Thời gian gần đây, dư luận truyền thông lại rộ lên chuyện một số tác phẩm văn học nghệ thuật (VHNT) sau khi được hội đồng chuyên môn xét, đề nghị trao giải thưởng thì tác giả bị tố là “đạo văn”.
Sự việc này khiến truyền
thông dậy sóng, môi trường sáng tạo VHNT bị ảnh hưởng xấu. Giới chuyên môn và
các cơ quan liên quan phải tốn nhiều thời gian, công sức để điều tra, kết luận
nhằm xử lý...
Một vấn đề được dư luận
đặt ra là, liệu vấn nạn “đạo văn” chỉ xảy ra ở một số tác phẩm được xét trao
giải hay đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm? Còn bao nhiêu tác phẩm, công
trình nghiên cứu, luận văn, luận án... có hành vi tương tự chưa bị phát hiện?
Và trên thực tế, có bao nhiêu danh xưng, danh hiệu cao quý dành cho nhà văn,
nghệ sĩ, trí thức... đã được trao tặng những người không thực sự xứng đáng? Khi
những đối tượng này được phong học hàm, học vị, danh hiệu, giải thưởng... nhờ
vào các hành vi không trong sáng, hậu quả đối với xã hội sẽ thế nào?... Ai cũng
hiểu, tác động của nó đối với đời sống xã hội, tương lai đất nước là vô cùng
nguy hại.
Bàn đến vấn đề này, nhà thơ Nguyễn Quang
Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng, vi phạm bản quyền là hành vi ăn
cắp tri thức. Nó thực rất tồi tệ trong đời sống VHNT và giới trí thức.
Chuyện đánh cắp tri thức không phải đến
bây giờ mới diễn ra, mà nó đã tồn tại âm ỉ lâu nay. Bởi đây là môi trường của
nguồn lực tinh hoa, mang tính lao động đặc thù, nhạy cảm, nên khi vụ việc nào
đó được phát hiện, dư luận luôn dành sự quan tâm đặc biệt. Tham nhũng về vật
chất gây hậu quả trực tiếp về kinh tế, nhưng đánh cắp tri thức là một kiểu tham
nhũng gây hậu quả lâu dài, nặng nề về văn hóa, phát triển. Tuy nhiên, chế tài
xử lý những hành vi này cho đến nay vẫn chưa thực sự đủ sức răn đe. Những đối
tượng vi phạm, khi có đủ căn cứ xử lý theo kết luận của cơ quan chức năng, mới
chỉ dừng lại ở việc thu hồi danh hiệu, giải thưởng, bằng cấp...
Hành trình nghiên cứu, sáng tạo cho phép
các chủ thể tận dụng những tác phẩm, công trình đã được công bố để kế thừa,
phát triển, vươn tới những đỉnh cao phía trước. Trên thực tế, biên độ giữa kế
thừa, vận dụng, tiếp biến, phát triển... và việc lấy cái của người khác làm cái
của mình nhiều khi rất khó phân định rạch ròi, nhất là trong sáng tạo VHNT. Thế
nên tình trạng “chôm” ý tưởng, sửa đổi câu từ, “thêm mắm thêm muối” vào tác
phẩm của người khác để “xào nấu”, “chế biến” thành tác phẩm của mình vẫn diễn
ra không ít. Đó là kiểu đánh cắp tri thức một cách tinh vi, rất nguy hại.
Lao động nghiên cứu, sáng tạo, trước hết
đó là công cụ và sản phẩm của một môi trường văn hóa thuộc thượng tầng kiến
trúc, có tính phổ quát rất cao. Dù chế tài pháp luật khó có thể can thiệp đến
mọi ngóc ngách của đời sống văn hóa trí thức, song nó lại được điều chỉnh bởi
đạo đức nghề nghiệp, đạo đức xã hội và chịu can thiệp sâu sắc bằng chính sự tác
động của môi trường đặc thù, đặc biệt ấy. Bất cứ hành vi phản văn hóa nào xảy
ra trong môi trường văn hóa ấy đều phải trả giá rất đắt. Khi sự việc bị đưa ra
ánh sáng, sự mất mát về uy tín, danh dự, phẩm giá... nhiều khi còn đáng sợ hơn
cả một bản án của tòa án.
Cánh cửa của tri thức, danh tiếng không
đóng với bất kỳ ai, nhưng nó chỉ thực sự mở rộng khi bạn là một người có văn
hóa và mở nó bằng một hành vi văn hóa.
Muốn người ta không chê cười thì đừng
làm điều xấu!
Những cái gì không phải của mình thì
đừng lấy!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét