“Phúc trình toàn cầu
2022” - sự lạc lõng của HRW
“Phúc trình toàn cầu 2022” đưa ra ngày 13/1/2022, dài 752 trang, là bản
phúc trình lần thứ 31 mà tổ chức HRW tự cho mình quyền đánh giá việc thực thi
nhân quyền trên thế giới, với danh sách liệt kê không đầy đủ, khoảng gần 100 quốc
gia, trong đó có Việt Nam. Bản phúc trình viết rằng, năm 2021, “chính quyền Việt
Nam trừng phạt một cách có hệ thống các nhà hoạt động dám thách thức tình trạng
đàn áp”. Nhà nước Việt Nam “đã tống giam ít nhất là 63 người vì bày tỏ
chính kiến hoặc tham gia các nhóm bị coi là chống chính quyền, trong số đó có
nhiều người đã bị các bản án rất nặng nề sau các phiên xử bất công”. Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Ban Á
châu của tổ chức HRW vu cáo: “Chính quyền Việt Nam núp bóng đại dịch COVID-19 để
tiến hành đàn áp nặng tay đối với các hoạt động ôn hòa khiến đa số các vụ đàn
áp không được thế giới biết đến. Dường như chính quyền muốn xóa sổ phong trào bất
đồng chính kiến đang lớn mạnh bằng các án tù khắc nghiệt trước khi thế giới
quan tâm chú ý đến Việt Nam trở lại”. Ông
Kenneth Roth vu cáo chính quyền Việt Nam hạn chế nghiêm ngặt các quyền dân sự
và chính trị cơ bản, trong đó có các quyền tự do biểu đạt, ngôn luận, thông
tin, lập hội và nhóm họp ôn hòa cũng như quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng. Xuyên
tạc ở Việt Nam không có tự do báo chí, cho rằng “Những người công khai phê phán
chính quyền hay lãnh đạo Đảng Cộng sản trên mạng xã hội thường xuyên phải đối mặt
với nguy cơ bị sách nhiễu, đe dọa, theo dõi gắt gao, cản trở quyền tự do đi lại,
bị hành hung thân thể và bắt giữ. Sau khi bị bắt vì thực hiện các quyền của
mình, họ phải đối mặt với nguy cơ bị thẩm vấn thô bạo, bị tạm giam trong thời
gian dài mà không được tiếp xúc với luật sư hay gia đình và bị xét xử bởi các
tòa án mang động cơ chính trị, đưa ra các án tù càng ngày càng nặng nề”…
Điểm qua những nội dung của bản
phúc trình cũng như phát ngôn của những cá nhân có liên quan cho thấy, tất cả
chỉ là “bình mới rượu cũ”, chỉ khác về thời gian và một số cái gọi là “dẫn chứng”
được đưa ra, còn lại bản chất chống phá, xuyên tạc thì không có gì thay đổi. Bao
trùm toàn bộ bản phúc trình vẫn là sự cố tình đánh tráo vấn đề dân chủ, nhân
quyền bằng cách tập hợp, gom lại một loạt các vụ án hình sự mà cơ quan tiến
hành tố tụng ở Việt Nam đã, đang xử lý. Tổ chức này cố tình gán ghép vấn đề báo
chí vào các bị can, bị cáo đã bị khởi tố, điều tra, xét xử để lấy cớ vu cáo Việt
Nam “bắt giữ nhà báo”, “tống giam người bất đồng chính kiến”, tiếp tục gọi số đối
tượng này là “tù nhân lương tâm”, “tù nhân chính trị”…
Thực tế, năm 2021 ghi dấu ấn rất
đậm nét về việc đảm bảo quyền con người của Việt Nam, được cộng đồng quốc tế
ghi nhận, đánh giá cao. Điển hình là các nỗ lực của Đảng, Nhà nước trong chính
sách phòng, chống COVID-19, nhất là các hoạt động giúp người yếu thế, người bị ảnh
hưởng do đại dịch, đảm bảo “không ai bị bỏ lại phía sau”. Chuyển đổi mô hình
phát triển một cách hiệu quả, bền vững, giúp người dân thực hiện tốt hơn các
quyền y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội, kinh tế và quyền tham gia xây dựng pháp
luật, nhà nước pháp quyền. Một dấu ấn nữa của Việt Nam là bảo đảm quyền con người
trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Tại Khóa họp thường kỳ lần thứ 47 diễn ra
tháng 7/2021, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (UNHRC) đã thông qua Nghị quyết
về biến đổi khí hậu và quyền con người do Việt Nam chủ trì cùng Bangladesh và
Philippines soạn thảo, đề xuất, trong đó chú trọng bảo đảm quyền của các nhóm
người dễ bị tổn thương, đặc biệt là người khuyết tật, người cao tuổi. Cũng
trong năm 2021, Việt Nam đã lần đầu tiên xây dựng Báo cáo giữa kỳ tự nguyện thực
hiện các khuyến nghị theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ III để gửi
lên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, qua đó thể hiện trách nhiệm, sự minh bạch
và nghiêm túc của Việt Nam đối với UPR nói riêng và việc thực hiện các cam kết
quốc tế về bảo đảm quyền con người nói chung. “Việt Nam đã nỗ lực, quyết tâm rất
cao trong việc bảo vệ quyền con người và thực hiện các Mục tiêu phát triển bền
vững của Liên hợp quốc” - bà Tatiana Valovaya, Tổng Giám đốc Văn phòng Liên hợp
quốc tại Geneva (Thụy Sĩ) nhấn mạnh. Những thành tựu toàn diện trong phát triển
kinh tế, hội nhập quốc tế đã góp phần tạo nguồn lực cho việc bảo đảm thụ hưởng
các quyền con người của người dân, thúc đẩy nâng cao chất lượng tăng trưởng với
những cam kết về lao động và phát triển bền vững.
Theo dõi quá trình hình thành và phát
triển của HRW thấy rằng, HRW chính là một trong những công cụ đắc lực trong chiến
lược “diễn biến hòa bình” mà các thế lực thù địch sử dụng nhằm xóa bỏ chế độ
XHCN. Lịch sử hình thành, hoạt động của HRW cho thấy, tổ chức này được lập ra để
hoạt động chống phá các nước XHCN, trong đó có Việt Nam dưới chiêu bài dân chủ,
nhân quyền. Điều này lý giải tại sao HRW lại thường xuyên có những hoạt động chống
phá Nhà nước Việt Nam. Dân chủ, nhân quyền vẫn được xem là một mũi nhọn trong
chiến lược này và HRW coi đây là “ngòi nổ” để tìm cách lu loa, vu cáo dưới các
dạng như báo cáo, phúc trình, thư ngỏ, thỉnh nguyện thư… Do đó, khi kết thúc
năm cũ, mở đầu năm mới, HRW lại ra phúc trình để “đánh giá tình hình nhân quyền”
năm cũ với các nội dung sai lệch. Ý đồ của HRW là sự giả dối nói mãi sẽ khiến
người ta tưởng là thật, từ đó tạo dư luận xấu về Việt Nam, lấy cớ gây sức ép,
can thiệp. Tuy nhiên, việc Việt Nam ngày càng khẳng định uy tín, vị thế trên
trường quốc tế, trong đó có thành tựu, uy tín về vấn đề nhân quyền khiến những
âm mưu, thủ đoạn chống phá của những tổ chức như HRW rơi vào lạc lõng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét