Thứ Bảy, 22 tháng 1, 2022

Việt Nam đạt được nhiều thành tựu về bình đẳng giới

  Bình đẳng giới là một trong những mục tiêu phấn đấu của các quốc gia trên thế giới nhằm hướng đến một xã hội tiến bộ, bình đẳng và phát triển bền vững. Thực tế cho thấy, cả nam giới và nữ giới đều chịu những tác động từ bất bình đẳng giới, nhưng phụ nữ và trẻ em gái vẫn là nhóm đối tượng chịu nhiều thiệt thòi hơn.

Tại Việt Nam, các mục tiêu bình đẳng giới luôn nhận được sự quan tâm sát sao của Đảng, Chính phủ, các cơ quan cũng như các tổ chức cả trong và ngoài nước. Hệ thống chính sách, pháp luật của nhà nước không ngừng được hoàn thiện, công tác tổ chức được triển khai đồng bộ, quyết liệt cùng với sự tăng cường hợp tác với các đối tác phát triển và các tổ chức của Liên hợp quốc như Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), Ủy ban Địa vị Phụ nữ Liên hợp quốc… để giải quyết các vấn đề xoay quanh bình đẳng giới.
Mục tiêu đặt ra để giải quyết vấn đề ở các khía cạnh: đảm bảo bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, góp phần vào sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Đây cũng chính là những mục tiêu được đề ra trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 24/12/2010.
Đến nay, sau 10 năm thực hiện Chiến lược, Việt Nam đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần thu hẹp khoảng cách giới trong các lĩnh vực, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Điều đó thể hiện trước hết ở việc tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị. Báo cáo số 362/BC-CP ngày 18/8/2020 của Chính phủ về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2019 và giai đoạn 2011-2020 cho thấy, tỷ lệ nữ giới tham gia các cấp ủy Đảng khóa sau đã tăng hơn khóa trước. Cụ thể: Tỷ lệ nữ giới tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI là 8,62%, các Đảng bộ trực thuộc Trung ương là 11,4%, cấp huyện là 14% và cấp cơ sở là 18,1%; tới khóa XII, các tỷ lệ tương ứng đạt lần lượt là 10%, 13,3%, 14,3% và 19,07%. Việt Nam nằm trong nhóm 1/3 các nước đứng đầu về tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, khóa XIII đạt 24,2%, khóa XIV đạt 27,31%.
Kết quả bình đẳng giới còn được thể hiện ở khía cạnh giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm; nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ người dân tộc thiểu số đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động; chú trọng phát triển nguồn nhân lực nữ chất lượng cao. Theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 của Tổng cục Thống kê cho thấy, nữ giới chiếm đến 47,3% lực lượng lao động chính của cả nước. Tính đến tháng 10/2019, có khoảng trên 285,6 nghìn doanh nghiệp do nữ doanh nhân đứng đầu, chiếm 24% tổng số doanh nghiệp cả nước. Tỷ lệ nữ giới biết chữ trong độ tuổi từ 15-60 đạt 97,33%, tỷ lệ nữ thạc sỹ đạt 54,25%, tỷ lệ tiến sĩ đạt 30,8%.
Cùng với đó, đảm bảo bình đẳng giới trong tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và đời sống gia đình cũng gặt hái được nhiều thành tựu. Theo kết quả của Tổng điều tra, tỷ số giới tính khi sinh (SRB) của Việt Nam đã được khống chế ở mức ổn định nhiều nhờ nỗ lực đưa SRB về mức cân bằng tự nhiên với mức 111,5 bé trai/100 bé gái sinh ra sống. Nhờ tính hiệu quả của hệ thống y tế trong việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ trước, trong và sau sinh, tỷ số tử vong của bà mẹ đã giảm từ 69 ca trên 100 nghìn ca sinh sống năm 2009 xuống còn 46 ca trên 100 nghìn ca sinh sống năm 2019. Những nỗ lực giải quyết vấn đề bình đẳng giới còn được lồng ghép trong lĩnh vực văn hóa và thông tin thông qua việc đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức về giới và bình đẳng giới.
Ngoài ra, để nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bình đẳng giới, từ năm 2011 đến khoảng giữa năm 2020, Việt Nam liên tục bổ sung, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý làm cơ sở giải quyết các vấn đề về bình đẳng giới. Cụ thể: Quốc hội đã ban hành Hiến pháp năm 2013, 7 bộ luật, 161 luật; Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 15 pháp lệnh, trong đó có khoảng 45 bộ luật, luật có liên quan đến vấn đề bình đẳng giới; Chính phủ ban hành 1.413 nghị định và đều được xem xét lồng ghép vấn đề bình đẳng giới theo quy định của Luật Bình đẳng giới và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Đặc biệt, hai năm qua, trong các chính sách hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19, phụ nữ, trẻ em luôn được xác định là đối tượng được ưu tiên và có nhiều hỗ trợ cao hơn, đặc biệt là phụ nữ mang thai, phụ nữ bị nhiễm COVID-19, trẻ em mồ côi do bố mẹ bị tử vong do COVID-19... điều này đã góp phần giúp phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống, giảm bớt áp lực và nguy cơ bị bạo lực, xâm hại. Và việc lựa chọn chủ đề “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái” cho Tháng hành động năm nay một lần nữa khẳng định những ưu tiên và cam kết của Việt Nam trong việc thúc đẩy bình đẳng giới thực chất.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét