Thứ Sáu, 21 tháng 1, 2022

Nhận thức đúng về thời đại làm cơ sở đấu tranh với những quan điểm sai trái, thù địch

 


Thời đại là một khái niệm khoa học dùng để phân kỳ lịch sử xã hội, phân biệt những nấc thang phát triển của xã hội loài người.[1] Thời đại, được tiếp cận ở đây là từ góc độ triết học - chính trị - xã hội, nghĩa là đi từ điểm xuất phát con người làm nên lịch sử và tổ chức nên đời sống xã hội của mình; lịch sử nhân loại là một quá trình phát triển hết sức lâu dài, quanh co, phức tạp bắt đầu từ mông muội, dã man tới văn minh, hiện đại như ngày nay. Bằng tư duy lý luận, con người có thể nhận thức được quá trình lịch sử của mình. Để làm rõ sự khác nhau của những nấc thang xã hội, cần chỉ rõ: Nền tảng vật chất, bản chất, bộ mặt và quy luật vận động phát triển của chế độ chính trị - xã hội. Thời đại, thực chất là sự phân kỳ, chia các nấc thang lịch sử xã hội loài người. Theo V.I. Lênin, thời đại còn là thời kỳ, giai đoạn lịch sử; từ đó có thể tiến hành phân chia thời đại lớn thành các thời đại nhỏ, thành các thời kỳ, giai đoạn cụ thể trong đó. Chẳng hạn, có thể phân chia thời đại tư bản chủ nghĩa thành các giai đoạn: tư bản tự do cạnh tranh, tư bản độc quyền và tư bản hiện đại ngày nay.Cơ sở phân chia thời đại: từ HTKT- XH và giai cấp trung tâm trong xã hội. Mác viết : “ chúng ta không thể xét một thời đại cách mạng căn cứ theo ý thức của chính bản thân thời đại đó được. Trái lại phải giải thích ý thức đó bằng mâu thuẫn của đời sống vật chất, bằng sự xung đột giữa những điều kiện sản xuất và những điều kiện của năng xuất... Về đại thể, có thể coi phương thức sản xuất á châu, cổ đại, phong kiến và tư sản hiện đại là những thời đại ngày càng tiến lên trong lịch sử các hình thái kinh kế của xã hội”[2]. Sự phân chia lịch sử thành các thời đại khác nhau, không phải một cách chủ quan, tùy tiện theo ý muốn của con người mà là dựa trên những dấu hiệu, những đặc điểm bản chất của nó, nghĩa là phải dựa trên những tiêu chuẩn (tiêu chí) khách quan, khoa học để phân chia. Qua đó có thể phân biệt được sự khác nhau về chất của các thời đại, các nấc thang lịch sử khác nhau.

V.I. Lênin đã từng chỉ rõ và nhấn mạnh rằng chỉ trên cơ sở hiểu đúng thời đại, “chúng ta mới có thể định ra đúng đắn sách lược của chúng ta; và chỉ có dựa trên cơ sở hiểu biết những đặc điểm cơ bản của một thời đại, chúng ta mới có thể tính đến những đặc điểm chi tiết của nước này hay nước nọ”[3]         

Như vậy, theo V.I. Lênin, việc nhận thức đúng thời đại mang ý nghĩa trọng đại ở tầm chiến lược đối với con người, nhất là đối với những người cách mạng, bởi lẽ:

Thứ nhất, hiểu đúng thời đại, tức là nắm bắt được bản chất, quy luật, xu hướng vận động phát triển tất yếu của thời đại - đó là cơ sở khoa học, là điều kiện tiên quyết để những người cách mạng định ra đường lối chiến lược, sách lược đúng đắn trong cuộc đấu tranh nhằm xóa bỏ trật tự xã hội cũ lỗi thời lạc hậu, xây dựng một xã hội mới tiến bộ hơn.

Thứ hai, hiểu đúng thời đại, nắm bắt được quy luật chung, đặc điểm chung, cơ bản của thời đại còn là cơ sở để những người cách mạng tiến hành vận dụng sáng tạo quy luật chung vào đặc thù của một nước cụ thể, tức là “cá biệt hóa” cái chung vào cái riêng phù hợp với “những đặc điểm chi tiết” của từng nước, tránh được sự giáo điều kinh viện.

Bởi lẽ, lịch sử của nhân loại đã khẳng định không thể có mô hình phát triển chung cho mọi quốc gia dân tộc, vì sự phát triển của mỗi nước, ngoài bị chi phối bởi quy luật chung, còn chịu sự quy định của các quy luật đặc thù và đặc điểm truyền thống văn hóa riêng của từng quốc gia dân tộc cụ thể.

Qua đây cho thấy “Sự nhận thức sai lệch về thời đại chắc chắn đưa lại những tổn thất cho sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, cho sự nghiệp giải phóng của các dân tộc và sự nghiệp giải phóng con người”[4].

Thực tiễn trên bình diện quốc tế hiện nay đã và đang đặt ra rất nhiều vấn đề bức thiết, có liên quan trực tiếp đến sự cần thiết phải nhận thức thời đại ngày nay, nổi lên là 3 vấn đề lớn sau đây:

Một là, chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, chủ nghĩa xã hội đang tạm thời lâm vào thoái trào, trong khi đó chủ nghĩa tư bản vẫn còn khả năng điều chỉnh, thích nghi để phát triển. Chủ nghĩa xã hội không còn tồn tại với tư cách là một hệ thống thế giới như trước đây mà chỉ còn lại một số nước như Trung Quốc, Việt Nam, Cu Ba...

Trước thực tế này, đã có không ít người, thậm chí có cả người cách mạng cũng tỏ ra hoang mang, dao động, dẫn đến từ bỏ mục tiêu lý tưởng; còn kẻ thù của chủ nghĩa xã hội thì lớn tiếng cho rằng thời đại ngày nay vẫn là thời đại của chủ nghĩa tư bản!

Hai là, cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại đã và đang đưa loài người bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của sự phát triển xã hội dựa trên cơ sở nền kinh tế tri thức

Từ sự biến đổi này, đã xuất hiện quan điểm cho thời đại ngày nay không phải là thời đại của chủ nghĩa tư bản và cũng không phải là thời đại của chủ nghĩa xã hội, mà là thời đại “hậu công nghiệp”, thời đại “văn minh tin học”, “văn minh trí tuệ”...

Ba là, vấn đề giai cấp và dân tộc, nhất là lợi ích quốc gia dân tộc đang nổi lên và diễn ra hết sức phức tạp. Các nước đã và đang thực hiện ưu tiên đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên hàng đầu trong xử lý các quan hệ quốc tế.

Căn cứ vào đặc điểm này, nhiều người đã cho rằng thời đại ngày nay là thời đại của quốc gia dân tộc chứ không còn là thời đại quốc tế vô sản.

Với những biến đổi nhanh chóng và phức tạp trên của đời sống quốc tế, để nhận thức đúng bản chất của thời đại ngày nay, đòi hỏi chúng ta phải có cách tiếp cận khoa học về thời đại.



[1]  Hội đông Trung ương chỉ đạo biên soạn giáo trình quốc gia các bộ môn khoa học Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh: Giáo trình chủ nghĩa xã hội khoa học, Nxb.CTQG, Hà Nội, 2010, tr. 200.

[2] V. I. Lênin, tt, t1, Sđd, tr. 161

[3] V.I.Lênin: Toàn tập, NXB. Tiến bộ, Matxcowva, 1980, tập 26, tr. 174.

[4] .Một số vấn đề về chủ nghĩa Mác – Lênin trong thời đại hiện nay, Nxb, Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.124.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét