Hiện nay, mạng xã hội là một yếu tố phổ biến trong cuộc sống hàng ngày. Một số trang mạng xã hội nổi tiếng, thu hút nhiều người tham gia như Facebook, Zalo, Twitter, Tiktok, Google+... Hiểu một cách khái quát mạng xã hội là một dịch vụ liên kết những tài khoản cá nhân trên không gian internet lại với nhau với nhiều mục đích khác nhau. Sự kết nối giữa các thành viên được thực hiện thông qua các thông tin về cá nhân, bạn bè, đối tác hoặc cũng có thể thông qua một nhóm có chung đặc điểm về sở thích, nghề nghiệp, lĩnh vực quan tâm.
Có thể thấy, khởi nguồn mạng xã hội là một mạng lưới hình thành không phân biệt không gian và thời gian của những cá nhân để bày tỏ những nhận xét, cảm xúc, kinh nghiệm sống, riêng tư... Qua thời gian với tính chất liên kết, chia sẻ rộng rãi, mạng xã hội đã không còn gói gọn trong những cảm xúc, suy nghĩ nhất thời của một người mà đã trở thành đề tài của rất nhiều người và ở một góc độ nào đó, sự vận động của mạng xã hội đã ảnh hưởng đến tâm tư tình cảm của cả cộng đồng.
Việc tham gia hay không tham gia mạng xã hội là quyền tự do của mỗi cá nhân. Song người Đảng viên, với vai trò và nhiệm vụ của mình, luôn phải tiên phong thể hiện vị trí, tư cách của mình trong mọi lĩnh vực đời sống hàng ngày, và việc người Đảng viên tham gia, phát ngôn, hành động, ứng xử trên không gian mạng xã hội cũng không là ngoại lệ.
Tại nhiệm vụ thứ 4 của Điều 2, Điều lệ Đảng Đại hội XI thông qua có quy định, người Đảng viên có trách nhiệm tham gia xây dựng, bảo vệ đường lối, chính sách và tổ chức của Ðảng. Với sự phổ biến và đặc tính kết nối, chia sẻ của mạng xã hội hiện nay, vai trò và nhiệm vụ của người Đảng viên trong công tác xây dựng và bảo vệ đường lối chính sách của Đảng không chỉ nằm trong phạm vi địa phương cư trú, cơ quan công tác mà còn được hiểu mở rộng phạm vi ra trên không gian mạng xã hội. Một ví dụ điển hình về vai trò và nhiệm vụ của người Đảng viên trong thời kỳ mới hiện nay, đó là thông qua các mạng xã hội, người Đảng viên đã có thêm một công cụ và có nhiều cơ hội hơn để có thể bày tỏ chính kiến, nguyện vọng, suy nghĩ của mình cũng như đưa các đề xuất, giải pháp về công tác xây dựng Đảng, cũng như nhiều vấn đề của xã hội, đất nước.
Bên cạnh những mảng màu tích cực, những vấn đề tiêu cực luôn tồn tại song song trong quy luật tự nhiên của đời sống, mạng xã hội cũng không nằm ngoài phạm trù này. Những luồng thông tin sai trái, bịa đặt về chủ trương, nghị quyết của Đảng và các chính sách pháp luật của Nhà nước mang tính chất kích động, lôi kéo đối với nhân dân, quần chúng với mục đích xấu cũng là một vấn đề không thể xem nhẹ. Vai trò mũi nhọn của người Đảng viên trong công tác bảo vệ Đảng một lần nữa cần phải được phát huy. Theo dõi, giám sát và phản bác lại các luận điệu sai trái, mang tính chất thù địch đồng thời phải xây dựng mạng lưới, kết nối chặt chẽ với nhân dân trên không gian mạng xã hội để truyền tải được chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước đến với đời sống hàng ngày của nhân dân là một nhiệm vụ cấp thiết được đặt ra đối với Đảng viên trong việc tham gia mạng xã hội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét