Thứ Tư, 19 tháng 1, 2022

 

Phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi những tiêu cực trong một bộ phận cán bộ, công chức hoạt động trong lĩnh vực thực thi và bảo vệ pháp luật

Những năm gần đây, nhiều loại tội phạm mới phát sinh, diễn biến phức tạp, có tính chất, mức độ tinh vi, xảo quyệt hơn. Thông thường, những kẻ phạm tội có xu hướng tìm mọi cách móc nối, câu kết, mua chuộc quan chức, nhất là những người liên quan đến thực thi các nhiệm vụ nhạy cảm, như: Điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án... nhằm tìm kiếm sự đồng lõa, bao che, giấu giếm hành tung phạm tội. Trong khi đó, cán bộ, công chức trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án được Nhà nước, pháp luật trao những quyền hạn rất lớn, nếu họ thiếu bản lĩnh và bị cám dỗ bởi tiền bạc, vật chất thì sẽ sa vào tình trạng: “Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực”. 

Theo Báo cáo công tác năm 2021 của Viện trưởng Viện KSND Tối cao gửi Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, năm 2021, cơ quan điều tra của viện này đã thụ lý điều tra 46 vụ/61 bị can, trong đó có 24 vụ/30 bị can về tham nhũng, chức vụ trong hoạt động tư pháp. Viện KSND Tối cao nhận định, tuy số vụ án tham nhũng, tiêu cực xảy ra trong hoạt động tư pháp không nhiều, nhưng tính chất, mức độ và hậu quả rất nghiêm trọng. Bởi vì, chủ thể của loại tội phạm này là những người thực thi nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm và bảo vệ pháp luật nhưng họ đã có hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan bảo vệ pháp luật, làm xói mòn niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và nền pháp chế XHCN. Một trong những căn nguyên sâu xa làm mọt ruỗng thể chế chính trị, từ đó có thể dẫn tới nguy cơ chuyển hóa bản chất chế độ pháp chế XHCN ưu việt ở nước ta.

Muốn phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi những tiêu cực trong một bộ phận cán bộ, công chức hoạt động trong lĩnh vực thực thi và bảo vệ pháp luật, việc cần kíp hiện nay là phải tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực giữa cơ quan công an, tòa án, viện kiểm sát, thi hành án; đồng thời sớm hoàn thiện thể chế pháp luật, nhất là thủ tục tố tụng tư pháp theo hướng bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch.

Cùng với đó, cần chú trọng xây dựng cơ chế và duy trì thực chất hoạt động thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện, tố giác hành vi tiêu cực trong hoạt động tư pháp, bảo đảm nguyên tắc bất cứ cán bộ, công chức nào nắm giữ và thực thi quyền lực bảo vệ pháp luật cũng phải chịu sự điều chỉnh, răn đe, trừng trị nếu vi phạm pháp luật.

Tuy vậy, mọi cơ chế, chính sách dù có hoàn thiện đến đâu mà người thực thi lòng dạ không trong sáng, lại bị lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm thao túng thì cơ chế, chính sách cũng khó phát huy hiệu lực, hiệu quả. Do đó, vấn đề căn cốt vẫn là giáo dục, rèn luyện nâng cao đạo đức công vụ, phẩm chất liêm chính cho đội ngũ cán bộ, công chức hoạt động trong lĩnh vực nội chính để bảo đảm cho những quy định của luật pháp được triển khai, thi hành chính xác, công bằng, nghiêm minh trong cuộc sống, góp phần giữ vững kỷ cương phép nước trong xã hội và làm cho mọi người có cuộc sống yên lành, hạnh phúc.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét