Hạn chế "nhân tai" để giảm thiệt hại do thiên tai
Nước ta có hệ thống đê điều lớn với khoảng 9.300km đê sông và đê biển.
Những năm qua, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT)
đã quan tâm bố trí kinh phí cho các địa phương thực hiện duy tu, cải tạo, xử lý
những hư hỏng của đê điều.
Thế nhưng thực tế cho
thấy, hiện nay, tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều đang diễn ra khá phổ biến ở nhiều địa
phương, khi mùa mưa đã cận kề; tại những đoạn đê qua các khu đô thị, khu tập
trung đông dân cư, khu vực có mỏ vật liệu xây dựng và bến bãi tập kết, trung
chuyển vật liệu...làm ảnh hưởng đến an toàn đê.
Trước tình trạng này, Vụ Quản lý đê
điều, Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) đã tham mưu và
thường xuyên phối hợp với các ngành, địa phương kiểm tra, đôn đốc chấn chỉnh,
xử lý các vi phạm nhằm bảo đảm an toàn đê điều, bảo vệ thành quả đầu tư. Tuy
nhiên, việc ngăn chặn, xử lý vi phạm còn hạn chế, số vụ tồn đọng chưa được xử lý
hoặc xử lý chưa dứt điểm còn nhiều, với khoảng 70% số vụ vi phạm. Thực trạng
này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng đáng nói nhất là còn tình trạng lãnh
đạo một số địa phương chủ quan, nhận thức chưa đầy đủ dẫn đến thiếu quan tâm,
chưa coi trọng công tác quản lý, bảo vệ an toàn đê.
Có câu “thiên tai không
bằng nhân tai”, ý nói rằng, hậu quả từ những hành vi thiếu trách nhiệm của con
người có thể lớn hơn nhiều so với thiên nhiên gây ra. Hơn nữa, dù thiên tai
khốc liệt, khó lường nhưng con người vẫn có thể hạn chế thiệt hại nhờ các giải
pháp phòng ngừa, kiểm soát rủi ro và chủ động trong ứng phó. Năm 2021, mặc dù
hứng chịu nhiều thiên tai trong bối cảnh vừa phải đối phó với dịch Covid-19
nhưng nước ta đã hạn chế tối đa được thiệt hại nhờ thực hiện tốt các giải pháp,
phương châm trong phòng, chống thiên tai.
Cụ thể, năm 2021, cả nước hứng chịu 841
trận thiên tai, làm 108 người chết, mất tích, 95 người bị thương; giá trị thiệt
hại ước tính hơn 5.200 tỷ đồng. Năm 2020, tổng số người thiệt mạng và mất tích
do thiên tai gây ra là 357 người, thiệt hại về kinh tế lên tới 39.945 tỷ đồng
(gấp gần 8 lần năm 2021)... Thế nhưng, chỉ cần một địa phương chủ quan, sơ hở
để vỡ một mét đê xung yếu cũng có thể nhấn chìm cả một vùng rộng lớn, cuốn đi
mọi thành quả phát triển, thiệt hại khôn lường về con người và của cải vật
chất.
Nhằm hạn chế những tình huống xấu, rủi
ro xảy ra, công tác phòng, chống thiên tai nói chung và quản lý, bảo vệ đê điều
nói riêng phải luôn được các ngành, các cấp, các địa phương quan tâm. Để tăng
cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo vệ an toàn đê điều, cơ quan chức
năng và cấp ủy, chính quyền các cấp cần phát huy tinh thần trách nhiệm, chủ
động, tích cực đấu tranh ngăn chặn, xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp
luật, trong đó chú trọng mở các đợt cao điểm xử lý vi phạm, nhất là những vụ
nổi cộm để xem xét xử lý nghiêm minh, kịp thời...
Một vấn đề quan trọng là nhận thức và ý chí của người đứng đầu các địa phương. Muốn quản lý tốt, bảo vệ đê điều an toàn, lãnh đạo các địa phương cần quan tâm, coi trọng công tác này, kịp thời ngăn chặn, xử lý kiên quyết, dứt điểm vi phạm ngay từ khi mới phát sinh; cần gắn trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong việc để xảy ra vi phạm và kết quả xử lý vi phạm về đê điều.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét