Thế giới hiện nay là thế giới toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế; là cả một không gian mở, đan xen lợi ích, tùy thuộc lẫn nhau. Một khi khủng hoảng kinh tế ở một khu vực hoặc một nước lớn kéo theo khủng hoảng toàn cầu; một khi giá dầu mỏ lên xuống thất thường và đột biến đủ làm cho kinh tế thế giới bị ảnh hưởng. Nhìn vấn đề toàn cầu, nhất là một số vấn đề an ninh phi truyền thống buộc cả cộng đồng quốc tế phải chung tay giải quyết. Sự biến đổi khí hậu khác thường, thiên tai nghiệt ngã đang diễn ra rất đáng lo ngại. Sự phát triển không thể ngăn cản của các loại vũ khí giết người khủng khiếp cũng là yếu tố làm cho bất kỳ giới cầm quyền nào, cho dù là nước xã hội chủ nghĩa hay tư bản chủ nghĩa cũng phải tính toán kỹ vấn đề chiến tranh hay hòa bình. Như vậy, cùng với việc đổi mới nhận thức của toàn nhân loại, đặc biệt là của giới lãnh đạo các nước về trách nhiệm chung đối với sự phát triển thế giới, những nhân tố khách quan nêu trên vừa thúc đẩy, đòi hỏi, vừa tạo điều kiện cho việc cùng tồn tại và hợp tác cùng phát triển đối với tất cả các nước.
Trong khi nhận rõ sự hợp tác giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản hiện nay là khá toàn diện, thì không thể quên rằng những mâu thuẫn giữa hai chiều hướng phát triển này vẫn chứa đựng mâu thuẫn vốn có. Các thế lực hiếu chiến và thù địch chưa bao giờ từ bỏ dã tâm muốn xóa sổ chủ nghĩa xã hội. "Diễn biến hòa bình" là một trong những chiến lược tổng thể của chủ nghĩa đế quốc nhằm thực hiện mục tiêu đó. Đây là cuộc chiến tranh không khói súng nhưng thực sự là kế sách nham hiểm phá vỡ thành lũy của chủ nghĩa xã hội từ bên trong, là chiến thuật "mối xây nhà" nhằm làm thoái hóa về tư tưởng, mục ruỗng cơ cấu kinh tế - chính trị - xã hội của các nước xã hội chủ nghĩa. Tất cả những thủ đoạn mà các thế lực đế quốc đã và đang sử dụng đối với các nước xã hội chủ nghĩa, cũng như đối với giai cấp những người lao động trên toàn thế giới cho thấy, cuộc đấu tranh giai cấp hiện nay không kém phần gay gắt, quyết liệt và phức tạp. Bởi vậy, trong điều kiện mở cửa, hội nhập với thế giới, thu hút vốn đầu tư, công nghệ và hợp tác giao lưu với các nước tư bản, các nước xã hội chủ nghĩa phải luôn kiên định bảo vệ nền tảng tư tưởng và giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, hợp tác cùng phát triển nhưng luôn cảnh giác và sẵn sàng đấu tranh bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc và mục tiêu lý tưởng của mình.
2.3. Các vấn đề toàn cầu và an ninh phi truyền thống ngày càng nghiêm trọng
Ngày nay tất cả các quốc gia trên thế giới đều chịu tác động của vấn đề toàn cầu như khủng bố quốc tế, tội phạm xuyên quốc gia, phổ biến vũ khí hủy diệt, thảm họa thiên tai, thảm họa môi trường sinh thái, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, an ninh mạng, nghèo đói và dịch bệnh. Cả thế giới giới đã chứng kiến đại dịch Covid-19, trở thành thảm họa toàn cầu khiến hàng triệu người mắc bệnh, hàng trăm ngàn người chết, khiến tâm trạng xã hội rối loại, kinh tế toàn cầu khủng hoảng, hoạt động xã hội ngưng trệ, đảo lộn. Trong những vấn đề gay cấn và là những thách thức to lớn đó, cạn kiệt tài nguyên, nhất là năng lượng và nguồn nước đang là vấn đề nổi trội, tác động tới an ninh và phát triển của nhiều nước, nhiều khu vực. Nhu cầu về tài nguyên của các nền kinh tế, đặc biệt là các nền kinh tế mới nổi và các nền kinh tế của các nước đang phát triển sẽ tăng vọt dẫn tới việc cạnh tranh các nguồn tài nguyên vốn đã gay gắt sẽ trở nên nghiêm trọng hơn.
Trong một bài phát biểu của mình, nguyên Tổng Thư ký Liên hợp quốc Bakimun đã nhận xét: "chân trời có vẻ tối đi". Thế giới đang ở trong thời kỳ có nhiều xáo động. Chủ nghĩa dân tộc nổi lên rất mạnh, chủ nghĩa phân hóa cũng đang phát triển và những tư tưởng cũng như hành vi cường quyền, cực đoan đang trỗi dậy. Trong khi các cuộc "Cách mạng màu" đã làm tan hoang một số nước tại Trung Đông, Bắc Phi; thì chủ nghĩa dân tộc cực đoan, khủng bố quốc tế chưa bao giờ phức tạp như bây giờ. Chủ nghĩa khủng bổ, điển hình là IS vẫn đang duy trì hoạt động tại Irắc, Xyri và ở một số nước khác, đã không chỉ gây ra những bất ổn và biến động chính trị, quốc phòng, an ninh tại nhiều nước mà còn lôi cuốn nhiều quốc gia trong và ngoài khu vực vào "chảo lửa" này. Nguy hiểm hơn, các tổ chức khủng bố đang mở rộng địa bàn hoạt động sang châu Âu, châu Á gây mất an ninh, an toàn xã hội. Những vụ tấn công nhằm vào Pháp, Bỉ, Anh, Nga, lan sang một số nước Đông Nam Á như Philippin, Indonexia cho thấy tất cả những điều đó không thể giải quyết trong một sớm, một chiều, mà sẽ kéo dài, vô cùng phức tạp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét