Mới đây, RFA lại đăng bài dẫn theo “Nhà báo độc lập” Nguyễn Vũ Bình “ní nuận” xuyên tạc kết quả phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam. Bài viết cho rằng phải “đa nguyên đa đảng, tam quyền phân lập…” mới “chống được tham nhũng tận gốc”; rằng, vấn đề tham nhũng ở Việt Nam là do cơ chế toàn trị cộng sản, tức “độc tài đảng trị”, rồi đổ cho chính do cơ chế đó sinh ra tham nhũng và mức độ tham nhũng ghê gớm như vậy!
Đó là luận điệu “ní nuận” xuyên tạc thiếu cơ sở khoa học và thực tiễn, kiểu ngụy biện và gán ghép khiên cưỡng, thể hiện ở các lý do sau.
Thứ nhất, ở nhiều nước phát triển theo mô hình “tam quyền phân lập” hay đa nguyên đa đảng, thì tham nhũng vẫn luôn là một vấn nạn, Philippin hay Hàn Quốc là những ví dụ rõ ràng, với rất nhiều quan chức cấp cao, kể cả cấp cao nhất rơi vào vòng lao lý, tù tội. Trong năm 2020 và đầu năm 2021, trong các phán quyết của Tòa án tối cao Hàn Quốc đã tuyên án bà Park Geun Hye – cựu tổng thống vì tội nhận hối lộ và tội lạm dụng quyền lực khi còn đương chức. Tại Philipin, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Tư pháp Moslemen Macarambon Sr. và Trợ lý Bộ trưởng Bộ Công trình Công cộng và Đường cao tốc (DPWH) Tingagum Umpa bị cáo buộc tham nhũng. Cuộc điều tra của Ủy ban Chống tham nhũng của Tổng thống (PACC) chỉ ra, Macarambon thường xuyên can thiệp thay mặt cho những kẻ bị tình nghi buôn lậu vàng và các đồ trang sức quý khác tại sân bay quốc tế Ninoy Aquino; còn Umpa đã lạm dụng quyền lực và có hành vi tham nhũng, bị cáo buộc đã yêu cầu các nhà thầu trong khu vực một tỷ lệ phần trăm nhất định từ các dự án của họ.
Thứ hai, kết quả công cuộc “đốt lò”, chống tham nhũng ở Việt Nam trong những năm gần đây đã đạt nhiều kết quả rất tích cực, được đông đảo người dân chúng tôi ghi nhận, đồng tình, tạo dựng được niềm tin tưởng rất lớn đối với sự lãnh đạo của Cụ Trọng và Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng. Năm 2021, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vẫn được thực hiện đạt nhiều kết quả rõ rệt, khẳng định quyết tâm mạnh mẽ, “không ngừng”, “không nghỉ”, không vì chống dịch mà “chùng xuống, không xử lý” của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện quyết liệt nhiều văn bản quan trọng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Có thể kể như: Kết luận số 21-KL/TW về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; Quy định số 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm; Quy định số 22-QĐ/TW về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; Quy định số 41-QĐ/TW về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ; Chỉ thị số 04-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; Kết luận số 05-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW, ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng…
Thực tiễn điều tra, xử lý nghiêm minh, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”. Trong năm 2021, các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, từ sau Phiên họp thứ 19 đến nay, đã khởi tố 10 vụ án/40 bị can; kết thúc điều tra 15 vụ án/150 bị can… Trong đó, đã khởi tố mới nhiều vụ án lớn, nghiêm trọng, phức tạp; tiếp tục mở rộng điều tra, kiên quyết, kiên trì đi sâu làm rõ bản chất tham nhũng, tiêu cực trong nhiều vụ án, khởi tố thêm nhiều bị can là cán bộ cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, sỹ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang, trong đó 10 trường hợp cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; đã kiên quyết điều tra, xử lý nghiêm vụ án đưa, nhận hối lộ liên quan đến Phan Văn Anh Vũ; vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á và các vụ việc, vụ án liên quan đến lĩnh vực y tế, lợi dụng phòng, chống dịch COVID-19 để trục lợi; các vụ án xảy ra tại một số địa phương (Đồng Nai, Bình Dương, Khánh Hòa, Tp. Hồ Chí Minh…).
Thứ ba, có thể thấy rằng, tinh thần của Đảng Cộng sản Việt Nam không chủ quan, thỏa mãn, bằng lòng với những kết quả đạt được; mà tiếp tục kiên quyết, kiên trì đẩy mạnh hơn nữa phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Điều hay nữa là, Cụ Tổng nhấn mạnh, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế để “không thể tham nhũng”. Trọng tâm là hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập, đảm bảo thực chất, hiệu quả; rà soát, khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, tài chính, tài sản công,…; sửa đổi, bổ sung Luật Thanh tra, Luật Đất đai, Luật Thực hành dân chủ ở xã, phường, thị trấn và các dự án luật liên quan trực tiếp đến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Như vậy, có thể nói, Đảng Cộng sản Việt Nam kiên quyết, kiên trì công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không chỉ với quyết tâm chính trị cao, các văn bản chỉ đạo, quy định, quy chế mà cả vấn đề nghiên cứu lý luận, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế để không ai dám và không ai muốn tham nhũng, tiêu cực.
Yêu nước ST.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét