Mặc dù các định nghĩa về kinh tế số còn khác nhau, nhưng đều có chung những điểm được xác định. Kinh tế số hiện diện trong các lĩnh vực và toàn bộ nền kinh tế như các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ; các lĩnh vực như: Sản xuất, phân phối, lưu thông, giao thông vận tải, logistic, tài chính, ngân hàng... mà công nghệ kỹ thuật số được áp dụng.
Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế số ở mức khá trong khu vực ASEAN với hạ tầng viễn thông-công nghệ thông tin (CNTT) khá tốt, phủ sóng rộng, mật độ người dùng cao. Những ưu điểm nổi bật nhất mà kinh tế số mang lại có thể kể tới như: Tăng trưởng thương mại điện tử; thúc đẩy người dùng sử dụng internet và phát triển hệ thống hàng hóa và dịch vụ kinh tế số. Nền tảng CNTT và truyền thông (ICT) được xem là hạt nhân của chuyển đổi số, được đánh giá là phần quan trọng nhất của nền kinh tế số lõi (Core Digital Economy). Do nhận thức đúng đắn, Việt Nam thuộc nhóm ít các nước trên thế giới sớm ban hành chiến lược chuyển đổi số quốc gia, chiến lược về một quốc gia số. Mục tiêu đặt ra đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GDP; năm 2030 chiếm 30% GDP; 50% dân số có tài khoản thanh toán điện tử vào năm 2025 và đến năm 2030 là 80% dân số. Theo báo cáo “Nền kinh tế số Đông Nam Á 2020”, tốc độ tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam luôn tăng trưởng ở mức hai con số, dẫn đầu khu vực. Nền kinh tế số tại Việt Nam từ 3 tỷ USD năm 2015 đã tăng lên 12 tỷ USD vào năm 2019 và 14 tỷ USD năm 2020. Dự kiến đến năm 2025 bứt phá lên 52 tỷ USD, bao gồm các lĩnh vực: Thương mại điện tử, du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến và gọi xe công nghệ.
Theo Sách trắng CNTT và truyền thông Việt Nam, công nghiệp CNTT năm 2018 là một trong những ngành kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất cả nước, luôn duy trì mức 2 con số trong suốt 5 năm liền. Tổng doanh thu công nghiệp CNTT đạt hơn 102 tỷ USD (tăng 12,4% so với năm 2017). Trong năm 2019, ngành công nghiệp CNTT-điện tử, viễn thông tiếp tục là ngành kinh tế quan trọng của đất nước với doanh thu hơn 112 tỷ USD, tăng trưởng 9,3% so với năm 2018, giải quyết việc làm cho hơn 1 triệu lao động. Năm 2020, ngành công nghiệp CNTT-điện tử, viễn thông Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc với tốc độ tăng trưởng trung bình 16,23%/năm trong giai đoạn từ 2016- 2020 (tăng 1,8 lần sau 5 năm), trở thành một ngành kinh tế có doanh thu lớn, đóng góp nhiều cho ngân sách nhà nước. Năm 2020, doanh thu ngành công nghiệp điện tử viễn thông đạt 124,678 tỷ USD.
Theo báo cáo "Nền kinh tế số Đông Nam Á 2019" do Google, Temasek và Bain thực hiện, nền kinh tế số Việt Nam năm 2019 trị giá 12 tỷ USD, cao gấp 4 lần so với giá trị của năm 2015 và dự đoán chạm mốc 43 tỷ USD vào năm 2025; đến cuối năm 2021, cũng theo báo cáo của Google, Temasek và Bain & Co. đề cập trong báo cáo mới công bố, nền kinh tế số Việt Nam năm 2021 dự kiến đạt 21 tỷ USD, tăng 31% so với năm 2020, tương đương Malaysia. Dự kiến vào năm 2025, quy mô nền kinh tế số sẽ đạt 57 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) đạt 29%. Vào thời điểm đó, nền kinh tế số Việt Nam sẽ vượt qua Thái Lan (quy mô dự kiến 56 tỷ USD), và bỏ xa Malaysia (35 tỷ USD).
Theo dự báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), năm 2022 sẽ phải là năm kết thúc của đại dịch Covid-19. Theo kịch bản đó, du lịch sẽ bùng nổ, bù lại những ngày dài bị dồn nén trong hai năm qua hầu như không có sự tiêu dùng sản phẩm du lịch và hạn chế tối đa mức độ di chuyển. Hoặc ngay cả trong trường hợp chưa thể chấm dứt hoàn toàn đại dịch thì về cơ bản việc phủ vaccine trên khắp cả nước cùng chủ trương bình thường hóa trong tình hình mới cũng sẽ góp phần khơi thông lĩnh vực du lịch và các ngành kinh tế khác so với năm 2021 vừa qua. Theo đó, kinh tế số sẽ tiếp tục có nhiều cơ hội bứt phá ngoạn mục hơn nữa.
Sở dĩ có thể đưa ra dự báo khả dĩ như trên là vì sự gia tăng sau đây của các ngành, các lĩnh vực như: Thương mại điện tử, giao đồ ăn trực tuyến, thanh toán kỹ thuật số mà các ngân hàng trong cả nước đang đi tiên phong. Tỷ lệ người tiêu dùng sử dụng internet, tham gia mua sắm trực tuyến tăng. Mặt khác, trong thời gian hai năm qua, trong cái không may do đại dịch Covid-19 gây ra, cũng là lúc người tiêu dùng phải thích ứng với việc ứng dụng công nghệ kỹ thuật số. Vậy nên, ngay cả tới đây, khi đại dịch qua đi thì thói quen này được dự báo cũng sẽ không giảm. Hơn thế, nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng đã từng bước phát triển các nền tảng số của mình, bên cạnh việc tiếp tục khai thác có hiệu quả hơn các nền tảng số hiện có của nước ngoài. Vốn đầu tư vào các doanh nghiệp kinh tế số cũng đang tăng nhanh, nguồn vốn nước ngoài tiếp tục chảy vào Việt Nam cũng là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng hệ sinh thái kỹ thuật số phát triển. VD
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét