Thứ Tư, 19 tháng 1, 2022

 

Phòng và chống các biểu hiện tiêu cực trong tình hình hiện nay

Tiêu cực là để chỉ những hiện tượng không lành mạnh, có tác dụng phủ định, cản trở, không tốt đối với quá trình phát triển của xã hội; tiêu cực là trái với tích cực. Tiêu cực thường được sử dụng dưới dạng: Hiện tượng tiêu cực, không lành mạnh; nảy sinh tiêu cực; đấu tranh chống tiêu cực... Tiêu cực có nguồn gốc sâu xa từ chủ nghĩa cá nhân, là con đẻ của chủ nghĩa cá nhân. Thực tiễn chỉ ra rằng, tham nhũng và các biểu hiện tiêu cực đều là "kẻ thù khá nguy hiểm, vì nó không mang gươm mang súng, mà nó nằm trong các tổ chức của ta, để làm hỏng công việc của ta... Nó làm hỏng tinh thần trong sạch và ý chí khắc khổ của cán bộ ta. Nó phá hoại đạo đức cách mạng của ta là cần, kiệm, liêm, chính". Do đó, phòng và đấu tranh chống tham nhũng, chống các biểu hiện tiêu cực không chỉ cần phải được tiến hành đồng thời, đồng bộ mà còn phải có sự kết hợp, gắn bó chặt chẽ với nhau, để phát huy hiệu quả của từng bộ phận và bảo đảm tính toàn diện của nhiệm vụ quan trọng này. Để thiết thực xây dựng và chỉnh đốn Đảng, để Đảng "là đạo đức, là văn minh", xứng đáng với vai trò tiền phong, thì phòng và chống các biểu hiện tiêu cực là một nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa thường xuyên của Đảng cầm quyền. Theo đó, mỗi cấp ủy, mỗi cán bộ, đảng viên trong cả hệ thống chính trị đều phải:

Một là, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc phải học tập, quán triệt và thực hiện tốt hơn nữa các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng nói chung, về học tập lý luận chính trị nói riêng trên tinh thần gắn lý luận với thực tiễn. Thông qua quá trình đó, mỗi người tự soi, tự sửa, tự rèn luyện mình theo 3 chuẩn mực và nêu gương về đạo đức cách mạng: “Tự mình phải”, “Đối với người phải”, “làm việc phải” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ trong tác phẩm Đường Kách mệnh, năm 1927. Trong triển khai thực hiện, chú trọng nguyên tắc “trên trước, dưới sau”, "trong trước, ngoài sau"; coi đó là việc làm thường xuyên, liên tục, nền nếp, là nhu cầu tự thân của mỗi cán bộ, đảng viên gắn liền với tự phê bình và phê bình, kiểm tra và giám sát.

Hai là, trong công cuộc phòng, đấu tranh chống tham nhũng và các biểu hiện tiêu cực, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" này, cần phải tăng cường vai trò nêu gương trong rèn luyện bản lĩnh chính trị gắn với việc phát huy tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên nói chung, đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt và người đứng đầu nói riêng về mọi mặt. Trong đó, chú trọng yêu cầu sự gương mẫu trong học tập nâng cao trình độ, nghiệp vụ, kỹ năng quản lý; trong rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách, tác phong, lề lối công tác... trên tinh thần thấm nhuần cảnh báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước... Muốn làm cách mạng, phải cải cách tính nết mình trước tiên”.

Ba là, cùng với việc các cơ quan chức năng tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực, chống tham nhũng hiệu quả; cùng với việc bổ sung, thay thế Quy định số 47-QĐ/TW bằng Quy định số 37-QĐ/TW về "Những điều đảng viên không được làm" và sự phối hợp công tác giữa các cơ quan, ban, ngành chức năng để kịp thời nhận diện rõ hơn, cụ thể hơn các hành vi tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp có liên quan đến tham nhũng của cán bộ, đảng viên (biến quyết tâm chính trị thành hành động thực tiễn trong phòng, chống tham nhũng và mở rộng thêm nội hàm đấu tranh gắn với chống tiêu cực bằng văn bản cụ thể), thì mỗi cấp ủy cũng cần phải chú trọng làm tốt công tác tư tưởng, phát huy dân chủ, xây dựng khối đoàn kết, thống nhất trong từng tổ chức cơ sở đảng để làm hạt nhân cho khối đoàn kết của từng địa phương, cơ quan, đơn vị.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét