Kênh truyền hình của Báo Nhân Dân vừa qua đã phát sóng bộ phim tài liệu nhiều tập “Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh - Biên niên sử truyền hình”, kể lại quá trình đấu tranh dựng nước, giữ nước và xây dựng, phát triển đất nước của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ 19, thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21. Bộ phim được đầu tư công phu, nhiều thông tin, tài liệu lần đầu tiên được giải mật, trong đó có cả tài liệu mật của những nước đã từng mang quân can thiệp, xâm lược, chiếm đóng Việt Nam.
Theo dõi bộ phim sẽ thấy, hàng thế kỷ qua, nhất là giai đoạn cuối thế kỷ 19 cho đến gần cuối thế kỷ 20, Việt Nam liên tục phải đương đầu với các cuộc chiến tranh xâm lược. Trong đó, nếu lấy mốc từ mùa Thu năm 1945, sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, với sự hậu thuẫn của các thế lực quốc tế, nước Pháp một lần nữa quay lại xâm chiếm nước ta. Bằng những nỗ lực cao nhất, trên mọi phương diện, Chính phủ Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu đã tìm mọi cách để ngăn chặn chiến tranh. Nhưng, như đã biết, mọi nỗ lực đó đều thất bại bởi dã tâm chiếm nước ta một lần nữa của thực dân Pháp. Năm 1946, trong lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã giải thích rõ vì sao dân tộc ta phải đứng lên để đánh đuổi quân xâm lược. Không chỉ các nguồn sử liệu trong nước, sau khi chiến tranh kết thúc, chính những người từng đứng đầu chính phủ Pháp và sau này là chính phủ Mỹ cũng công khai thừa nhận, xâm lược Việt Nam là một sai lầm tồi tệ nhất của họ. Ngay cả một số người Việt Nam, trong đó có một cựu nhà báo danh tiếng, sau những biến động ở Đông Âu, người này bỏ chạy ra nước ngoài, sống lưu vong, điên cuồng chống phá chế độ trong nước nhưng khi được phỏng vấn cũng thừa nhận, việc nước Pháp trở lại xâm lược nhằm chiếm đóng Việt Nam sau năm 1945 là một sai lầm. Ngay trong ngày 30.4.1975, một tờ báo có lượng phát hành lớn nhất Nhật Bản đã viết: “Chiến tranh Việt Nam đã kết thúc với thắng lợi của lực lượng giải phóng. Điều đó có thể khẳng định, thời mà các nước lớn dùng sức mạnh để bóp nghẹt chủ nghĩa dân tộc đã chấm dứt”.
Việt Nam, trong thế kỷ 19 và đặc biệt là thế kỷ 20, không hề muốn chiến tranh với bất kỳ nước nào, “chúng ta muốn hoà bình, chúng ta phải nhân nhượng”. Nhưng vì sao dân tộc ta phải đứng lên và phải chịu nhiều đau thương, tổn thất như vậy? Câu trả lời là “chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”.
Cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam chính là để bảo vệ quyền con người. Can thiệp, xâm lược bằng quân sự vẫn không dập tắt được ý chí bảo vệ nền độc lập, quyền tự quyết của dân tộc Việt Nam, họ (những thế lực chiếm đóng, xâm lăng trước đây) lập ra một “mặt trận mới” để tấn công Việt Nam, đó là vấn đề nhân quyền và tự do ngôn luận. Những tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí, thường xuyên, liên tục vu cáo nhà nước Việt Nam vi phạm nhân quyền, vi phạm quyền tự do ngôn luận. Thật mỉa mai, chính họ, không phải ai khác, trước đó từng mang nhiều triệu tấn bom đạn giết chết hàng triệu người trên đất nước hình chữ S nhỏ bé, giờ lại cao giọng dạy dân tộc này về quyền con người. Ai cũng biết, một trong những quyền cơ bản nhất của con người là quyền được sống. Bản tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ và bản tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791 đều nhắc đến quyền tự do, quyền bình đẳng của con người. Như vậy, không thể nói rằng, những tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí với Việt Nam không hiểu thế nào là nhân quyền, bởi quyền con người đã được chính cha ông họ nhắc đến trong tuyên ngôn độc lập của nước họ.
Quyền con người là một khái niệm rất rộng. Theo nghiên cứu, quyền con người đã được đề cập từ xa xưa. Ở phương Tây, quyền con người được đề cập trong một số bộ luật, vào khoảng năm 2350 trước công nguyên. Ở phương Đông, Khổng Tử (Trung Quốc) đề cao chữ “nhân”, cốt lõi của triết lý này là đề cao lòng thương người. Tại Ấn Độ, triết lý của đạo Phật có hàm chứa tư tưởng nhân đạo sâu sắc, khuyên con người làm điều thiện, tránh điều ác. Tại Việt Nam, theo sử sách, triều đình nhà Lý đã ra điều luật cấm mua bán nô lệ đàn ông từ 18 tuổi trở lên. Bộ luật Hồng Đức sau đó cũng đề cập đến nhiều quy định nhằm bảo vệ quyền con người. Sau này, xã hội phát triển, cả phương Đông và phương Tây, vấn đề quyền con người được nâng cao, hoàn thiện trong các bộ luật của từng quốc gia. Điều trớ trêu, như trên đã nói, chính những quốc gia, cả trong tuyên ngôn lập quốc lẫn các bộ luật đều ghi quyền con người về “tự do, bình đẳng, bác ái” sau đó lại xua quân đi chiếm đóng nước khác.
Như đã đề cập, lâu nay, vấn đề nhân quyền là một trong những “vũ khí” được các cá nhân, tổ chức thiếu thiện chí dùng làm cái cớ để vu cáo, bóp méo, thậm chí bịa đặt tình hình của Việt Nam. Để phục vụ mục tiêu và đạt được mục đích, những tổ chức, cá nhân đó không từ một thủ đoạn hay giới hạn nào để vẽ ra một bức tranh đen tối về tình hình Việt Nam. Năm 1948, Liên Hợp Quốc thông qua Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền, trong đó, Điều 29 quy định như sau, nguyên văn: “1) Ai cũng có nghĩa vụ đối với cộng đồng trong đó nhân cách của mình có thể được phát triển một cách tự do và đầy đủ. 2) Trong khi hành xử những quyền tự do của mình, ai cũng phải chịu những giới hạn do luật pháp đặt ra ngõ hầu những quyền tự do của người khác cũng được thừa nhận và tôn trọng, những đòi hỏi chính đáng về đạo lý, trật tự công cộng và an lạc chung trong một xã hội dân chủ cũng được thoả mãn. 3) Trong mọi trường hợp, những quyền tự do này không thể hành xử trái với những mục tiêu và tôn chỉ của Liên Hợp Quốc”.
Rõ ràng, bất kỳ hành động, lời nói nào để thể hiện quyền tự do của mỗi cá nhân cũng phải chấp nhận những giới hạn do pháp luật đặt ra. Không có và không thể có kiểu tự do vô chính phủ, nhân danh tự do, nhân quyền để muốn làm gì thì làm, muốn nói gì thì nói. Hiến chương của Liên Hợp Quốc cũng ghi, mục tiêu tối cao của tổ chức này là “duy trì hoà bình và an ninh thế giới”. Như vậy, những cá nhân, tổ chức hoặc chính phủ nào đi ngược lại mục tiêu nói trên, chính là vi phạm quyền con người. Trên thực tế, những nước lớn thường muốn làm “cảnh sát toàn cầu”, họ đặt ra những tiêu chuẩn kép và áp đặt tiêu chuẩn này cho những quốc gia yếu thế hoặc “không thân thiện” trong mắt họ.
Khoảng 40 năm qua, có một tổ chức thường xuyên lên tiếng cáo buộc quốc gia này, quốc gia kia vi phạm nhân quyền. Tổ chức này có tên gọi “Tổ chức Theo dõi nhân quyền”, được thành lập năm 1978 dưới tên Helsinki Watch. Mục tiêu đầu tiên của tổ chức này là để giám sát, theo dõi tình hình Liên bang Xô viết, một bức tường thành của khối các nước XHCN thời kỳ đó, đồng thời là đối thủ đáng gờm của nước Mỹ. Có thể thấy rằng, ngay từ khi ra đời, “Tổ chức Theo dõi nhân quyền” đã không có thiện cảm với những quốc gia do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Từ chỗ không có thiện cảm dẫn đến những thông tin, bản báo cáo không những thiếu khách quan, không vô tư, họ còn thường xuyên bóp méo tình hình của những quốc gia mà tổ chức này không thích. Có điều kiện theo dõi sẽ thấy, Tổ chức Theo dõi nhân quyền, trong những bản phúc trình thường niên về tình hình Việt Nam, họ hầu như chỉ lấy thông tin từ những tổ chức, cá nhân, cơ quan truyền thông của nước ngoài vốn không có thiện cảm với chính thể hiện nay. Những thành tựu Việt Nam đạt được như xoá mù chữ, xoá đói giảm nghèo, cải thiện thu nhập bình quân đầu người và nhiều mục tiêu thiên niên kỷ được chính Liên Hợp Quốc công nhận, nhưng Tổ chức Theo dõi nhân quyền không hề đưa vào bản báo cáo của họ. Điều này có nghĩa, những nguyên tắc tối thiểu về tính khách quan trong thông tin đã không được tổ chức này thực hiện.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét