Theo thống kê, Việt Nam hiện có hơn 64 triệu người dùng Internet (chiếm 67% dân số); hơn 55 triệu người dùng (chiếm 57% dân số) và 436 mạng xã hội đang hoạt động, đứng thứ 7 trong 10 quốc gia có số người sử dụng mạng xã hội nhiều nhất thế giới. Nhìn lại từ thời điểm không gian Internet và các trang mạng xã hội bắt đầu xuất hiện và bùng nổ tại Việt Nam trong mười năm trở lại đây, cùng với các thông tin bổ ích, có giá trị đối với xã hội thì còn vô số thông tin, hình ảnh có nội dung xấu độc trên mạng xã hội do các thế lực “mạng đen” tung ra, đã và đang tác động tiêu cực đến tư tưởng, dư luận xã hội, gây nghi ngờ, gieo rắc sự hoang mang, dao động, làm giảm sút lòng tin của một số bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta.
Việc sử dụng mạng xã hội đối với cán bộ, Đảng viên đã trở nên rất phổ biến hiện nay. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, việc cán bộ, Đảng viên ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng mạng xã hội đã góp phần tạo ra hiệu quả nhất định đối với hoạt động của đơn vị. Lợi ích của mạng xã hội đã được phân tích ở nhiều chủ đề. Dưới góc độ ảnh hưởng tích cực của mạng xã hội đến cán bộ, Đảng viên, có thể nhắc lại vài lợi ích như: Một là, mạng xã hội giúp mọi người thu thập, trao đổi thông tin một cách nhanh chóng, thuận tiện, giúp cán bộ phát triển nhận thức, tư duy và kỹ năng sống; Hai là, mạng xã hội là công cụ truyền thông mạnh mẽ, góp phần tích cực vào sự phát triển của văn hóa doanh nghiệp trong đơn vị; Ba là, mạng xã hội góp phần truyền thông, chuyển hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước thành thực tiễn đời sống, công việc hàng ngày của các cán bộ, Đảng viên đang công tác.Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, mạng xã hội có thể có nhiều rủi ro tiềm ẩn đối với các cán bộ đảng viên, cụ thể:
Một là, tham gia bình luận, chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng hoặc mang tính chất kích động, mang tính chất lan truyền vào các mục đích xấu (công kích cá nhân, bàn luận những điều không có thực, suy diễn cá nhân...)
Hai là, một số bộ phận cán bộ có thói quen thường xuyên truy cập vào các trang mạng xã hội tại nơi làm việc với mục đích cá nhân như bàn luận, mua sắm, dẫn đến giảm hiệu quả công việc, gây thất thoát tài nguyên, lãng phí thời gian làm việc cho đơn vị.
Ba là, mạng xã hội làm gia tăng nguy cơ lộ, lọt bí mật kinh doanh của đơn vị công tác, thậm chí có nguy cơ làm lộ bí mật nhà nước. Một số cán bộ, Đảng viên có trách nhiệm ý thức bảo mật chưa tốt, trong khi các tài liệu, hoạt động được lưu ở máy tính văn phòng hay những bàn luận thiếu chủ đích của cán bộ, nhân viên có thể được đưa lên các trang mạng một cách vô tình hay hữu ý, gây ra những luồng dư luận xã hội không tốt sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu của đơn vị.
Bốn là, mặt khác nếu như sử dụng mạng xã hội không cẩn thận có thể bị lộ, bị mất cắp những thông tin cá nhân quan trọng. Từ đó, các đối tượng có thể giả danh cán bộ để ăn cắp thông tin, dữ liệu hoặc tuyên truyền, lôi kéo, dụ dỗ người khác vào các hoạt động vi phạm pháp luật.
Thực trạng hiện nay cho thấy, bên cạnh đại đa số cán bộ, đảng viên có ý thức trách nhiệm, tham gia mạng xã hội một cách có văn hóa, có lập trường và chính kiến, chủ động nhận diện, đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, phản động và những thông tin xấu độc trên mạng xã hội thì vẫn còn một số cán bộ, đảng viên thờ ơ, vô cảm trước những thông tin sai trái đó. Không dừng lại ở lời nói, hành động trong cuộc sống, Mạng xã hội đã trở thành môi trường để một số cán bộ, đảng viên đưa ra những thông tin bịa đặt, với cách phát ngôn tùy tiện, thiếu tính xây dựng, gây phân tâm trong dư luận; ảnh hưởng không tốt đến uy tín của đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Vai trò của Chi bộ cơ sở trong việc quản lý, giáo dục cán bộ, Đảng viên sử dụng mạng xã hội và thực tiễn triển khai tại các Chi bộ trong hệ thống Vietcombank
Mạng internet với nguồn dữ liệu, thông tin khổng lồ mang lại nhiều giá trị tích cực cho sự phát triển của xã hội và cá nhân. Tuy nhiên, cùng với những lợi ích về nguồn thông tin to lớn, các đe dọa từ không gian mạng đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của nhiều quốc gia. Nếu không có sự tinh tế, chọn lọc trong việc cập nhật thông tin, không gian mạng có thể đưa người tham gia khai thác thông tin trên mạng có những quan điểm không đúng, hùa theo ý chí chủ quan của các tổ chức chủ động định hướng thông tin dư luận; gây ra những nguy cơ lớn về an ninh, chủ quyền quốc gia, cũng như các mối nguy hại khác. Vì vậy, nâng cao ý thức làm chủ và bảo vệ không gian mạng của cán bộ, đảng viên và nhân dân là rất quan trọng và cấp thiết.
Đứng trước những diễn biến mới của thời cuộc, Đảng ta đã sớm xác định và nêu cao những lợi ích vô cùng to lớn của không gian mạng với vai trò là cầu nối để các quốc gia, các dân tộc xích lại gần nhau hơn, tăng cường hợp tác, chia sẻ để cùng phát triển. Tuy nhiên, Đảng ta cũng chỉ rõ, không gian mạng cũng trở thành môi trường tác chiến mới, phi truyền thống (cả về không gian lẫn thời gian), ảnh hưởng mạnh mẽ đến quốc phòng, an ninh của mỗi quốc gia, dân tộc. Hiện nay, các thế lực thù địch đã và đang lợi dụng không gian mạng, đặc biệt là các mạng xã hội nhằm chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Do vậy, để bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 25 tháng 07 năm 2018 về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày ngày 25 tháng 07 năm 2018 Chiến lược An ninh mạng quốc gia. Chính phủ cũng đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng. Ở góc độ thực hiện và triển khai các chủ trương của Đảng vào thực tiễn, có thể hiểu một trong những mục tiêu cụ thể của Nghị quyết 29 và 30 là nâng cao ý thức sử dụng Mạng xã hội đối với mỗi cán bộ, đảng viên.
Để thực hiện mục tiêu nêu trên, một trong lực lượng mà Đảng có thể giao trọng trách là các Chi bộ cơ sở. Lúc đương thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn coi trọng vai trò, vị trí của chi bộ. Người viết: "Chi bộ là nền tảng của Đảng, chi bộ tốt thì mọi việc sẽ tốt", “Chi bộ là gốc rễ của Đảng ở trong quần chúng”. Điều lệ Đảng cộng sản Việt Nam được Đại hội XI thông qua cũng đã xác định: "Chi bộ lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị, giáo dục, quản lý và phân công công tác cho đảng viên” . Chi bộ là cầu nối giữa Đảng với Nhân dân, là nơi trực tiếp lãnh đạo triển khai thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước ở cơ sở. Chi bộ tốt thì mọi chính sách của Đảng đều được thi hành tốt. Vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của chi bộ là hai yếu tố bảo đảm hiệu quả của công tác xây dựng đảng ở cơ sở. Vai trò lãnh đạo của chi bộ tốt sẽ bảo đảm giữ vững sức chiến đấu của chi bộ, ngược lại sức chiến đấu của chi bộ tốt sẽ là động lực thúc đẩy nâng cao vai trò lãnh đạo của chi bộ.
Vai trò lãnh đạo của chi bộ thể hiện ở việc chi bộ nắm vững đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của cấp ủy cấp trên để đề ra nghị quyết, chương trình, kế hoạch chỉ đạo sát đúng với tình hình đơn vị cơ sở. Chi bộ phân công việc cụ thể cho đảng viên, quản lý đảng viên về tư tưởng, phẩm chất đạo đức, kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao, phong cách, lối sống, quan hệ với nhân dân. Chi bộ phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể chính trị - xã hội ở cơ sở để vận động, tập hợp quần chúng thực hiện nghị quyết, chương trình, kế hoạch của chi bộ đề ra.
Trong những năm qua, Ban Thường vụ Đảng ủy Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) luôn coi trọng việc xây dựng và củng cố Chi bộ, trong đó tập trung vào việc đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Đồng thời, xem đây là khâu đột phá trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cho tổ chức cơ sở đảng và đảng viên. Các cấp ủy tại các đơn vị cơ sở Vietcombank đều xác định, không tổ chức sinh hoạt Chi bộ hoặc chất lượng sinh hoạt Chi bộ thấp thì Chi bộ không thể hoàn thành nhiệm vụ. Thực tiễn đã chứng minh, những chi bộ trong sạch vững mạnh là những chi bộ duy trì sinh hoạt Chi bộ định kỳ, có nội dung sinh hoạt chi bộ phong phú, gắn với thực tiễn, có hình thức sinh hoạt đa dạng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét