Thứ Năm, 20 tháng 1, 2022

XUYÊN TẠC THÔNG TIN TRÊN MẠNG INTERNET – NGƯỜI DÙNG MẠNG XÃ HỘI VI PHẠM PHÁP LUẬT VÀ LÍ DO “KHÔNG NGỜ ĐẾN”

 

Gần đây, đã xảy ra không ít vụ việc người sử dụng mạng xã hội vi phạm pháp luật do xuyên tạc thông tin, nhất là thông tin về tình hình phòng chống dịch Covid – 19 ở nước ta. Thực chất của hành vi vi phạm này là việc đưa tin không đúng sự thật trên mạng, làm ảnh hưởng xấu đến xã hội. Có nhiều lí do để họ vi phạm. Có lí do chủ quan, khách quan; do cố tình hoặc vô ý; do âm mưu thù địch, chống phá hoặc bị lợi dụng chống phá… và cả những lí do "không ngờ đến".

Những lí do ấy đều được Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao điều tra, phân tích rõ để làm cơ sở cho quá trình xử lý các vi phạm trên không gian mạng. Hành vi của người vi phạm đều nằm trong sự điều chỉnh của Luật An ninh mạng và pháp luật Việt Nam. Vậy những lí do "không ngờ đến" là gì? Theo tôi, đó chính là những lí do mà người sử dụng mạng xã hội thực sự không ngờ đến hoặc họ cố tình “không ngờ đến”.

Truyền thông, nhất là truyền hình và báo chí đã không ít lần đưa tin về những trường hợp nêu trên. Khi làm việc với cơ quan chức năng, người vi phạm thường viện lý do thiếu hiểu biết về pháp luật. Trong số họ, một số người vẫn lầm tưởng rằng trang mạng xã hội cá nhân là của riêng mình nên mọi tâm tư tình cảm, thậm chí là bực bội đều có thể trút bỏ lên đấy. Khi thấy có thông tin gây sự chú ý thì họ vô tư chia sẻ mà không cần biết nội dung đó là đúng hay sai, thật hay giả, xấu hay tốt. Nực cười khi một số người lại chỉ hướng đến mục đích câu “view”, câu “like" mà không chú ý đến tác hại đối với xã hội, với người khác… Tác hại của việc đưa tin sai sự thật vô cùng khó lường, trong đó một tác hại mà người dùng mạng xã hội cần nhận thấy rõ, đó là, nó có thể biến bạn từ một công dân bình thường thành một kẻ phạm pháp.

Đơn cử một thông tin sai lệch về tình hình Covid ở một địa phương nào đó có thể gây hoang mang đối với nhiều người dân, khiến cho rất nhiều tiểu thương, nông dân… không thể bán hàng, sinh sống, làm việc một cách bình thường được. Rõ ràng người đăng tải, lan tỏa thông tin đã gây hại cho xã hội. Họ phải bị pháp luật điều chỉnh, thậm chí truy tố.

Họ chỉ nhận ra mình đã vi phạm pháp luật khi cơ quan có thẩm quyền xử lý. Họ cho rằng, mình đã “không ngờ đến”. Đúng là chữ “ngờ”. Nếu ai cũng “không ngờ đến” để rồi không chịu trách nhiệm về hành vi của mình? Nếu ai cũng không ngờ để rồi Luật An ninh mạng bị xem thường, lợi ích của những người xung quanh, của xã hội bị xâm phạm???

Hãy làm gì để ngăn chặn sự hiện diện của những lí do “không ngờ đến” như vậy? Một trong những câu trả lời chính xác nhất chính là: Mỗi người dùng mạng xã hội luôn chủ động điều chỉnh hành vi của mình theo đúng Hiến pháp và pháp luật Việt Nam.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét