Thứ Ba, 18 tháng 1, 2022

Những tổ chức không đủ tư cách để cáo buộc Việt Nam “vi phạm nhân quyền”

Cứ mỗi dịp cuối năm, một số tổ chức lấy danh “nhân quyền” như Tổ chức Theo dõi nhân quyền (Human Rights Watch-HRW) có trụ sở tại New York (Hoa Kỳ) lại phát đi thông cáo kêu gọi Chính phủ Hoa Kỳ “cần sử dụng vòng đối thoại nhân quyền để thúc ép Việt Nam trả tự do cho những “tiếng nói bất đồng” đang bị giam giữ và có những cải thiện về nhân quyền”.

Hay gần đây, tổ chức nhân quyền Safeguard Defenders công bố xuất bản một cuốn sách bằng tiếng Việt với mục đích hướng dẫn áp dụng Luật Magnitsky của Hoa Kỳ để “trừng phạt vi phạm nhân quyền ở Việt Nam”. Ngoài ra, một số tổ chức mang danh nhân quyền khác cũng thực hiện các hoạt động vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền, đàn áp những nhà “bất đồng chính kiến” hay giam giữ “tù nhân lương tâm”, “tù nhân chính trị”...

Những “thư ngỏ”, “thông cáo” của các tổ chức này thực chất là việc lợi dụng chiêu bài nhân quyền để thúc đẩy các quốc gia, tổ chức quốc tế can thiệp vào công việc nội bộ, hướng lái theo ý đồ của họ; là công cụ nhằm can thiệp, gây khó khăn cho Việt Nam trong hội nhập quốc tế, tham gia vào các hoạt động quốc tế, khu vực. Trong khi đó, chính những tổ chức quốc tế nhân danh bảo vệ nhân quyền nói trên lại vi phạm các quy định của quốc tế về nhân quyền.

Cụ thể, hoạt động của một số tổ chức về nhân quyền trên vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc quốc tế không can thiệp các vấn đề thuộc thẩm quyền của quốc gia khác theo Hiến chương Liên hợp quốc năm 1945 và Nghị quyết 2625 năm 1970 của Đại hội đồng Liên hợp quốc về Tuyên bố những nguyên tắc của luật quốc tế điều chỉnh quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc.

Theo đó: “Không quốc gia nào hay nhóm quốc gia nào có quyền can thiệp, trực tiếp hay gián tiếp, vì bất kỳ lý do gì vào công việc đối nội và đối ngoại của bất kỳ quốc gia nào khác. Can thiệp vũ trang và tất cả các hình thức can thiệp hay đe dọa chống lại tư cách của quốc gia hay chống lại các đặc trưng chính trị, kinh tế và văn hóa của quốc gia đó - đều là vi phạm luật pháp quốc tế”.

Dù lấy danh nghĩa bảo vệ nhân quyền nhưng hành vi của các tổ chức trên lại không tuân theo nguyên tắc điều chỉnh của pháp luật nhân quyền quốc tế đối với chủ quyền quốc gia và trách nhiệm quốc gia. Chẳng hạn, theo Điều 1 của Công ước quốc tế năm 1966 về các quyền dân sự, chính trị thì: “Mọi dân tộc đều có quyền tự quyết. Xuất phát từ quyền đó, các dân tộc tự do quyết định thể chế chính trị của mình và tự do phát triển kinh tế, xã hội và văn hoá”; “Các quốc gia thành viên Công ước này, kể cả các quốc gia có trách nhiệm quản lý các lãnh thổ uỷ trị và các lãnh thổ quản thác, phải thúc đẩy việc thực hiện quyền tự quyết dân tộc và phải tôn trọng quyền đó phù hợp với các quy định của Hiến chương Liên hợp quốc”. 

Theo Tuyên bố về các nguyên tắc của luật quốc tế, điều chỉnh quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc ban hành kèm theo Nghị quyết 2625 năm 1970, nêu rõ: Tôn trọng chủ quyền quốc gia về lựa chọn chế độ chính trị, kinh tế, xã hội và chính sách đối ngoại; sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi quốc gia; bình đẳng chủ quyền của các quốc gia và quyền tự quyết của các dân tộc; không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác; giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình; các quốc gia có nghĩa vụ hợp tác với nhau...

Bất chấp những quy định của luật pháp quốc tế, những tổ chức mang danh nhân quyền nói trên vẫn lấy cớ can thiệp, cáo buộc bằng cách làm sai lệch bản chất các vụ việc diễn ra trên thực tế để quy chụp, bôi lem tình hình dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam. Với việc vi phạm các quy định luật pháp quốc tế về nhân quyền, hoạt động có mục đích, động cơ xấu, chống phá, can thiệp vào nội bộ nước khác bằng thủ đoạn bóp méo, xuyên tạc sự thật về nhân quyền, rõ ràng những tổ chức này không có tư cách để nói về nhân quyền, đánh giá và cáo buộc về nhân quyền.

Tại phiên họp cấp cao khóa 16 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc ở Geneva, khi Việt Nam lần đầu chính thức tuyên bố ứng cử làm thành viên nhiệm kỳ 2014 - 2016 của tổ chức này, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định: “Nhà nước Việt Nam quyết tâm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, công bằng xã hội và Nhà nước pháp quyền, các quyền con người ở Việt Nam ngày càng được tăng cường”; “phấn đấu cùng cộng đồng quốc tế thúc đẩy việc hưởng thụ và bảo vệ nhân quyền cho nhân dân các nước”. Bằng hành động cụ thể trong thúc đẩy nhân quyền, Việt Nam đã nhận được sự tín nhiệm, ủng hộ của các quốc gia trên thế giới. Ngày 12/11/2013, Ðại hội đồng Liên hợp quốc khóa 68 đã bầu Việt Nam làm thành viên mới của Hội đồng Nhân quyền, với 184 nước ủng hộ trong số 193 nước tham gia bỏ phiếu. Việt Nam còn tích cực hợp tác với nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế để phát huy các giá trị nhân quyền tốt đẹp, phù hợp đạo đức, thuần phong mỹ tục, lợi ích dân tộc, mở ra các kênh đối thoại, tổ chức hội thảo để chia sẻ kinh nghiệm với các quốc gia ở các cấp độ khác nhau.

Tại khu vực, uy tín của Việt Nam được thể hiện qua vai trò Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) 2020, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban liên chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR). Trong cuộc họp đặc biệt lần hai của AICHR theo hình thức trực tuyến diễn ra cuối tháng 11/2020, các nước đánh giá cao vai trò của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch AICHR 2020 đã dẫn dắt hoạt động của AICHR trong giai đoạn đặc biệt khó khăn do tác động của đại dịch COVID -19. Việt Nam không chỉ giúp duy trì đà hợp tác của AICHR và ứng phó hiệu quả trước các tác động của đại dịch mà còn thúc đẩy soạn thảo và thông qua một loạt các văn kiện quan trọng định hướng hợp tác trong thời gian tới.

 Việt Nam quan tâm thúc đẩy các quyền cơ bản của người dân ASEAN, đặc biệt chú trọng đến nhóm yếu thế như thúc đẩy quyền của phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, gắn kết tình hữu nghị, thống nhất, tạo đồng thuận và hợp tác, trong đó đặc biệt là nỗ lực bảo đảm quyền con người trong đại dịch COVID-19, được cộng đồng các quốc gia ASEAN đánh giá cao. Đồng thời, tham gia đóng góp tích cực vào định hình các chuẩn mực quốc tế về bảo đảm quyền con người, đặc biệt quyền của các nhóm dễ bị tổn thương… Với những nỗ lực chung trong thúc đẩy, bảo vệ quyền con người trong phạm vi quốc gia và khu vực, các nước thành viên ASEAN chính thức đề cử Việt Nam là ứng cử viên duy nhất đại diện cho ASEAN làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, nhiệm kỳ 2023-2025.

Sự cố gắng và thành quả của Việt Nam trong việc đảm bảo và thực thi quyền con người đã được nhiều tổ chức quốc tế, chính giới các nước ghi nhận, đánh giá cao, là cơ sở quan trọng để Việt Nam được tín nhiệm, giao phó các cương vị quan trọng trên trường quốc tế như thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Chủ tịch luân phiên ASEAN và nhiều tổ chức quan trọng khác. Trong phiên làm việc ngày 25/1/2019, nhóm làm việc về rà soát định kỳ phổ quát chu kỳ III của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã đồng thuận thông qua Báo cáo về kết quả rà soát của Việt Nam và khẳng định, Việt Nam luôn đảm bảo những quyền tự do cơ bản của công dân, phù hợp với các Công ước quốc tế về quyền con người. Sự đảm bảo đó được thể hiện trong hiến pháp, pháp luật và bảo đảm trên thực tế ở Việt Nam.

Trong bài phát biểu tại Hội nghị toàn quốc các cơ quan nội chính triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng (ngày 15/9/2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Chúng ta ai cũng biết, một gia đình muốn êm ấm, hòa thuận, hạnh phúc thì cùng với sự dạy bảo, khuyên nhủ còn phải có khuôn phép, gia phong, nền nếp... Một làng, một xã, một dòng họ cũng có hương ước, quy ước, lệ làng; một cơ quan, một công sở phải có nội quy; một tổ chức, đoàn thể phải có quy chế, có điều lệ... Một đất nước, một xã hội muốn tốt đẹp thì bên cạnh sự giáo dục, sự khuyên nhủ, càng phải có kỷ cương, phép nước, phải có pháp luật nghiêm minh để bảo vệ cái tốt, cái đúng; răn đe, trừng trị những cái xấu, cái sai, có hại cho dân cho nước, tức là phải có sự quản lý bằng cơ chế, pháp luật, phải có phép nước”.

Cần khẳng định rằng, ở bất kỳ quốc gia nào, quyền của mỗi công dân phải gắn liền với trách nhiệm, nghĩa vụ với đất nước, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật. Tại Việt Nam cũng như ở bất kỳ quốc gia có chủ quyền, người nào vi phạm pháp luật phải bị xử lý theo quy định pháp luật. Hoàn toàn không có việc Việt Nam vi phạm nhân quyền thông qua các hoạt động tố tụng như khởi tố, bắt giữ, điều tra, truy tố, luận tội, xét xử trước tòa án. Ở Việt Nam không có khái niệm, danh xưng nào gọi những đối tượng vi phạm pháp luật là những nhà “bất đồng chính kiến” hay “tù nhân lương tâm”, “tù nhân chính trị” như những luận điệu mà các tổ chức chống phá đưa ra. “Báo cáo nhân quyền” mà các tổ chức lấy danh về nhân quyền đưa ra hằng năm nhằm cáo buộc tình hình vi phạm nhân quyền ở Việt Nam là dựa trên những thông tin thu thập theo kiểu cóp nhặt, phiến diện, xuyên tạc. Do đó, những luận điệu của các cá nhân, tổ chức thù địch, thiếu thiện chí lấy cớ nhân quyền để quy chụp, chống phá Việt Nam chỉ là những luận điệu lạc lõng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét