Bất chấp những thành tựu Việt Nam đạt được, lá bài "nhân quyền" vẫn được các đối tượng chống phá sử dụng để xuyên tạc mọi mặt của đời sống!
Nhận diện thủ đoạn xuyên tạc các thành tựu nhân quyền đã giúp khán giả nhận diện rõ những giọng điệu xuyên tạc, bôi nhọ, vạch mặt những kẻ đứng phía sau và lật tẩy những âm mưu thâm độc.
Quyền con người là những quyền tự nhiên, vốn có của con người được ghi nhận và bảo vệ trong pháp luật quốc gia và các thỏa thuận pháp lý quốc tế. Tại Việt Nam, từ khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến nay, cả hệ thống chính trị Việt Nam đã luôn nỗ lực để bảo đảm quyền con người ở mức cao nhất có thể.
Thế nhưng, có những đối tượng, tổ chức, ngày đêm chống phá, xuyên tạc, bôi nhọ đất nước ta về mọi mặt, trong đó có vấn đề nhân quyền.
Lợi dụng sự khó khăn của đồng bào dân tộc để xuyên tạc
Việt Nam là đất nước đa dân tộc, đa văn hóa với 54 dân tộc anh em. Các dân tộc không phân biệt đa số hay thiểu số, trình độ phát triển cao hay thấp đều ngang nhau về quyền lợi và nghĩa vụ và được bảo đảm bằng Hiến pháp và pháp luật. Thực tế đã cho thấy rõ điều ấy.
Thế nhưng, chính tính đa dân tộc đã được các đối tượng phản động tìm mọi cách khoét sâu, gây chia rẽ, điển hình là những thông tin sai lệch, bịa đặt, vu cáo rằng Đảng, Nhà nước Việt Nam vi phạm quyền của đồng bào dân tộc thiểu số.
Những luận điệu vẫn xuất hiện từ nhiều thập kỷ qua như: Vu cáo Đảng và Nhà nước Việt Nam "Đàn áp tàn bạo", tước đoạt quyền làm người của đồng bào; Bỏ qua những khó khăn khách quan để thổi phồng khoảng cách giàu nghèo.
Thậm chí, những đối tượng xấu còn nhận định các dân tộc thiểu số ở Việt Nam không có tự do, không được quyền có đất đai, hay nói tóm lại là không có quyền gì cả.
Xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đây là mục tiêu cả mà dân tộc Việt Nam hướng tới khi kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.
Những con đường kết nối khu vực miền núi, những công trình nước sạch vùng cao, những ngôi trường nội trú dành riêng cho con em đồng bào… minh chứng cho quan điểm "một xã hội phát triển thực sự vì con người", để không bỏ ai lại phía sau.. chứ không vì phục vụ lợi ích kinh tế.
Thế nhưng, đã có lúc các thế lực xấu, lợi dụng chính những điều tốt đẹp này để thực hiện những mưu đồ chống phá.
Theo nghiên cứu của các chuyên gia về vấn đề nhân quyền, có một số thủ đoạn chính mà các thế lực thù địch thường sử dụng để chống phá chế độ về các vấn đề liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số.
Đó là lợi dụng sự khó khăn khách quan của đồng bào dân tộc; lợi dụng một số phong tục, tập quán còn lạc hậu của bà con; trích dẫn các báo cáo không có căn cứ của các tổ chức quốc tế về tình hình nhân quyền ở Việt Nam.
Nguy hiểm nhất, là họ đồng nhất khái niệm quyền dân tộc tự quyết là quyền của quốc gia, dân tộc với quyền của các dân tộc thiểu số để kích động, lôi kéo bà con đòi thành lập nhà nước riêng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Kích động gây chia rẽ các dân tộc, tôn giáo
Tháng trước, tài khoản Youtube của tổ chức phản động lưu vong Việt Tân lan truyền clip rêu rao rằng chính quyền sách nhiễu một thánh lễ ở Vụ Bản, Hòa Bình. Không ít tài khoản Facebook hùa theo đơm đặt là chính quyền bố trí cả công an để trấn áp. Với những lời lẽ kích động, họ thổi phồng rằng cấp ủy, chính quyền xâm phạm tự do tôn giáo.
Là người có mặt tại buổi mục vụ hôm 20/2, bà Đào Thị Vụ cho biết thực chất chỉ có Bí thư và Phó Chủ tịch thị trấn với tư cách là Ban Chỉ đạo phòng chống dịch ở địa phương đến đề nghị nhà thờ thực hiện đúng các qui định để đảo bảo an toàn cho người dân. Sự thật đã bị bóp méo với ý đồ xấu.
Hình ảnh về hoạt động của lực lượng liên ngành phòng chống dịch tại xã Yên Lâm, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang được các trang thiếu thiện chí của nước ngoài đăng tải cùng những lời lẽ đầy áp đặt.
Sự việc xảy ra vào tháng 12 năm ngoái, khi địa phương này phát hiện người lái xe chở thi hài Dương Văn Mình từ bệnh viện về nhà bị dương tính với SARS-CoV-2. Dương Văn Mình là kẻ đứng đầu tổ chức tổ chức bất hợp pháp mang tên y xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, kích động ly khai để thành lập nhà nước Mông tự trị.
Rõ ràng sự thật không như những điều đơm đặt. Lúc đó, việc truy vết và đưa những người F1 đi cách ly đó là quy định.
Ở Việt Nam quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của các công dân; các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Tôn trọng và bảo đảm hoạt động của các tôn giáo nhưng cũng giống như nhiều quốc gia khác, Việt Nam không chấp nhận việc lợi dụng vấn đề này để xuyên tạc, kích động li khai, chia rẽ các dân tộc, tôn giáo, gây rối trật tự công cộng, xâm hại đến an ninh quốc gia.
Lấy trẻ em, người khuyết tật để che chắn cho luận điệu chống phá
Cùng với tấn công vào quyền của các dân tộc thiểu số, các đối tượng thù địch cũng đưa ra các luận điệu xuyên tạc việc thực hiện quyền trẻ em tại Việt Nam. Trẻ em không chỉ là lực lượng đông đảo của hiện tại, mà còn là nguồn nhân lực và là chủ nhân tương lai của đất nước. Lợi dụng quyền trẻ em thì dễ tạo nên những phản ứng, bức xúc trong xã hội.
Thủ đoạn phổ biến nhất, đó là thổi phồng những sự vụ riêng lẻ, thậm chí khách quan, để đổ lỗi cho cả thể chế. Như Đài Á Châu tự do, từ những vụ trẻ em bị đuối nước, chúng tung ra luận điệu "Những trẻ em Việt Nam bị mất quyền sống".
Nêu một số vụ bạo hành, xâm hại tình dục, tổ chức khủng bố Việt Tân thì ỡm ờ: "Một thể chế tử tế hay không thể hiện ở chỗ trẻ em có được sống tử tế và được nghiêm ngặt bảo vệ hay không".
Xỉa xói Việt Nam là thế, nhưng các cá nhân, tổ chức này lại lờ đi những thực tế khác, cho thấy một tiêu chuẩn kép. Như là cứ 5 trẻ ở châu Âu thì có 1 em là nạn nhân của một hình thức xâm hại tình dục; hay tại một quốc gia nơi sở hữu súng là hợp pháp, năm 2020, có trên 5.100 trẻ em và thiếu niên dưới 17 tuổi bị giết hoặc bị thương. Hãy thừa nhận rằng, mảng tối, khiếm khuyết luôn tồn tại, kể cả trong những thể chế được cho là thượng tôn pháp luật nhất, dân chủ nhất.
Do đó, nếu đánh giá, hãy toàn diện, khách quan, chứ xuyên tạc, dẫn dắt dư luận với ý đồ đen tối thì sớm muộn gì cũng bị lôi ra ánh sáng.
Tấn công quyền trẻ em còn chưa đủ, các lực lượng chống đối còn nhẫn tâm đưa cả người khuyết tật ra che chắn cho luận điệu chống phá mình. Trở lại với thời điểm dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, tại thành phố Hồ Chí Minh xảy ra một vụ tự thiêu. Ngay lập tức các đối tượng thù địch lu loa rằng "Chống dịch hay chống dân" và đây là vụ việc người dân tự thiêu để phản đối cách thức chống dịch của chính quyền. Thực tế thì đây là trường hợp người tự thiêu do bệnh lý thần kinh, không kiểm soát được hành vi.
Hay cũng vào thời điểm ấy, tổ chức theo dõi Nhân quyền, tận dụng một tài liệu miễn phí của nước ngoài, dịch ra tiếng Việt, ý muốn nói, Việt Nam phải làm thế này, thế kia để bảo vệ người khuyết tật.
Thế nhưng, dù tài liệu nêu rất nhiều điều cần làm cho người khuyết tật, nhưng điều quan trọng nhất là tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho họ thì chẳng có dòng nào. Trong lúc đó, Chính phủ Việt Nam đã đưa hàng triệu mũi tiêm vaccine đến với người khuyết tật.
Hay như đề nghị: Cần thông tin bằng ngôn ngữ ký hiệu trên TV cho người khuyết tật. Xin thưa là Việt Nam đã làm điều này trong gần 2 thập kỷ rồi, chứ không cần phải chỉ dạy mới bắt đầu làm.
Và còn rất nhiều những ví dụ khác cho thấy, tại Việt Nam, dù khó khăn còn nhiều, nhưng bảo đảm quyền cho người khuyết tật luôn được nỗ lực thực hiện. Bởi tại Việt Nam, có câu nói: Không để ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển.
Tại sao chiêu bài "nhân quyền" lại được dùng nhiều đến như vậy?
Bất chấp những thành tựu Việt Nam đạt được, lá bài "nhân quyền" vẫn được các đối tượng sử dụng để xuyên tạc mọi mặt của đời sống như Việt Nam không bảo vệ quyền trẻ em, vi phạm quyền của đồng bào dân tộc thiểu số, quyền của người khuyết tật.
Vẫn chưa đủ, khi Nhà nước Việt Nam phòng chống dịch COVID-19, bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân, họ cáo buộc vi phạm nhân quyền. Chấm dứt hoạt động của các tà giáo, tổ chức tôn giáo bất hợp pháp… vi phạm nhân quyền. Rồi xét xử những kẻ vi phạm pháp luật Việt Nam, cũng vi phạm nhân quyền nốt. Những luận điệu lợi dụng nhân quyền lặp đi lặp lại nhiều đến mức lố bịch. Thế nhưng tại sao chiêu bài nhân quyền lại được dùng nhiều đến như vậy? Câu trả lời rất đơn giản, đây là một trong những mũi tấn công nguy hiểm nhất.
Một thủ đoạn đáng lưu ý là việc trao giải thưởng và danh hiệu cho các đối tượng trong nước. Một số ví dụ, đó là những giải thưởng nhân quyền, hay giải thưởng tự do báo chí. Nhưng sự thực, đứng sau giải thưởng này là một số tổ chức dưới danh nghĩa nhân quyền, tự tạo nên các giải thưởng mà tiêu chí là thành tích chống phá càng dày thì càng có khả năng được trao giải.
Kết quả, là hầu hết những người được đề cử và trao giải, đến từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ, lại chính là những đối tượng có hoạt động chống lại lợi ích quốc gia và dân tộc ở quốc gia của họ.
Cùng với cổ súy cho những kẻ vi phạm pháp luật, những tổ chức nhân quyền thiếu thiện chí liên tục vu cáo, bôi nhọ Đảng, Nhà nước Việt Nam trên lĩnh vực nhân quyền. Như Báo cáo mới nhất của Tổ chức theo dõi nhân quyền liệt kê hàng loạt vi phạm về quyền con người như tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, quyền của phụ nữ và trẻ em.
Tổ chức Ngôi nhà tự do thì hoang tưởng với luận điệu "Việt Nam không có tự do internet". Tổ chức phóng viên không biên giới thì nhai lại điệp khúc cũ mèm: "Việt Nam chẳng quan tâm gì đến tự do báo chí".
Nhưng nếu tình hình nhân quyền tại Việt Nam tệ đến thế, thì tại sao vào năm 2013, 184/193 nước bỏ phiếu bầu Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc cho nhiệm kỳ 2014 - 2016. Lý do gì Liên hợp quốc đánh giá cao và ủng hộ những nỗ lực, sáng kiến của Việt Nam trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. Đánh giá về nhân quyền của Việt Nam, cần có sự khách quan, trung thực, chứ những tổ chức đội lốt "nhân quyền", có cái nhìn thù hằn, thiếu thiện chí thì làm gì đủ tư cách.
Nhân quyền được coi là một vấn đề thường xuyên được các thế lực thù địch lợi dụng để đẩy mạnh chống phá. Bởi "Nhân quyền", cùng với các chiêu trò "Dân chủ", "Dân tộc", "Tôn ցiáo", trở thành 4 đòn đột phá, 4 mũi xunց kích gây chuyển hóa từ bên trong, và tạo cớ để can thiệp từ bên ngoài nhằm phá hoại cách mạng Việt Nam.
Thực tế, các tổ chức, đối tượng này không quan tâm gì đến những tiến bộ về nhân quyền. Điều chúng mong muốn, đó là vẽ nên diện mạo xấu xí của một đất nước Việt Nam, nơi mà khái niệm dân chủ, nhân quyền không tồn tại, để rồi từ đó, hướng tới những mục đích sâu xa và thâm độc hơn.
Chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. Trên cơ sở này, Việt Nam đã nghiêm túc triển khai các nghĩa vụ và cam kết quốc tế trong lĩnh vực quyền con người, cũng như ưu tiên dành nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống, đảm bảo các quyền dân sự chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của mọi đối tượng trong xã hội.
Cũng như các nước trên thế giới, pháp luật Việt Nam cũng có những quy định cấm các tổ chức, cá nhân phá hoại độc lập và đoàn kết dân tộc. Bất kỳ hành vi nào lợi dụng quyền tự do của bản thân để xâm phạm lợi ích Nhà nước, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân đều chịu xử lý của pháp luật và trật tự. Pháp luật được thượng tôn thì kỷ cương của đất nước được giữ vững, tạo cơ sở cho sự phát triển ổn định của đất nước, và cũng là tiền đề thúc đẩy, bảo đảm và phát huy các giá trị về quyền con người.
Mỗi đất nước có quyền lựa chọn con đường riêng của mình, tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của các quốc gia đó. Không thể chấp nhận được việc áp đặt, xuyên tạc, vu cáo dân chủ, nhân quyền của quốc gia khác vì đó là xâm phạm vào công việc nội bộ của một quốc gia. Cũng như vậy, việc ủng hộ, dung túng, cổ vũ những hành vi chống đối dựa vào tấm áo khoác nhân quyền là điều cần phải lên án và loại bỏ./.
Yêu nước ST.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét