Bản lĩnh chính trị vững vàng là một phẩm chất quyết định sự sống còn và thành công của mỗi cán bộ, đảng viên và của Đảng, song đó là kết quả của một quá trình giáo dục, bồi dưỡng, học tập và rèn luyện thường xuyên, kiên trì, bền bỉ trong thực tiễn. Thực tế cho thấy, về cơ bản, đội ngũ cán bộ, đảng viên có lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, lối sống giản dị, gương mẫu, có ý thức tổ chức kỷ luật, luôn tu dưỡng, rèn luyện, trình độ, năng lực chuyên môn để làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Đặc biệt, nhiều cán bộ, đảng viên với bản lĩnh chính trị vững vàng, luôn “kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có tư duy đổi mới, có khả năng hoạch định đường lối, chính sách và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện” đã năng động, sáng tạo, đi đầu trong mọi lĩnh vực, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm với những công việc khó, mới trong xu thế toàn cầu hóa. Đó có thể là những điều chưa có trong sách vở nhưng đang xảy ra trong thực tiễn và khi đã nghĩ “là đúng” thì phải dấn thân để làm, quyết tâm làm để đưa cái đúng vào cuộc sống; đồng thời, lấy kết quả cuối cùng để chứng minh và bảo vệ mình, tổ chức mình.
Tuy nhiên, trước những tác động từ mặt trái của cơ chế thị
trường, những khó khăn, phức tạp nảy sinh trong quá trình hội nhập, đặc biệt là
với các thủ đoạn tinh vi và sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch,
phản động, đã có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn
luyện đạo đức cách mạng; lập trường tư tưởng không vững vàng nên hoang mang,
dao động trước những tác động từ bên ngoài về lý tưởng cách mạng của người cộng
sản, giảm sút ý chí, niềm tin về chủ nghĩa xã hội, về con đường đi lên chủ
nghĩa xã hội ở Việt Nam; mang nặng chủ nghĩa cá nhân vị kỷ: độc đoán, chuyên
quyền, lạm dụng quyền lực, chạy bằng cấp, chạy quy hoạch, chạy chức, chạy quyền
và nhất là bị cám dỗ bởi các lợi ích vật chất nên đã vi phạm pháp luật, đã bị
khai trừ khỏi đảng và vướng vòng lao lý, ... Cùng với đó, một bộ phận cán bộ,
đảng viên phai nhạt lý tưởng cách mạng; dao động, giảm sút niềm tin vào chủ
nghĩa xã hội, vào mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì thế mà hoài
nghi, thiếu tin tưởng và nhất là không thiết tha với việc học tập chủ nghĩa Mác
- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng,
chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bộ phận cán bộ, đảng viên này đã không chủ
động, tự giác, tích cực kiên quyết đấu tranh với những quan điểm sai trái, luận
điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động mà đôi khi và thậm chí còn
cổ súy, phụ họa “té nước theo mưa” cho một số quan điểm sai trái, lệch lạc,...
Nguy hiểm hơn là trong thực tế, đã có không ít cán bộ trẻ thiếu bản lĩnh, ngại
rèn luyện. Một bộ phận không nhỏ cán bộ phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, làm
việc hời hợt, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối
sống, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
V.I.Lênin đã từng chỉ rõ, các thế lực thù địch không thể đánh đổ
được những người cộng sản, trừ chính những sai lầm của chính mình và “không một
ai trên thế giới này có thể làm mất được uy tín của những người Mácxít cách
mạng nếu họ không tự làm mất uy tín của họ”. Điều đó có nghĩa là, việc rèn
luyện bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên không chỉ có vai trò
quan trọng để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, xây dựng Đảng trong sạch, vững
mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức mà còn có ý nghĩa to lớn đối
với sự phát triển của mỗi cán bộ, đảng viên nói riêng và của công tác cán bộ,
công tác đảng viên nói chung. Vì thế, để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả
công tác rèn luyện bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, cần thấm
nhuần và thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, mỗi cấp ủy không chỉ phải nâng cao hơn nữa
nhận thức về tầm quan trọng của việc phải thường xuyên, liên tục rèn luyện bản
lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên mà còn phải coi đó là yêu cầu vừa bức
thiết vừa thường xuyên của công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Gắn
việc rèn luyện để nâng cao bản lĩnh chính trị với việc phát huy tính tiền
phong, gương mẫu, thống nhất giữa nói và làm của cán bộ, đảng viên nói chung,
đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt và người đứng đầu nói riêng. Thông qua việc
chú trọng “xây dựng và thực hiện tốt các quy định để phát huy vai trò gương mẫu
trong rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách, tác phong, lề lối công
tác của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp, người đứng đầu các
cơ quan, đơn vị”, từng bước đẩy lùi, ngăn chặn các nguy cơ “tự diễn biến”, “tự
chuyển hóa” trong Đảng, góp phần nâng cao uy tín lãnh đạo của Đảng, năng lực và
sức chiến đấu của Đảng nói chung, đội ngũ cán bộ, đảng viên nói riêng.
Hai là, mỗi cấp ủy cần xây dựng chương trình, kế
hoạch cụ thể, sát thực tiễn để quán triệt, thực hiện tốt hơn nữa các nghị
quyết, quy định của Đảng về học tập lý luận chính trị; trong đó, tập trung thực
hiện Quy định số 54-QĐ/TW của Bộ Chính trị về chế độ học tập lý luận chính trị
trong Đảng; Quy định số 164-QĐ/TW của Bộ Chính trị về chế độ bồi dưỡng, cập
nhật kiến thức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; Nghị quyết số 32-NQ/TW
của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi
dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý,... Theo đó, hệ thống các
trường chính trị từ Trung ương đến địa phương cần tiếp tục đổi mới chương
trình, nội dung và phương pháp để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng về lý
luận chính trị; trong đó, chú trọng xây dựng và tổ chức thực hiện các chương
trình đào tạo, bồi dưỡng thiết thực, hiệu quả, phù hợp từng đối tượng, phù hợp
điều kiện đặc thù của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, đáp ứng yêu cầu của
thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Ba là, việc đánh giá bản lĩnh chính trị của cán bộ, đảng viên nói
chung, cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt nói riêng phải căn cứ vào đặc thù từng
lĩnh vực, từng địa phương, cơ quan, đơn vị mà họ công tác. Do đó, cùng với việc
đội ngũ cán bộ, đảng viên các cấp tiếp tục gắn thực hiện Nghị quyết Trung ương
4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng;
ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những
biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” với Chỉ thị
05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy
mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và
các Quy định về nêu gương là việc các cấp ủy từ Trung ương đến địa phương phải
xây dựng các tiêu chí để đánh giá, xếp loại cán bộ, đảng viên phù hợp bối cảnh
đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng. Khi xem xét, đánh giá phải dựa vào tiêu
chí, nội dung đăng ký thực hiện và kết quả công tác của mỗi người; thống nhất
giữa đánh giá bản lĩnh chính trị với kết quả thực thi nhiệm vụ, gắn đánh giá
đạo đức công vụ với đánh giá kết quả thực thi công vụ, đảm bảo hiệu quả thực sự
trong đánh giá, xếp loại cán bộ, đảng viên hằng năm, khắc phục triệt để cách
đánh giá cán bộ, đảng viên một cách chung chung, hình thức, dĩ hòa vi quý...
Thông qua đó, tạo động lực để cán bộ, đảng viên phấn đấu vươn lên, rèn luyện
bản lĩnh chính trị, kiên định, kiên trì và năng động, sáng tạo hoàn thành nhiệm
vụ được giao.
Bốn là, phát huy tính tích cực, tự giác trong rèn
luyện bản lĩnh chính trị của mỗi cán bộ, đảng viên, trong đó cán bộ cấp càng
cao càng phải gương mẫu rèn luyện bản lĩnh chính trị, nghiêm khắc với bản thân
mình. Đồng thời, cấp ủy các cấp chú trọng xây dựng cơ chế để mỗi người đều phải
nỗ lực rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí
Minh: “Học lúc ra thực hành mới vững chắc, hăng hái, lúc gặp khó khăn mới kiên
quyết, hy sinh để tu dưỡng đạo đức cách mạng: Có đạo đức cách mạng thì mới hy
sinh tận tụy với cách mạng, mới lãnh đạo được quần chúng đưa cách mạng tới
thắng lợi hoàn toàn. Học để tin tưởng: Tin tưởng vào Đoàn thể. Tin tưởng vào
nhân dân. Tin tưởng vào tương lai của dân tộc. Tin tưởng vào tương lai của cách
mạng”. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện, môi trường, các phong trào thi đua, các
cuộc vận động để cán bộ, đảng viên trải nghiệm, tự giác rèn luyện để nâng cao
bản lĩnh chính trị. Qua đó, không chỉ giúp họ tự mình tu dưỡng, phấn đấu, nâng
cao phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ, năng lực công tác đáp ứng yêu cầu
của tình hình và nhiệm vụ cách mạng mà còn góp phần nâng cao chất lượng công
tác cán bộ, nhất là xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đáp ứng yêu cầu của
tình hình và nhiệm vụ.
Năm là, cùng với việc nâng cao chất lượng đội ngũ
đảng viên, đội ngũ cán bộ của Đảng là việc thực hiện tốt quy trình, quy hoạch
đội ngũ cán bộ và tạo môi trường cho cán bộ, đảng viên, đội ngũ lãnh đạo, quản
lý chủ chốt được thử thách, rèn luyện bản lĩnh chính trị. Thực tế cho thấy, bản
lĩnh chính trị của cán bộ, đảng viên có điều kiện bộc lộ rõ khi được trải
nghiệm trong môi trường thực tiễn nhiều thử thách, có độ phức tạp và nhạy cảm
về chính trị, cho nên, cần thực hiện tốt việc luân chuyển cán bộ, đảng viên
trong diện quy hoạch, nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các
cấp, để đào tạo, bổ sung kiến thức lý luận và kinh nghiệm hoạt động thực tiễn
cho họ, nhất là trước các kỳ đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội của Đảng. Trong
đó, chú trọng thực hiện “cơ chế phát hiện, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố
trí cán bộ có bản lĩnh, năng lực nổi trội và triển vọng phát triển vào vị trí
lãnh đạo, quản lý, kể cả vượt cấp, nhất là cán bộ trẻ” và “xây dựng kế hoạch cụ
thể để luân chuyển, điều động giữ vị trí cấp trưởng, phù hợp với chức danh quy
hoạch ở địa bàn khó khăn, lĩnh vực trọng yếu, nơi triển khai mô hình mới để thử
thách, rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, nhân sinh quan cách mạng, năng
lực lãnh đạo toàn diện của cán bộ” theo đúng tinh thần Nghị quyết 26-NQ/TW khóa
XII về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các
cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm
vụ” gắn liền với công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Đặc biệt, chú ý
những địa bàn, lĩnh vực trọng yếu, nhiều khó khăn, thử thách, nhạy cảm và phức
tạp để thông qua đó, rèn luyện những cán bộ trẻ có triển vọng phát triển, được
quy hoạch và dự kiến bổ nhiệm giữ trọng trách cao, để kịp thời sàng lọc, loại
bỏ những cán bộ “đẹp hồ sơ” nhưng lập trường chính trị, phẩm chất chính trị và
năng lực chính trị không tương xứng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét