Từ xa xưa, những kẻ có hành vi a dua, nịnh bợ, ăn theo nói leo để hưởng lợi được ông bà ta ví là “theo đóm ăn tàn”.
Cái lợi mà họ thu được từ những hành vi tiêu cực ấy rất nhỏ bé, còn hậu quả của nó thì khó lường. Trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay, việc nhận diện để đấu tranh có hiệu quả với những biểu hiện “theo đóm ăn tàn” trong nội bộ Đảng và hệ thống chính trị là vô cùng cần thiết, cấp bách.
Ai muốn “theo đóm ăn tàn”?
Cạp nong là một loài rắn độc. Chúng có đặc điểm sinh tồn khác biệt so với các loài khác, đó là rất thích ăn tàn tro. Kinh nghiệm bao đời của nhà nông cho thấy, mỗi khi đốt đuốc ra đồng gieo cấy, thu hoạch mùa màng, rắn cạp nong thường theo chân người để ăn tàn đóm. Nếu không cảnh giác đề phòng, con người rất dễ bị rắn cắn. Nhưng với những người thợ săn rắn thì đặc điểm tự nhiên này lại là cơ hội để dễ dàng dụ rắn ra khỏi hang, bắt được những con rắn bự. Theo đóm chỉ nhặt được những mảnh tàn tro nhưng nhiều khi rắn phải trả giá bằng cả tính mạng...
Từ hiện tượng của thế giới tự nhiên, bằng cách nói ẩn dụ, tổ tiên, ông bà ta đã truyền thông điệp cho muôn đời hậu thế, rằng trong cuộc sống phải luôn cảnh giác, đấu tranh, tẩy chay những hành vi kiểu rắn cạp nong. Mặt khác, đó cũng là lời cảnh tỉnh, cảnh báo cho những ai có tư tưởng ấy, hãy tự soi mình, tự gột rửa để sửa chữa, chớ vì những cái lợi nhỏ nhoi mà phải trả giá bằng uy tín, danh dự.
Càng ngẫm càng thấy rõ, ở xã hội nào, lĩnh vực nào cũng có những con người, những hành vi kiểu như vậy. Từ điển tiếng Việt giải thích thành ngữ “Theo đóm ăn tàn” là: “Hùa theo, a dua theo để mong kiếm chác lợi lộc”. Trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay, sự xuất hiện của những hành vi như vậy chính là biểu hiện của suy thoái phẩm chất đạo đức, lối sống. Không khó để nhận diện những biểu hiện ấy trong tổ chức đảng và hệ thống chính trị. Đó là những người cơ hội, chủ nghĩa cá nhân, yếu lập trường, thiếu bản lĩnh, gió chiều nào che chiều ấy. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gọi đó là biểu hiện của “lươn, chạch”. Khi đương chức, đương quyền thì xun xoe, nịnh bợ để tiến thân. Khi không đạt được mục đích, nguyện vọng, nhất là trong quy hoạch, bổ nhiệm hoặc dính dáng đến lợi ích nhóm, thì sinh ra tiêu cực, hùa theo các đối tượng bất mãn để chống đối. Tận dụng tiện ích công nghệ thông minh và không gian mạng, sau khi chuyển ngành, nghỉ hưu, nghỉ việc, thậm chí là ra nước ngoài định cư, một số người đã quay lại bới móc, nói xấu tổ chức, bôi nhọ đồng chí, đồng nghiệp. Họ thường theo dõi các kênh truyền thông, tài khoản của các tổ chức, cá nhân có tư tưởng thù địch với Đảng, Nhà nước ta, ăn theo những thông tin xuyên tạc, thất thiệt rồi a dua theo các đối tượng có tư tưởng thù địch bôi nhọ chế độ, quay lưng với lợi ích quốc gia-dân tộc. Tình trạng này đã được Đảng ta chỉ rõ trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), đó là: “Kích động tư tưởng bất mãn, bất đồng chính kiến, chống đối trong nội bộ. Lợi dụng và sử dụng các phương tiện thông tin, truyền thông, mạng xã hội để nói xấu, bôi nhọ, hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng, gây chia rẽ nội bộ, nghi ngờ trong cán bộ, đảng viên và nhân dân...”. Ban đầu chỉ là kiểu nói ám chỉ vu vơ, càng về sau càng tăng dần cấp độ, tính chất. Từ việc moi móc những hạn chế, tiêu cực trong nội bộ tổ chức, cơ quan đến hùa theo tư tưởng phản động, phán xét, chỉ trích, hạ bệ lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Dần dần, họ biến mình thành công cụ cho các thế lực thù địch giật dây, móc nối, cấu kết với các thế lực thù địch, phản động và các phần tử cơ hội, bất mãn chính trị để truyền bá tư tưởng, quan điểm đối lập, chống phá Đảng và Nhà nước.
Từ những vụ việc, vụ án xử lý, xét xử các đối tượng vì tội âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân trong những năm vừa qua, chúng ta thấy rõ, nguyên nhân phạm tội của nhiều đối tượng đều bắt đầu từ việc “theo đóm ăn tàn” như đã trình bày. Ở thái cực đối lập, các thế lực thù địch luôn áp dụng chiêu bài “dụ rắn ra khỏi hang”, tha hồ đốt đóm, đốt đuốc, tung tàn để những thành phần mang tư duy, tư tưởng cạp nong lao ra “ăn tàn”. Những cái lợi về tiền bạc, vật chất mà họ được dụ dỗ quá nhỏ bé. Những ngôn từ mà họ được các thế lực thù địch, phần tử phản động tung hô cũng chỉ là thứ danh ảo. Nhưng hậu quả thì thật, rất thật. Khi bị đưa ra xử lý kỷ luật, xét xử trước pháp luật thì khác gì “ăn tàn, bỏng miệng”, mất hết danh dự, uy tín, ảnh hưởng nặng nề đến gia đình, họ tộc, để lại di chứng về tinh thần...
Coi trọng phòng ngừa, thường xuyên cảnh báo
Trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Đảng ta đã chỉ rõ, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường... Đó vừa là nhận định thẳng thắn, khách quan, vừa là lời cảnh báo nghiêm khắc đối với thái độ và bổn phận tự tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng trong giai đoạn hiện nay.
Lâu nay, trước những vụ việc, vấn đề tiêu cực nảy sinh trong nội bộ Đảng và hệ thống chính trị, không ít người cho rằng đó là do kẽ hở của pháp luật, những bất cập trong hành lang pháp lý và kỷ luật Đảng, rồi thì đổ lỗi do cơ chế... Thực chất, đó là ngụy biện. Tính chiến đấu, tính kỷ luật trong Đảng mang bản chất nhân văn xã hội chủ nghĩa, là “kỷ luật một vài người để cứu muôn người” như cách nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Chúng ta lấy giáo dục, thuyết phục, lấy phòng ngừa làm chính, lấy xây để chống, vì vậy, để ngăn chặn, tiến tới thủ tiêu tư duy, hành vi “theo đóm ăn tàn”, trước hết và trên hết phải coi trọng công tác phòng ngừa, thường xuyên cảnh báo để nhắc nhở, răn đe.
Công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng của chúng ta đã và đang đi đúng hướng, đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần chấn hưng văn hóa Đảng, đạo đức cán bộ, đảng viên, củng cố niềm tin của nhân dân. Từ Đại hội XII đến Đại hội XIII, Đảng ta đã tạo được bước đột phá mạnh mẽ, sâu sắc về phương thức, giải pháp, hiệu quả xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII đã mở rộng phạm vi đấu tranh, ngăn chặn suy thoái, không chỉ trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà còn bao gồm cả trong xây dựng hệ thống chính trị. Đảng ta xác định, phải kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Cùng với lấy giáo dục, thuyết phục làm chính, việc đấu tranh, xử lý những hành vi vi phạm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị cũng phải được tiến hành kịp thời, nghiêm minh, kiên quyết, thường xuyên.
Cùng với Kết luận số 21, Quy định số 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm đã nêu rất cụ thể những hành vi cấm kỵ đối với cán bộ, đảng viên. Đây chính là cơ sở để tổ chức đảng các cấp căn cứ vào thẩm quyền, nhiệm vụ để cụ thể hóa vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện phê bình, tự phê bình, duy trì nghiêm kỷ luật Đảng. Mỗi cán bộ, đảng viên phải quán triệt nghiêm túc, lấy đó làm tiêu chí tự tu dưỡng, rèn luyện. Cơ sở nguyên tắc và yêu cầu thực tiễn đã chứng minh, những biểu hiện suy thoái chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống không phải do cơ chế, kỷ luật lỏng lẻo như cách lý giải ngụy biện, mà cái chính đều do ý thức chủ quan, thiếu tu dưỡng, rèn luyện của một bộ phận cán bộ, đảng viên.
Trong bối cảnh hiện nay, không gian mạng là môi trường dễ phát sinh các loại “đóm” nên cũng sẽ có không ít người muốn “ăn tàn”. Sự cảnh báo không chỉ từ phía các vụ án, vụ việc bị phát hiện, điều tra, xử lý, mà quan trọng nhất là phải nhắc nhở để răn đe, ngăn chặn từ gốc. Từ văn hóa sử dụng mạng xã hội đến phát ngôn, ứng xử của cán bộ, đảng viên, công chức... đều phải tuân thủ nghiêm các quy định và Điều lệ Đảng. Đặc biệt, đối với những người nổi tiếng, người có ảnh hưởng trong xã hội, phải coi trọng phòng ngừa và kiên quyết chống các hành vi tác động, lôi kéo, lái dư luận xã hội đi ngược lại đường lối của Đảng; chống việc cổ xúy quan điểm, tư tưởng dân chủ cực đoan, thổi phồng mặt trái của xã hội; ngăn chặn việc sáng tác, quảng bá những tác phẩm văn hóa, nghệ thuật lệch lạc, bóp méo sự thật, hạ thấp uy tín của Đảng. Cán bộ, đảng viên trong tổ chức đảng các cấp, nhất là người đứng đầu, tuyệt đối không để bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh của bất cứ tổ chức, cá nhân nào. Chớ bốc đồng, a dua “theo đóm ăn tàn” kẻo rồi “bỏng miệng”...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét