Thứ Bảy, 22 tháng 1, 2022

Những biểu hiện mới của giai cấp công nhân hiện nay

 


Hiện nay, dưới sự tác động của các nhân tố thời đại đến các lĩnh vực đời sống quốc tế, đến từng quốc gia dân tộc là khách quan. Trong đó, dưới tác động của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, toàn cầu hóa và kinh tế tri thức làm cho giai cấp công nhân biến đổi khá sâu sắc, cả số lượng, chất lượng, cơ cấu,… và nội dung sứ mệnh lịch sử của nó.

Xét từ góc độ kinh tế - kỹ thuật

Trong giai đoạn hiện nay, khi thế giới đang bước vào cuộc “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, sự tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại và toàn cầu hóa đến toàn bộ đời sống xã hội loài người, nhất là ở các nước tư bản phát triển làm cho giai cấp công nhân cũng có nhiều biến động, phát triển mạnh mẽ cả về cơ cấu, số lượng và chất lượng.

 Số lượng công nhân tăng nhanh, cơ cấu có sự biến đổi mạnh mẽ. Đại công nghiệp cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay là quá trình tạo ra cơ sở cho sự phát triển về tốc độ và số lượng của đội ngũ giai cấp công nhân. Công nhân chiếm tỷ lệ ngày càng cao trong dân cư do quá trình phát triển thêm nhiều ngành mới, tạo thêm nhiều việc làm mới và phát triển nhanh lực lượng sản xuất.Theo Tổ chức Lao động quốc tế - ILO, hiện nay có khoảng 1 tỷ công nhân (năm 1900 mới có 80 triệu). Ở nhiều quốc gia có nền kinh tế phát triển cao (nhóm G7), công nhân chiếm khoảng từ 70-90% trong tổng số lao động của quốc gia.Ví dụ: ở Mỹ năm 1960, lao động phi nông nghiệp 66,9 triệu người thì năm 1998 tăng lên gần 2 lần (115 triệu) và đến năm 2014 sô người lao động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp chỉ chiếm 0,37% trong tổng số 156 triệu lao động trên toàn nước Mỹ. Về cơ cấu: Hiện nay, tỷ trọng của bộ phận công nhân trong các ngành công nghiệp truyền thống, công nhân trong khu vực sản xuất vật chất ngày càng giảm. Trái lại, công nhân trong các ngành nghề mới như: điện tử, tin học, hàng không, dịch vụ công nghiệp... tăng lên nhanh chóng.

Trước đây có 70% công nhân lao động trực tiếp, lao động chân tay trong công xưởng, thì nay chỉ còn 30%; 1 - 2% công nhân dịch vụ nay tăng lên 50 - 70%; từ  3 - 4% công nhân nông nghiệp nay tăng lên 30%..

Ở các nước tư bản và tư bản phát triển, đội ngũ công nhân lao động trực tiếp ngày càng giảm, đội ngũ công nhân lao động gián tiếp ngày càng tăng (Do mở rộng các loại hình dịch vụ doanh nghiệp và dịch vụ có tính công nghiệp).

Ví dụ:

 

Nông nghiệp

Công nghiệp

Dịch vụ

 

Pháp

3,9%

26,2%

69,9%

 

Bỉ

1,3%

18,6%

80,1%

Ở các nước đang phát triển, đội ngũ công nhân công nghiệp ngày càng đông đảo, thay thế cho lao động nông nghiệp; công nhân hoạt động trong nhiều  thành phần kinh tế khác nhau, đa hình thức sở hữu (nhất là các nước XHCN như Việt Nam, Trung Quốc), sự biến đổi cơ cấu giai cấp đa tầng, ngành nghề, trình độ khác nhau; sự chuyển dịch lao động cũng biến động nhanh chóng do cơ chế thị trường.

Ví dụ: năm 2014 cơ cấu lao động của Trung Quốc: nông nghiệp: 29,5%; công nghiệp, công nghiệp: 29,9%; dịch vụ: 40,6)

 Công nhân tri thức là đại biểu tiêu biểu cho giai cấp công nhân hiện nay.

 Kinh tế tri thức là một trình độ mới của lực lượng sản xuất hiện đại, trong đó vai trò của tri thức, công nghệ ở một số lĩnh vực sản xuất đang tỏ rõ vị thế quan trọng. “Tri thức là một động lực cơ bản cho việc gia tăng năng suất lao động và cạnh tranh toàn cầu. Nó là yếu tố quyết định trong quá trình phát minh, sáng kiến, và tạo ra của cải xã hội”[1]. Xu thế hướng tới kinh tế tri thức là xu thế chung của thế giới để đổi mới cơ cấu kinh tế từ phát triển theo bề rộng sang phát triển theo chiều sâu. Năng suất lao động phụ thuộc chủ yếu vào công nghệ, tri thức, tay nghề của người lao động.

Trên thực tế đã có thêm nhiều khái niệm để chỉ công nhân: công nhân tri thức, công nhân “áo trắng”, lao động trình độ cao...

Công nhân “cổ xanh” năm 1950 chiếm 90% lực lượng lao động, đến năm 2000 còn 10%; ở các nước tư bản có 40% công nhân có trình độ từ trung học trở lên đến đại học và trên đại học, ở Nhật Bản có 90% công nhân có trình độ đại học và trên đại học, Mỹ có 30%, Hàn Quốc 20% công nhân tốt nghiệp đại học... số công nhân có trình độ tay nghề bậc cao và trung là 40 - 50%.

Trình độ trí thức của công nhân ngày càng cao không hề làm thay đổi bản chất của giai cấp công nhân trong chủ nghĩa tư bản. Sự trưởng thành của giai cấp công nhân về ý thức, trình độ, năng lực đấu tranh cách mạng, đó là quá trình nâng cao trình độ toàn diện của giai cấp công nhân về mọi mặt và do đó là một trong những điều kiện quan trọng cho việc nhận thức và thực hiện thắng lợi sứ mệnh lịch sử của mình trong điều kiện phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, và toàn cầu hóa hiện nay.



[1]. Ngân hàng Thế giới: Báo cáo phát triển nhân lực năm 2002

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét