Sáng nay, ngồi uống cafe với một người bạn, anh cho tôi đọc một bài viết ngắn với cái tite “Nền kinh tế yếu kém vì thiếu vắng tầng lớp Tư sản dân tộc” của Lưu Trọng Văn, viết trên mạng xã hội quanh câu chuyện bức “tâm thư” của tỷ phú Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh và tỷ phú Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn FLC k vừa “bán chui” 74,8 triệu cổ phiếu FLC. Tôi cũng được đọc toàn văn bức “tâm thư” xin chấm dứt hợp đồng mua lô đất đấu giá mang ký hiệu 3-12 thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm của ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh, khá bất ngờ với lời lẽ trong bức “tâm thư” về việc xin tự nguyện đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán, đấu giá tài sản lô đất này. Có cần thiết phải gửi “tâm thư” đến các đồng chí lãnh đạo Đảng và nhà nước như vậy không? Bức tâm thư liệu có giá trị pháp lý gì không? Có thay thế được văn bản gửi Trung tâm Phát triển quỹ đất và Trung tâm Đấu giá tài sản nhà nước TP Hồ Chí Minh? Quan điểm của cá nhân tôi, khi sự việc chưa sáng tỏ, ta không nên đánh giá phẩm chất, năng lực “Biết nhục vẫn làm; Lợi ích trên danh dự; vấn đề phẩm chất của nhà kinh doanh” như lối viện dẫn của Lưu Trọng Văn. Liên quan vụ việc này, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm C03- Bộ Công an đang đề nghị UBND thành phố Hà Nội, các sở, ban ngành cung cấp toàn bộ hồ sơ tài liệu liên quan đến việc chấp thuận chủ trương đầu tư, quy hoạch, cấp phép xây dựng, kế hoạch sử dụng đất, giao đất; nghĩa vụ tài chính 11 dự án của Tập đoàn Tân Hoàng Minh tại Hà Nội.
Vụ việc tỷ phú Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn FLC bán chui cổ phiếu thì vào tối 11/01/2022, Sở giao dịch chứng khoánTP Hồ Chí Minh (HOSE) hủy bỏ giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC hôm 10/01/2022 của ông Trịnh Văn Quyết với lý do là Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC không báo cáo, không công bố thông tin trước khi giao dịch. Tài khoản của ông Trịnh Văn Quyết đã bị phong tỏa và giao dịch này đã bị Sở giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh thông báo hủy bỏ từ ngày 11/01/2022. Ông Trịnh Văn Quyết bán chui cổ phiếu FLC với số lượng khủng bị phanh phui làm nhiều nhà đầu tư chứng khoán nắm giữ các cổ phiếu liên quan hoảng loạn, bán tống bán tháo, khiến các mã này rớt sàn nhiều phiên liên tiếp và chưa có dấu hiệu dừng lại ảnh hưởng đến chỉ số thị trường chung. Hành vi của ông Trịnh Văn Quyết làm xói mòn lòng tin của giới đầu tư vào tính minh bạch, công bằng của môi trường kinh doanh tại Việt Nam.
Lưu Trọng Văn muốn mượn hai nhân vật “tỷ phú đô la Việt Nam” trong số những người giàu có của Việt Nam hiện tại, để nói về phẩm chất của nhà kinh doanh và hoài niệm một thời đã qua về “tầng lớp tư sản dân tộc”. Ngay cụm từ “tư sản dân tộc” chỉ những người nếu còn sống thì cũng đã thuộc lớp người xưa nay hiếm. Những năm thập kỷ 50 của thế kỷ trước, khi khai sơ yếu lý lịch thì mới thấy, thành phần gia đình quan trọng như thế nào? Lúc đó mấy cụm từ giai cấp tư sản, tư sản mại bản, tư sản dân tộc, địa chủ cường hào, địa chủ kháng chiến… Chỉ sau này, học lên mới thấu hiểu hết. Thế hệ trẻ ngày nay họ không cần quan tâm đến vấn đề này, trừ một số ít phải học tập, nghiên cứu phục vụ cho chuyên ngành kinh tế mà mình đang theo đuổi. Tôi rất ngưỡng mộ các nhà tư sản dân tộc của Việt Nam như Bạch Thái Bưởi, Trịnh Văn Bô… nhưng nếu khẳng định “Nền kinh tế yếu kém vì thiếu vắng tầng lớp Tư sản dân tộc” thì không thỏa đáng. Giai cấp tư sản là tập hợp những người làm chủ những tư liệu sản xuất chính trong xã hội, đặc trưng cơ bản của họ là bóc lột sức lao động của công nhân, của những người làm thuê. Giai cấp tư sản phân ra “tư sản mại bản” và “tư sản dân tộc”. Tư sản mại bản là những người hoặc một nhóm người làm trung gian với các thế lực nước ngoài buôn bán tài nguyên, quyền lợi của quốc gia, nói nôm na đó là những người thay mặt cho đế quốc, đứng ra kinh doanh, buôn bán kiếm lời. Tư sản dân tộc là một bộ phận của giai cấp tư sản ở các nước kém phát triển, đang hoặc đã từng là thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc, họ có tinh thần dân tộc, quan tâm đến sự phát triển độc lập về kinh tế và chính trị của đất nước. Tôi cũng bày tỏ với Lưu Trọng Văn, ghi nhận và đánh giá cao vai trò của “tư sản dân tộc” trong việc phát triển kinh tế của một quốc gia trong giai đoạn cách mạng dân tộc, dân chủ. Chúng ta cũng đã mắc sai lầm trong cải cách ruộng đất, trong cải tạo công thương nghiệp tư bản, tư doanh. Cải tạo kinh tế miền Bắc năm 1954 và các tỉnh phía Nam sau 30/4/1975 với mục tiêu “xóa bỏ chế độ chiếm hữu tư bản chủ nghĩa, xóa bỏ bóc lột tư bản chủ nghĩa, xóa bỏ giai cấp tư sản”. Ở miền Bắc, sau cuộc cải tạo công thương nghiệp tư bản, tư doanh 1954, thì không còn giai cấp tư sản, nhà nước quản lý nền kinh tế theo cơ chế kế hoạch hóa, tập trung quan liêu bao cấp. Do hoàn cảnh đất nước có chiến tranh, bị kẻ thù xâm lược, tất cả vì mục tiêu giải phóng dân tộc, huy động tối đa sức lực của toàn dân. Chiến sĩ an tâm chiến đấu ngoài mặt trận, hậu phương đã có nhà nước bao cấp, tuy không nhiều. Ở miền Nam, tuy đã hình thành một bộ phận tư sản dân tộc vì sống dưới chế độ Mỹ Ngụy, nhưng sau giải phóng miền Nam và cải tạo công thương nghiệp tư bản, tư doanh cũng bị đi cải tạo và triệt tiêu. Từ Đại hội V (3/1982) của Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định dứt khoát xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, thực hiện hạch toán kinh tế và kinh doanh XHCN. Bước ngoặt lịch sử tại Đại hội VI (tháng 12/1986) của Đảng Cộng sản Việt Nam đã mở ra quan điểm kinh tế và đường lối kinh tế để 12 năm sau mới có quan niệm “cơ chế thị trường định hướng XHCN” vào năm 2001. Thực tiễn 35 năm đổi mới, xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp chuyển sang cơ chế phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đúc kết trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”trong đó có viết: “Đưa ra quan niệm phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN là một đột phá lý luận rất cơ bản và sáng tạo của Đảng ta, là thành quả lý luận quan trọng qua 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của thế giới…Đó là một kiểu kinh tế thị trường mới trong lịch sử phát triển của kinh tế thị trường…Đây không phải là nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa và cũng chưa phải là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ”.
Đảng và Nhà nước Việt Nam khuyến khích việc kinh doanh làm giàu, ích nước, lợi nhà vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Tất nhiên làm giàu phải chính đáng, minh bạch, có lợi cho quốc gia và dân tộc. Những doanh nhân thành đạt nhất Việt Nam trong giai đoạn vừa qua, họ sở hữu khối tài sản khổng lồ, có tầm ảnh hưởng lớn đối với nền kinh tế-xã hội và sự phát triển của Việt Nam và được thế giới vinh danh, ghi nhận như: Phạm Nhật Vượng, Đoàn Nguyên Đức, Trần Đình Long, Bùi Thành Nhơn, Đặng Lê Nguyên Vũ, Mai Kiều Liên, Nguyễn Thi Phương Thảo, Johnathan Hạnh Nguyễn… Còn những kẻ làm giàu bất chính như lũng đoạn thị trường, làm ăn phi pháp vi phạm pháp luật, hoặc do tham nhũng… từ đó hình thành tầng lớp tư bản thân hữu, có lợi ích mật thiết với một bộ phận tha hóa, biến chất trong chính quyền, lợi ích nhóm tiêu cực, làm cho đất nước bị tổn thất nguồn lực, giảm uy tín, kìm hãm không thể phát triển nhanh và bền vững, không sớm thì muộn bọn chúng cũng sẽ bị lộ diện và nghiêm trị theo pháp luật hiện hành. Tôi cũng cho rằng rất cần khách quan khi đưa ra những nhận định về vấn đề này ông Lưu Trọng Văn ạ, đừng quy chụp hoặc cố ý thông tin một cách chủ quan làm cho người đọc thấy mình như đang hướng lái dư luận theo góc nhìn hạn hẹp cá nhân như thông tin trong bài viết của mình, làm như vậy không nên Lưu Trọng Văn nhé./.
Yêu nước ST.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét