Trong sách báo, trên các phương tiện thông tin đại chúng, hai chữ "thời đại" được dùng khá phổ biến. Với ý nghĩa thông thường nó thường được đồng nhất với các khái niệm "giai đoạn", "thời kỳ"... Trong các lĩnh vực khoa học khác nhau, "thời đại" cũng được dùng để chỉ các giai đoạn, thời kỳ khác nhau trong lĩnh vực đó. Trong các tác phẩm về lịch sử và kinh tế, thường thấy các khái niệm như "thời đại đồ đá", "thời đại đồ đồng", "thời đại đồ sắt", "thời đại hơi nước", "thời đại kinh tế hái lượm và săn bắt", "thời đại kinh tế nông nghiệp", "thời đại kinh tế công nghiệp", "thời đại kinh tế tri thức"… Khái niệm thời đại còn được sử dụng trong các cụm từ như: thời đại phong kiến, thời đại tư bản, thời đại chủ nghĩa đế quốc, thời đại cách mạng vô sản… Trong quân sự, thời đại lại được sử dụng để mô tả các thời kỳ quân sự khác nhau, như: thời đại binh khí lạnh, thời đại binh khí nóng, thời đại hạt nhân, v.v..
Thực ra, "thời đại" là một khái niệm rất linh hoạt. Cách diễn đạt tương ứng trong tiếng Anh là "Epoch", vừa chỉ một khoảng thời gian có đặc trưng nhất định, vừa chỉ thời điểm có một vài đặc điểm nổi bật. Từ điển tiếng Anh đương đại Longman xuất bản năm 1987 xác định: "Thời đại là một thời kỳ lâu dài của trái đất hay lịch sử xã hội loài người".
Trong tiếng Hán, định nghĩa "thời đại" lại nghiêng về nhấn mạnh tính tiếp tục của thời gian. Ví dụ: "Từ điển Hán ngữ hiện đại" (bản bổ sung năm 2002) quy nạp hàm ý của thời đại thành hai loại: (1) chỉ một thời kỳ trong lịch sử được phân chia dựa theo tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa...; (2) chỉ một thời kỳ trong cuộc đời một con người.
Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam, thời đại là "thời kỳ lịch sử tương đối dài với xu thế và nội dung phát triển riêng biệt xét về mặt phát triển kinh tế xã hội hoặc về mặt văn hóa, coi như là một chặng đường không lặp lại trên quá trình tiến bộ xã hội". Thời đại lịch sử có thể là toàn bộ thời kỳ phát triển của một hình thái kinh tế - xã hội hoặc những giai đoạn chủ yếu trong hình thái ấy.
Từ điển Tiếng Việt lại xác định: thời đại là "khoảng thời gian lịch sử dài được phân chia ra theo những sự kiện có đặc trưng giống nhau". Theo định nghĩa này, khái niệm thời đại có tiêu chí "thời gian lịch sử dài" và "những sự kiện có đặc trưng giống nhau". Nhưng định nghĩa đó cũng chưa thật rõ ràng vì bao nhiêu thời gian thì được coi là dài và sự kiện có đặc trưng giống nhau có phải là những công cụ đặc trưng về phát triển lực lượng sản xuất ứng với mỗi thời đại không? Ngoài ra thuật ngữ "thời đại" còn dùng để nói lên một đặc trưng nổi bật của sự phát triển trong một thời gian nhất định của lịch sử, tất nhiên là không ngắn hạn: thời đại đế quốc chủ nghĩa, thời đại cách mạng vô sản, thời đại khoa học kỹ thuật, thời đại toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế,…
Từ những cách thể hiện như trên, có thể hiểu thời đại theo nghĩa rộng và theo nghĩa hẹp. Theo nghĩa rộng, thời đại là khái niệm về thời gian để chỉ sự phân kỳ lịch sử xã hội và để phân biệt những nấc thang phát triển xã hội mà theo đó nấc thang cao hơn, tiến bộ hơn phủ định nấc thang cũ, lạc hậu để mở đường cho sự phát triển một thời đại mới. Còn thời đại theo nghĩa hẹp là khái niệm về thời gian để chỉ xu thế và nội dung phát triển riêng biệt xét trên phương diện kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, công nghệ...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét