Một điều thú vị là ông Nguyễn Cơ Thạch vốn không được đào tạo để trở thành nhà ngoại giao.
Năm 1956, khi lần đầu tiên được cử đi làm Tổng lãnh sự ở Ấn Độ. Trước đó, Nguyễn Cơ Thạch là trợ lý cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp rồi làm Chánh văn phòng Bộ Ngoại giao. Chuyến đi Ấn Độ là chuyến đi đầu tiên ông buộc phải trở thành một nhà ngoại giao thực sự. Trước chuyến đi sứ, ông đến gặp Bác Hồ và hỏi:
- Thưa Bác, tôi không có kiến thức về ngoại giao. Đến việc cầm dao dĩa tôi còn không biết. Tôi phải làm gì?
Khi đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ chia sẻ với Nguyễn Cơ Thạch một câu đơn giản:
- Chú thấy người ta làm gì thì mình học theo.
Và bài học ngoại giao đầu tiên của Nguyễn Cơ Thạch là ở Ấn Độ - trong một bữa tiệc chiêu đãi của Đại sứ quán Pháp, khi ông buộc phải từ chối món ăn đầu tiên trong bữa tiệc, quan sát người khác để học cách cầm dao dĩa cho đúng kiểu. Sau này Nguyễn Cơ Thạch vẫn hay bông đùa với báo giới: "Tiếng Anh của tôi đầy mùi của món cà ri Ấn Độ".
Nhưng nhà ngoại giao với xuất phát điểm "không biết cả việc dùng dao dĩa" đã rất nỗ lực để thay đổi chính mình.
Khi đi sứ Ấn Độ vào năm 1956, Nguyễn Cơ Thạch chưa thể nói một từ Tiếng Anh nào. Mọi giao tiếp của ông đều phải thông qua phiên dịch. Nhưng vài năm sau, ông đã nói thông viết thạo Tiếng Anh và Tiếng Pháp… Và cho đến năm 1973, Nguyễn Cơ Thạch đã nổi tiếng trong giới ngoại giao quốc tế, khi ông thể hiện bản lĩnh tuyệt vời trong vai trò người thương thuyết của ông Lê Đức Thọ suốt các vòng đàm phán ở Hiệp định Paris. Ngoại trưởng Mỹ Kissinger đã từng nói rằng, ở Paris, Nguyễn Cơ Thạch chính là người khiến ông e ngại nhất của phái đoàn Việt Nam, vì kĩ năng đàm phán xuất sắc.
Với báo chí quốc tế, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch là người thẳng thắn, bộc trực và sẵn sàng bẻ lại họ trước những câu hỏi hóc búa. Ông là một trong số rất ít chính khách Việt Nam thời kỳ đó có thể "đấu tay đôi" với phóng viên nước ngoài mà không cần thông qua phiên dịch. Suốt 12 năm làm Trưởng đoàn ở Liên Hợp quốc, Nguyễn Cơ Thạch là nhà ngoại giao được các phóng viên vô cùng "ưa thích". Họ dành cho ông biệt danh "con cáo hai đầu" - như một lời khen cho sự khôn ngoan, bản lĩnh và thẳng thắn của ông trước báo chí.
Một dịp, khi trả lời câu hỏi của báo chí Mỹ về thời điểm Việt Nam sẽ rút quân khỏi Campuchia, Nguyễn Cơ Thạch đã nói với một nhà báo: "Tôi có thể nói với bà điều này: Người Việt Nam sẽ rút khỏi Campuchia rất lâu trước khi người Mỹ rút khỏi Châu Âu".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét