Thứ Hai, 24 tháng 1, 2022

Tháo điểm nghẽn thi hành án để thu hồi tài sản tham nhũng tốt hơn

 

Tháo điểm nghẽn thi hành án để thu hồi tài sản tham nhũng tốt hơn

Luật “một luật sửa chín luật” không chỉ tác động việc thu hồi tài sản tham nhũng mà còn giải quyết nhiều vấn đề cấp bách cho doanh nghiệp hiện nay.

Ngày 24-1, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước đối với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của chín luật đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-3-2022.

Xử lý tài sản đồng thời tại nhiều địa phương

Một trong những sửa đổi được nhiều người quan tâm là việc sửa các điều liên quan đến ủy thác thi hành án (THA), ủy thác xử lý tài sản trong Luật THA dân sự (DS).

Về vấn đề này, đại diện Ủy ban pháp luật của Quốc hội cho hay việc sửa một số điều trong Luật THADS cũng được cử tri và nhân dân quan tâm. Dù những năm gần đây, công tác THA thu hồi tài sản tham nhũng đạt nhiều kết quả tích cực nhưng tính trung bình chỉ thu hồi được 10% tổng số tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.

Theo vị đại diện này, Chính phủ đã phát hiện một điểm nghẽn quan trọng và trong lần sửa đổi này tập trung tháo gỡ.

Theo quy định của Luật THADS hiện hành, trong một số trường hợp, khi THA phải xử lý tài sản xong trên địa bàn này thì cơ quan THADS mới được ủy thác THA trên địa phương khác. Tính trung bình, để xử lý tài sản mỗi vụ việc mất khoảng sáu tháng và giả sử một vụ án có năm vụ việc thì phải kéo dài đến ba năm.

Luật THADS đã bổ sung cơ chế mới, đó là cơ chế xử lý tài sản đồng thời tại các địa phương có tài sản cần xử lý. Đây là một trong các giải pháp quan trọng thu hồi tài sản tham nhũng” - vị này nói.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cũng cho hay: Thực tế, trong các vụ án về kinh tế, tham nhũng, tài sản nằm ở nhiều địa phương khác nhau. Nếu không quy định ủy thác thi hành từng phần thì rất khó khăn trong quá trình thực hiện.

Nếu chờ THA xong ở địa phương này, sau đó mới THA ở địa phương khác thì có thể tạo kẽ hở, làm thất thoát tài sản, có thể dẫn tới tỉ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, kể cả vụ án về tín dụng ngân hàng thấp...

Ông Hiếu kỳ vọng trong thời gian tới, thậm chí ngay trong năm 2022, công tác THADS sẽ đạt hiệu quả cao hơn, đặc biệt là thu hồi tài sản từ các vụ án kinh tế, tham nhũng.

Khó “tham nhũng chính sách”

Theo Thứ trưởng Phan Chí Hiếu, Luật sửa đổi, bổ sung chín luật chỉ sửa đổi, bổ sung những điểm còn vướng mắc, bất cập lớn, không thể không sửa để khắc phục ngay các khó khăn, vướng mắc, chồng chéo.

Để luật được thông qua tại kỳ họp bất thường năm 2022, từ năm 2021, Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành đánh giá, tổng kết thực tiễn, phát hiện các khó khăn, vướng mắc. Các chính sách lớn đều đã được các bộ đánh giá tác động, báo cáo Chính phủ. Trước khi báo cáo Chính phủ, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì Bộ Tư pháp đều thẩm định cụ thể, chi tiết. Các chính sách đều đã được lấy ý kiến góp ý của các đối tượng chịu tác động. Chính phủ đã trình Quốc hội từ tháng 6-2021.

Do chương trình kỳ họp cuối năm 2021 có nhiều việc nên Quốc hội đã xếp vào chương trình kỳ họp bất thường đầu năm nay.

Ông Hiếu cho biết: Các điểm sửa đổi, bổ sung đều nhằm tạo thuận lợi cho thực tiễn áp dụng pháp luật cho hoạt động đầu tư, kinh doanh nên không có nguy cơ phát sinh “trục lợi chính sách”. “Chúng ta đã nhận diện khá kỹ, khá cụ thể và khi được đưa vào áp dụng thì chỉ tốt hơn cho hoạt động đầu tư, kinh doanh” - ông Hiếu khẳng định.

Mặt khác, trong chống tham nhũng chính sách, hàng loạt biện pháp đã được tiến hành. Tất nhiên, thực tế cũng có thể có một quy định của pháp luật rất tốt nhưng quá trình tổ chức thi hành thiếu chặt chẽ, thiếu kiểm soát thì khả năng phát sinh tham nhũng chính sách là có.

“Trong quá trình tổ chức thực hiện, Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với các bộ hết sức lưu ý vấn đề này, có biện pháp kiểm soát để hạn chế tối đa tham nhũng chính sách” - ông Hiếu nói và “đặt hàng” báo chí phát hiện, phản ánh kịp thời các dấu hiệu tham nhũng chính sách để Nhà nước xử lý.

Áp dụng kỹ thuật “một luật sửa nhiều luật” khi cấp bách

Các luật được sửa đổi, bổ sung bằng “Luật sửa chín luật” gồm: Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật THADS.

Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của chín luật xuất phát từ yêu cầu thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng, hoàn thiện pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội, nhất là trong điều kiện phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội...

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu, kỹ thuật lập pháp dùng một luật sửa nhiều luật đã được quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Tuy nhiên, kỹ thuật này chỉ được áp dụng trong một số trường hợp cấp bách để xử lý ngay các khó khăn, vướng mắc đã được nhận diện rõ.

Theo ông Hiếu, sẽ chỉ sử dụng kỹ thuật lập pháp này trong trường hợp thực sự cần thiết, cấp bách đã phát hiện, nhận diện đầy đủ, được đánh giá tác động kỹ lưỡng. “Vì sử dụng kỹ thuật này khá phức tạp” - ông Hiếu nói. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét