Những ngày gần đây, dư luận không khỏi quan tâm và cả lo lắng nữa trước việc hàng nghìn xe nông sản bị dồn ứ tại các cửa khẩu phía Bắc. Cao điểm có những ngày lên đến hơn 4.000 xe dồn ứ tại Lạng Sơn, tại các cửa khẩu của Quảng Ninh cũng tồn một lượng xe rất lớn. Với các biện pháp triển khai cấp bách từ các ngành, các cấp chính quyền địa phương và của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, cập nhật của Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, tổng số phương tiện chờ xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh tính đến 8h ngày 5/1/2022 vẫn còn tới con số 2.299 xe – một con số vẫn rất lớn sau nhiều ngày nỗ lực giảm ùn tắc.

Theo các cơ quan chức năng, việc ùn tắc này, trong đó chủ yếu là các mặt hàng nông sản, với thời gian thông quan kéo dài, hầu hết hàng hóa nông sản sẽ bị hỏng, không còn khả năng tiêu thụ, doanh nghiệp sẽ gánh chịu thiệt hại rất lớn. Bên cạnh đó, với bối cảnh sắp đến vụ thu hoạch cuối năm, là vụ cao điểm của lượng hàng hóa nông, thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, nếu khả năng thông quan không được cải thiện, con số thiệt hại sẽ còn lớn hơn rất nhiều lần.

Thực tế, chúng ta đã phải chứng kiến rất nhiều xe hàng chở nông sản như: mít, dưa hấu, xoài, thanh long,…đã phải quay đầu về các tỉnh trong nước để bán xả hàng với giá rẻ để giảm lỗ. Thậm chí có những tài xế phải đổ bỏ hàng vì phải chờ quá lâu để thông quan hàng hóa. Đây là không chỉ là một thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp có hàng chờ tại các cửa khẩu, mà ở đó, chúng ta cũng thấy được công sức, mồ hôi của những người nông dân từ khi trồng, chăm sóc, đến thu hoạch, đặt bao niềm tin vào chuyến hàng nhưng đổi lại, đó là sự chờ đợi và nhận lại chỉ còn là những thiệt hại về kinh tế hoặc đã trở thành đống phế phẩm.

Điều đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên xảy ra tình trạng nông sản bị ùn tắc tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc. Hầu như hàng năm, việc ùn tắc nông sản lại diễn ra tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc, gây thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp. Nhưng có lẽ đến năm nay, với số lượng xe ùn tắc rất lớn cho thấy, đã đến lúc thị trường tiêu thụ nông sản của Việt Nam cần có những chiến lược, bước đi được hoạch định riêng để tránh phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường, để khi có những thay đổi bất ngờ, chúng ta “trở tay không kịp”, gây những thiệt hại đáng tiếc như vừa qua.  

Tại Diễn đàn trực tuyến “Kết nối sản xuất – chế biến nông sản và thúc đẩy thị trường nội địa” do Bộ NN&PTNT tổ chức gần đây, một loạt các doanh nghiệp chế biến, tập đoàn bán lẻ cho biết đã sẵn sàng chờ các xe tại các cửa khẩu quay đầu về để thu mua nông sản. Cụ thể, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) Đinh Cao Khuê cho biết, sẵn sàng thu mua số lượng lớn nông sản gồm xoài, chuối,..,của các doanh nghiệp đang ùn tắc tại cửa khẩu. Cụ thể, mỗi ngày Công ty tiêu thụ khoảng 100 - 150 tấn sản phẩm nông sản các loại, đặc biệt là sản phẩm xoài.  Hiện nay, riêng về xoài thì công ty vẫn tiếp tục thu mua với số lượng lớn nếu như các doanh nghiệp có nhu cầu tiêu thụ. Hoặc đại diện của tập đoàn Nafoods Group cũng cho biết, thời gian từ giờ đến Tết, Nafoods có thể hỗ trợ cho chanh leo và thanh long. Với các sản phẩm tại cửa khẩu phía Bắc sẽ chuyển về Nghệ An, còn phía Nam sẽ đưa về Long An. Sản lượng khoảng 1.000 tấn,…

Điều đó cho thấy, tiềm năng của thị trường nội địa vẫn còn rất lớn cho việc tiêu thụ nông sản, điều quan trọng đó là hàng hóa cần đáp ứng yêu cầu của các nhà máy chế biến, của các nhà bán lẻ và đặc biệt, cần kết nối được bên cung, bên cầu để hai bên được gặp nhau.

Một thực tế, sau đợt ùn tắc nông sản nghiêm trọng tại các cửa khẩu, có thể nhận thấy rằng, việc chuẩn bị cho các doanh nghiệp bán nông sản “con đường lui” là rất quan trọng và cần thiết. Do đó, đây cũng là bài toán mà ngành Nông nghiệp và các địa phương, doanh nghiệp cần phải tính đến, đó là việc đa dạng hóa các thị trường. Việc xuất khẩu một sản phẩm của tỉnh không chỉ hướng đến một thị trường mà còn cần hướng đến nhiều thị trường khác thông qua việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, thương hiệu. Ở đây, giống như phương châm được nhiều thương gia đánh giá cao và áp dụng, đó là đừng “bỏ hết trứng vào một giỏ”, để tránh những thiệt hại, rủi ro khi quá phụ thuộc vào một hình thức kinh doanh, một thị trường.

Thêm một điểm mà các địa phương cần chú ý, đó là công tác định hướng quy hoạch diện tích vùng trồng, cần bám sát vào thị trường. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc lúc đương nhiệm đã từng lưu ý, trước khi gieo hạt đã phải biết thị trường tiêu thụ ở đâu?. Do đó, các địa phương cần bám sát thị trường để từ đó chỉ đạo, tổ chức sản xuất, quy hoạch diện tích vùng trồng, tránh sự phát sinh trong diện tích trồng dẫn đến sản lượng ùn ứ, dư thừa quá nhiều, gây áp lực cho việc tiêu thụ.

Một mặt khác, ngành Nông nghiệp, các địa phương cũng cần có có những chính sách thực sự hấp dẫn, thu hút đầu tư của các doanh nghiệp có thế mạnh vào khâu chế biến nông sản. Nếu như địa phương có lợi thế về vùng nguyên liệu thì việc có nhà máy chế biến sẵn có tại địa phương là điều rất thuận lợi cho đầu ra của nông dân, giúp cho nông sản được tiêu thụ tại chỗ ổn định. Đồng thời, cần tăng cường cho công tác đầu tư kho bãi, kho lạnh để bảo quản, tích trữ nông sản khi chưa được tiêu thụ kịp thời. Dù vấn đề này đang là khó khăn cho nhiều địa phương, tuy nhiên, đây là bài toán về lâu dài, các địa phương cần tập trung triển khai thực hiện để tạo sự chủ động trong giải quyết các tình huống cấp bách, tức thời, giảm thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp tham gia thu mua nông sản.

Đặc biệt, một điểm quyết định hơn cả, đó chính là đầu tư nâng cao chất lượng của chính sản phẩm nông sản. Một điều dường như bấy lâu nay chúng ta đã thấy rõ, đó là những sản phẩm thực sự ngon luôn tự hấp dẫn các thị trường tiêu thụ. Vụ vải thiều thành công tại Bắc Giang, Hải Dương trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trong mùa vụ năm 2021 đã minh chứng thấy rõ điều đó, khi quả vải của Việt Nam được xuất bán nhanh, được giá, không bị ế hàng, và đến khắp các thị trường khó tính tại Nhật Bản, EU,…,giúp các địa phương, doanh nghiệp và người nông dân thu về nguồn lợi nhuận lớn. Đây cũng là những kinh nghiệm thực tế để các địa phương khác tham khảo trong bối cảnh thị trường xuất khẩu diễn biến bất thường, thực sự cần có sự quan tâm, đầu tư cho việc nâng cao chất lượng nông sản, đồng thời đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, quy trình đóng gói, bao bì, nhãn mác đáp ứng yêu cầu của các thị trường,…

Dù biết Trung Quốc là thị trường rộng lớn, rất tiềm năng cho nông sản của nước ta. Tuy nhiên, việc cần tự chủ động trong kế hoạch tiêu thụ, xuất khẩu các mặt hàng nông sản là việc cần được tính đến ngay từ lúc này. Đây cũng là bài toán nếu được các cấp, các ngành, các hiệp hội, ngành hàng từng bước tháo gỡ và giải quyết sẽ góp phần quan trọng cho việc thúc đẩy tiêu thụ nông sản Việt Nam, để không còn tình trạng ùn tắc, để không còn tình trạng phải “giải cứu” mỗi khi có sự biến động về thị trường. Và hơn cả, sẽ không để những công sức của chính các doanh nghiệp và người nông dân trở thành vô nghĩa./.