Ngày 4/1, Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Hội thảo “Cơ sở lý luận và thực tiễn phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2045”.
Khai mạc hội thảo, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 26-NQ/TW nêu rõ: Sau hơn 13 năm triển khai Nghị quyết 26-NQ/TW, kết quả đạt được khá toàn diện, đã tái cơ cấu nền nông nghiệp mạnh mẽ. Nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế trong lúc khó khăn. Năm 2021, mặc dù kinh tế - xã hội khó khăn do dịch bệnh nhưng giá trị toàn ngành nông nghiệp ước tính tăng 2,9%; số xã chuẩn nông thôn mới đạt 68,2%; kim ngạch xuất khẩu đạt 48,6 tỷ USD. Bộ mặt nông thôn thay đổi rõ rệt, người nông dân ngày càng thể hiện rõ vai trò chủ thể trong các mối quan hệ.
Tuy nhiên, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng, sản xuất nông nghiệp còn nhiều khó khăn. Nhiệm vụ nông thôn mới nhiều nơi chưa về đích. Thu nhập của người dân nông thôn về cơ bản có tiến bộ nhưng so với khu vực thành thị còn khoảng cách khá xa. Trong bối cảnh thế giới diễn biến khó lường, các vấn đề xã hội nảy sinh tác động mạnh mẽ, cần đánh giá những điều đã làm được qua hơn 13 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW, chỉ ra những hạn chế, tồn tại; đề xuất các giải pháp mới trong giai đoạn 2021- 2030, định hướng đến năm 2045.
Các tham luận và ý kiến tại hội thảo nhấn mạnh, để xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh, nông dân giàu có trong bối cảnh mới ở nước ta thì cần thực hiện nhiều giải pháp trọng tâm. Theo đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để thống nhất nhận thức từ cán bộ đến người dân về vai trò chiến lược của nông nghiệp, nông thôn trong phát triển kinh tế, xã hội và ổn định chính trị. Các ngành chức năng cần làm rõ phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới phải nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, thay đổi tư duy, nếp sống, thói quen sản xuất của người dân nông thôn, chuyển từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang làm kinh tế nông nghiệp, gắn sản xuất với thị trường, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đây là công việc của cả hệ thống chính trị và người dân, cần hỗ trợ để người dân thực sự là chủ thể của quá trình đổi mới này.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách cụ thể để hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất và chất lượng cũng như hiệu quả cạnh tranh của hàng nông sản. Để xây dựng được nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn, Nhà nước cần có các chính sách cụ thể hơn về tiếp cận đất đai, nguồn lực tài chính và khoa học công nghệ để khuyến khích phát triển kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác và kinh tế trang trại quy mô lớn ở nông thôn.
Một số ý kiến lưu ý việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn gắn với phát triển đô thị, trong đó ưu tiên đầu tư hình thành và phát triển hệ thống thu mua, kết nối, cung ứng nông sản hiện đại, cơ sở hạ tầng thương mại gắn với vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn; thúc đẩy các mô hình liên kết, hợp tác trong sản xuất và kinh doanh nông nghiệp… Đồng thời, có chính sách khuyến khích phát triển các liên kết ba nhà (nhà nông dân - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học) bền vững ở tất cả các khâu sản xuất, chế biến và kinh doanh sản phẩm nông nghiệp…
Kết luận hội thảo, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng nhấn mạnh, nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ chiến lược của toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị. Nông nghiệp phải gắn liền với ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số; tạo việc làm và sinh kế cho người dân. Bên cạnh đó, cần quan tâm đến yếu tố khác như di cư, di dân, môi trường, khoa học công nghệ, văn hóa nông thôn, liên kết chuỗi, nguồn nhân lực… trong thời gian tới./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét