Thứ Ba, 18 tháng 1, 2022

Cảnh giác trước âm mưu chống phá của tổ chức khủng bố “Việt Tân”

 Sau các hoạt động vũ trang, khủng bố vào Việt Nam thất bại, thời gian gần đây, tổ chức phản động “Việt Nam canh tân cách mạng đảng” (viết tắt là “Việt Tân”) “tiếp tục tăng cường các hoạt động tuyên truyền, chống Nhà nước Việt Nam trên không gian mạng; liên kết, hỗ trợ, kích động các tổ chức, cá nhân chống đối trong nước; móc nối phát triển lực lượng vào trong nước; cử các thành viên cốt cán trực tiếp về nước tiến hành các hoạt động chống phá Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Hoạt động của các đối tượng trong tổ chức khủng bố “Việt Tân” và các bị cáo Đỗ Hoàng Điềm, Nguyễn Ngọc Đức, Đặng Thị Thanh Lan, Châu Văn Khảm, Nguyễn Văn Viễn và Trần Văn Quyền trong vụ án này chính là một phần của thủ đoạn thâm độc đó.

Ngày 11-11, Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm vụ “khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân” theo Điều 113 Bộ luật Hình sự 2015. Các bị cáo là thành viên của tổ chức khủng bố Việt Tân bị tuyên phạt gồm: Châu Văn Khảm (70 tuổi, Việt kiều Úc) 12 năm tù; Nguyễn Văn Viễn (48 tuổi, quê Quảng Nam, ở tại quận 12, TP Hồ Chí Minh) 11 năm tù; Trần Văn Quyền (20 tuổi, quê Hà Tĩnh, đang ở tại thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) 10 năm tù.

Đồng thời, hội đồng xét xử (HĐXX) tuyên buộc trục xuất bị cáo Châu Văn Khảm khỏi Việt Nam sau khi chấp hành xong hình phạt; tuyên phạt quản chế 5 năm đối với Viễn và Quyền sau khi mãn hạn tù. Đây là hình phạt thích đáng cho những kẻ ngông cuồng, đi ngược lại lợi ích của quốc gia, của dân tộc.

Ngoài 3 bị cáo trên, HĐXX cũng tuyên phạt các bị cáo Bùi Văn Kiên (36 tuổi, quê Hải Dương) 4 năm tù; Nguyễn Thị Ánh (27 tuổi, quê Đồng Tháp) 3 năm tù và Trần Thị Nhài (36 tuổi, quê Nghệ An) 3 năm tù, cùng về tội “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Đây là cái giá phải trả cho hành vi phạm tội của các đối tượng tham gia vào tổ chức “Việt Tân”.

Thủ đoạn thâm độc của tổ chức khủng bố “Việt Tân”

Ngày 10-9-1982, tại Thái Lan, Hoàng Cơ Minh đã lập ra tổ chức “Việt Nam canh tân cách mạng đảng” (viết tắt là “Việt Tân”) là tổ chức phản động lưu vong người Việt... Hệ thống tổ chức của “Việt Tân” hiện nay chia làm nhiều cấp, đứng đầu là đối tượng Đỗ Hoàng Điềm (SN 1963, quốc tịch Mỹ), Chủ tịch “Việt Tân”.

Từ khi thành lập đến nay, “Việt Tân” đã tiến hành nhiều hoạt động khủng bố, chống phá Nhà nước Việt Nam, nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, lật đổ Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Giai đoạn từ năm 1989 đến nay, sau khi các hoạt động vũ trang, khủng bố vào Việt Nam thất bại; nhận thấy không còn khả năng tập hợp lực lượng thông qua “Mặt trận quốc gia thống nhất giải phóng Việt Nam” và trước những biến đổi của tình hình thế giới và trong nước, tổ chức “Việt Tân” đã chuyển hướng hoạt động theo phương thức “diễn biến hòa bình”, “đấu tranh bất bạo động” để chống phá Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam... Vì thế, ngày 4-10-2016, Bộ Công an đã đưa “Việt Tân” vào danh sách các tổ chức khủng bố tại Việt Nam.

Âm mưu chống phá của tổ chức khủng bố “Việt Tân” bị vạch trần

Năm 1982, Đỗ Hoàng Điềm gia nhập tổ chức “Việt Tân”. Năm 2001 được bầu làm ủy viên trung ương “Việt Tân”. Từ năm 2006 đến nay, được bầu là ủy viên tổng bộ chính trị, giữ chức chủ tịch đảng “Việt Tân”. Tháng 6-2010, Châu Văn Khảm tham gia tổ chức khủng bố “Việt Tân” tại Úc. Từ năm 2016 đến nay, làm đại diện cơ sở đảng bộ Sydney, kiêm bí thư đảng bộ Úc châu của “Việt Tân”.

Đầu năm 2019, thực hiện chỉ đạo của Đỗ Hoàng Điềm, Châu Văn Khảm về Việt Nam khảo sát tuyến xâm nhập đường bộ dọc biên giới Campuchia - Việt Nam và kiểm tra tư cách của “đảng viên mới” ở Việt Nam. Tháng 1-2019, Châu Văn Khảm nhập cảnh vào Campuchia, sau đó sử dụng giấy chứng minh nhân dân mang tên Chung Chính Phi để xâm nhập bất hợp pháp vào Việt Nam, qua biên giới đường bộ Campuchia.

Đến khoảng 13h ngày 11-1, sau khi qua đường tiểu ngạch khu vực cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, Khảm sử dụng chứng minh nhân dân mang tên Chung Chính Phi, thuê ở tại một khách sạn ở quận 1, TP Hồ Chí Minh.

Trước đó, qua mạng xã hội Facebook, Châu Văn Khảm đã giới thiệu, vận động Nguyễn Văn Viễn (là tài xế Grab bike) tham gia vào tổ chức khủng bố “Việt Tân”. Viễn sau đó thường xuyên cung cấp thông tin cho Khảm về tình hình chính trị, xã hội trong nước... Vì thế, vào sáng 12-1, thực hiện chỉ đạo của Đỗ Hoàng Điềm, Viễn đón Khảm tại một khách sạn để đưa đi khảo sát một số nơi tại TP Hồ Chí Minh.

Tại một quán cà phê ở quận 1, TP Hồ Chí Minh, Khảm đã thông tin cho Viễn về đường lối, phương thức hoạt động của “Việt Tân”; nhận định đánh giá một số vấn đề quốc tế và quan điểm của “Việt Tân” đối với Việt Nam và cho Viễn 400 USD của tổ chức “Việt Tân”.

Chiều cùng ngày, Viễn cùng Khảm thuê phòng nghỉ tại phường 7, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh thì bị phát hiện và bắt giữ. Mở rộng điều tra, Cơ quan công an bắt giữ Trần Văn Quyền và 3 đối tượng khác gồm Bùi Văn Kiên, Nguyễn Thị Ánh và Trần Thị Nhài.

Đồng thời, kết nạp Quyền làm thành viên của tổ chức khủng bố “Việt Tân” và được Điềm cho 200 USD để chi phí đi lại. Như vậy, quá trình tham gia và là thành viên của tổ chức “Việt Tân”, Trần Văn Quyền đã được Đỗ Hoàng Điềm cung cấp 900 USD...Tại Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an, Quyền khai nhận: Cuối năm 2017, Quyền sử dụng tài khoản Facebook “Vịnh Xuân Quyền” kết bạn với tài khoản Facebook của Đỗ Hoàng Điềm để tìm hiểu về tổ chức “Việt Tân”, bình luận, chia sẻ những bài viết có liên quan đến việc xả thải gây ô nhiễm môi trường... và đã được Điềm giao một số nhiệm vụ như làm 2 chứng minh nhân dân giả cho người của tổ chức “Việt Tân”; khảo sát một số tuyến đường có lắp đặt vị trí camera để cung cấp cho Đỗ Hoàng Điềm; trực tiếp khảo sát các tuyến xâm nhập đường bộ khu vực biên giới Việt Nam - Campuchia, khu vực các cửa khẩu và xuất cảnh sang Campuchia, tham gia lớp huấn luyện của tổ chức khủng bố “Việt Tân”.

Tài liệu xác định, Châu Văn Khảm đã tham gia các buổi gây quỹ để hỗ trợ các đối tượng hoạt động trong nước, tham gia các cuộc biểu tình chống Việt Nam tại Úc; dự các buổi học tập về đường lối, chủ trương của “Việt Tân” và tìm, chọn đối tượng để phát triển lực lượng cho “Việt Tân”... Hành vi tham gia, lôi kéo, đào tạo người tham gia tổ chức khủng bố “Việt Tân” đã phạm vào tội “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân”.

Căn cứ vào kết quả điều tra của Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao khẳng định, Châu Văn Khảm, Nguyễn Văn Viễn, Trần Văn Quyền biết rõ “Việt Tân” là tổ chức khủng bố tại Việt Nam theo công bố của Bộ Công an Việt Nam nhưng vẫn tham gia tổ chức. Đối với Đỗ Hoàng Điềm, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao nhận định đây là đối tượng chủ mưu trong vụ án này. Hiện, Đỗ Hoàng Điềm đang ở Mỹ nên Bộ Công an đã ra quyết định truy nã, khi nào bắt được sẽ xử lý sau.

Tại phiên xét xử, Châu Văn Khảm đã thừa nhận tham gia tổ chức “Việt Tân”; Khảm cũng thừa nhận xâm nhập Việt Nam trái phép bằng giấy tờ mang tên người khác để tìm hiểu về cuộc sống của người dân... Bị cáo Trần Văn Quyền cũng thừa nhận hành vi của mình. Trước tòa, Quyền mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt, đồng thời cũng nhắn nhủ tới những ai đang có ý định đi theo “vết xe đổ” của Quyền và đừng tin theo luận điệu xúi giục của kẻ xấu.

Chặn đứng các hành vi phá hoại

 Trong các giai đoạn khác nhau, “Việt Tân” tiến hành nhiều hoạt động chống phá nhưng đều bị cơ quan an ninh của Việt Nam ngăn chặn kịp thời. Giai đoạn từ năm 1982 đến 1989, Hoàng Cơ Minh (nguyên chuẩn tướng, phó đô đốc hải quân chính quyền Sài Gòn cũ) tuyển mộ 200 đối tượng, trang bị vũ khí, đã tổ chức nhiều lần xâm nhập vào Việt Nam. Tuy nhiên, đợt xâm nhập này đã bị cơ quan chức năng phát hiện và tiêu diệt 58 đối tượng, trong đó có Hoàng Cơ Minh và bắt 77 đối tượng.

Giai đoạn từ năm 1989 đến nay, sau các hoạt động vũ trang, khủng bố vào Việt Nam thất bại, “Việt Tân” đã chuyển hướng hoạt động theo phương thức “diễn biến hòa bình”, “đấu tranh bất bạo động” để chống phá Nhà nước Việt Nam. Năm 2000, tổ chức “Việt Tân” tiếp tục thực hiện ý đồ đưa người về Việt Nam hoạt động để xưng dựng ngọn cờ, phát triển lực lượng... nhưng đều bị ngăn chặn kịp thời.

Sau khi các cơ quan chức năng đấu tranh quyết liệt, vô hiệu hóa nhiều kế hoạch phát triển lực lượng vào trong nước, “Việt Tân” đã chuyển hướng hoạt động từ chiến dịch “Sang sông - dựng cờ” (giai đoạn 2009-2014), sang chiến dịch “Đối đầu - công khai” (giai đoạn từ 2015-2017) với mục tiêu công khai hóa tổ chức chính trị đối lập ở trong nước trong năm 2016, liên kết với số chống đối trong nước, móc nối đưa người ra nước ngoài tham dự điều trần, huấn luyện, đào tạo; cho người tham gia, tài trợ chi phối các hội, nhóm chống đối trong nước để tập hợp, phát triển lực lượng, tiến tới hình thành, công khai hóa tổ chức chính trị đối lập; triệt để lợi dụng các tiện ích của mạng Internet để tuyên truyền, khuyếch trương thanh thế tổ chức và tìm chọn người cho tổ chức; tập trung tuyên truyền, tấn công, hạ uy tín Đảng, Nhà nước... Và cử các thành viên cốt cán về nước tiến hành các hoạt động chống phá nhưng đều bị vô hiệu hóa.

“Việt Tân” tổ chức biểu tình ở nước ngoài.

Điển hình trong số đó là việc “Việt Tân” tổ chức cho Phạm Minh Hoàng, thành viên của “Việt Tân” tại Pháp về Việt Nam làm giảng viên hợp đồng của một trường Đại học tại TP Hồ Chí Minh. Dưới bút danh Phan Kiến Quốc, Hoàng đã viết nhiều bài. Trong đó, 33 bài viết có nội dung xuyên tạc chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam rồi gửi cho tổ chức khủng bố Việt Tân đăng tin, tán phát trên mạng internet nhằm mục đích kích động, lôi kéo người dân biểu tình.

Tháng 8-2011, Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh đã đưa ra xét xử, tuyên bố Hoàng phạm tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Sau khi ra tù, Hoàng tiếp tục hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia nên đã bị Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tước quốc tịch, trục xuất về Pháp vào giữa năm 2017. 

Từ tháng  3 đến tháng 11-2007, Nguyễn Kim - chủ tịch “Việt Tân” đã chỉ đạo Nguyễn Hải tên gọi khác là Khunmi Somsak, Nguyễn Quang Phục, Nguyễn Quốc Hải ở Thái Lan 4 lần về Việt Nam khảo sát. Đồng thời, cử Nguyễn Ngọc Đức, Nguyễn Quốc Quân về nước bằng con đường bất hợp pháp; Nguyễn Thị Thanh Vân và  Trương Leon về Việt Nam bằng con đường công khai, có nhiệm vụ chỉ đạo số đối tượng trong nước biểu tình, phá rối an ninh, bạo loạn nhằm gây hoang mang, uy hiếp tinh thần của một bộ phận người dân... nhưng đã bị Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Tiếp đó, từ tháng 8-2009 đến tháng 11-2011, tổ chức khủng bố “Việt Tân” tổ chức đưa 17 đối tượng là cơ sở trong nước nhiều lần sang Thái Lan, Campuchia, Lào, Philippines và Mỹ để các thành viên của “Việt Tân” huấn luyện phương thức hoạt động. Ngày 2-8-2011, khi các đối tượng nhập cảnh về Việt Nam thì bị Cơ quan An ninh Bộ Công an phát hiện, bắt giữ và khởi tố 17 bị can; đề nghị truy tố 14 bị can, tạm đình chỉ và truy nã 3 bị can.

Cùng với hoạt động củng cố, phát triển tổ chức, móc nối, đưa người ra nước ngoài tham dự điều trần, huấn luyện, đào tạo và tham gia tài trợ, chi phối hoạt động của các hội nhóm trong nước, một trong những thủ đoạn tinh vi tổ chức khủng bố “Việt Tân” đã và đang sử dụng triệt để là tiếp tục tăng cường các hoạt động tuyên truyền chống Nhà nước Việt Nam trên không gian mạng. Đây là hoạt động chống phá công khai, tính chất rất nguy hiểm, tạo ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế cũng như dư luận trong nước. Đồng thời, tạo ảo tưởng, động lực cho nhiều đối tượng chống đối trong nước hoạt động ngày càng quyết liệt hơn.

Trước âm mưu và hoạt động thâm độc của tổ chức “Việt Tân”, vào ngày 10-8-2019, trên cơ sở khuyến nghị của lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF) về chống rửa tiền và tài trợ khủng bố và đề nghị của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Bộ Công an đã công bố “Việt Tân” trong danh sách tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố ở Việt Nam.

Các hoạt động tài trợ, ủng hộ tổ chức khủng bố “Việt Tân” đều sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Vì thế, mỗi người dân cần phải nâng cao tinh thần cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng trong tổ chức, đặc biệt là việc tuyên truyền, móc nối biểu tình, phá rối an ninh. Việc ủng hộ và hậu thuẫn cho “Việt Tân” sẽ bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét