Thứ Tư, 30 tháng 3, 2022

Thực chất của cái gọi là “bất tuân dân sự”

 Thuật ngữ “bất tuân dân sự” lần đầu tiên xuất hiện vào tháng 5/1849 trong tập tiểu luận của Henry David Thoreau, nhà văn, nhà tư tưởng người Mỹ với nhan đề “Dân sự bất hợp tác”. Nội dung cơ bản bàn về mối quan hệ giữa cá nhân hoặc thiểu số công dân với nhà nước. Theo đó, cá nhân hoặc thiểu số công dân có thể không tuân thủ, không phục tùng nhà nước; thậm chí, có thể thực hành chống lại luật pháp của nhà nước nếu cảm thấy những điều luật đó không phù hợp với người dân, kể cả là với thiểu số, bằng phương pháp “cách mạng hòa bình”.

Theo giải thích của Từ điển mở Wikipedia “Bất tuân dân sự là các hoạt động, công khai từ chối tuân theo một số luật lệ nhất định, yêu cầu và lệnh của chính phủ, hoặc của một quyền lực quốc tế chiếm đóng… Bất tuân dân sự đôi khi, mặc dù không phải luôn luôn, được định nghĩa như là phản kháng bất bạo động”. Như vậy, “bất tuân dân sự” có thể nói về cơ bản là thể hiện tư tưởng cực đoan vô Chính phủ, hầu như không được nhà nước pháp quyền nào thừa nhận ngoại trừ những thế lực muốn lợi dụng nó để chống lại nhà nước pháp quyền. Hành vi phản kháng, không tuân thủ, không phục tùng những điều luật đã được ban hành; được thực hiện thông qua hình thức bất bạo động thể hiện sự coi thường kỷ cương, pháp luật, trái với các nguyên tắc của nhà nước pháp quyền trong một xã hội văn minh. Khi hướng tới mục tiêu chính trị, “bất tuân dân sự” là bước khởi đầu của một cuộc “cách mạng mềm” nhằm thay đổi chế độ chính trị đang tồn tại hoặc lực lượng chính trị đang nắm quyền. Vì vậy, về bản chất, đây là hành vi vi phạm pháp luật.

Trên thực tế, những vụ bất tuân dân sự lớn, sớm nhất được thực hành bởi người Ai Cập chống lại sự chiếm đóng của Anh trong cuộc cách mạng Ai Cập năm 1919. Nó đã được sử dụng trong nhiều phong trào phản kháng bất bạo động tại nhiều quốc gia, như: chiến dịch của M. Gan-đi để giành độc lập từ đế quốc Anh ở Ấn Độ; cuộc chiến chống phân biệt chủng tộc của N. Man-đê-la ở Nam Phi; “cách mạng nhung” ở Tiệp Khắc và Đông Đức; “cách mạng ca hát” ở các nước vùng Ban-tích (thuộc Liên Xô) vào những năm cuối thế kỷ XX. Trong những năm đầu thế kỷ XXI, hình thức này được thực hiện trong “cách mạng hoa hồng” ở Gru-zi-a (năm 2003), “cách mạng cam” ở U-crai-na (năm 2004), “Mùa xuân Ả Rập” ở các nước Trung Đông và Bắc Phi đầu những năm 2010, v.v.

          Vì vậy, chúng ta cần phải nâng cao cảnh giác, nhận diện đúng bản chất của thuật ngữ “bất tuân dân sự” và mối liên hệ giữa “bất tuân dân sự” với “xã hội dân sự” và các thủ đoạn khác trong chiến lược “diễn biến hòa bình”. Nâng cao cảnh giác trước những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động lợi dụng dưới các chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền”, “tôn giáo”… để dụ dỗ, kích động, lôi kéo mọi người tham gia các hoạt động “bất tuân dân sự” và khi thời cơ đến kêu gọi kết hợp đấu tranh bất bạo động với bạo động để chống chính quyền, chuẩn bị cho mục tiêu cao hơn.



 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét