pháp luật và sẽ trở thành người vi phạm phạm pháp luật. Khi ấy, việc
chuyển hóa từ ứng xử thiếu đạo đức sang hành vi phạm pháp luật chỉ là thời
gian. Cho nên, “Tiên học lễ, hậu học văn” sẽ là nhân văn và phòng chống vi phạm
pháp luật một cách hữu hiệu nhất. Việc việc điều chỉnh quan hệ xã hội bằng đạo
đức phải bắt đầu từ những hành vi ứng xử đời thường nhất ở trong gia đình và
ngoài xã hội.
Vi phạm kỷ luật nếu nhẹ
thì chỉ là những vi phạm Điều lệ, điều lệnh, quy chế của cơ quan, tổ chức.
Nhưng nếu vi phạm nhiều lần hoặc vi phạm nghiêm trọng sẽ trở thành vi phạm pháp
luật. Người có hành vi vi phạm kỷ luật không bị ngăn chặn kịp thời sẽ dễ bị
tiếp diễn và trở thành vi phạm pháp luật. Ví dụ: Hành vi rời khỏi khỏi đơn vị
hoặc không có mặt tại đơn vị sau khi nghỉ phép, chuyển đơn vị mới… mà không
được trái phép của quân nhân nhằm trốn tránh nghĩa vụ phục vụ tại ngũ lần đầu
sẽ chỉ bị coi là vi phạm kỷ luật quân đội. Tuy nhiên, nếu đã bị xử lý kỷ luật
mà còn vi phạm phạm thì người thực hiện hành vi đó lại bị coi là phạm tội đào
ngũ quy định tại Điều 402 Bộ luật Hình sự.
Vi phạm pháp luật là
hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng những quy định của pháp luật.
Hành vi vi phạm pháp luật có thể là vi phạm hành chính và phạm tội hình sự.
Hành vi vi phạm pháp luật có thể được chuyển hóa dần dần từ những hành vi vi
phạm đạo đức, vi phạm kỷ luật. Cho nên, để ngăn chặn và phòng ngừa vi phạm pháp
luật thì cần thiết phải duy trì việc ứng xử bằng đạo đức, quản lý kỷ luật ở mỗi
cơ quan, tổ chức và đơn vị./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét