So với vài thập niên trước đây, văn hóa Việt Nam hiện nay, ở tất cả các dạng hoạt động và với tất cả các loại hình của nó, đều có những thay đổi, theo cả hai chiều tích cực và tiêu cực.
Kể từ khi tham gia Thập kỷ quốc tế về văn hóa trong phát triển (1986-1997), đặc biệt kể từ khi thực hiện Nghị quyết TW 5 khóa VIII năm 1998 về văn hóa, văn hóa, Việt Nam đã có những bước phát triển đạt tới chất lượng và diện mạo khác nhiều so với trước đó.
Vượt ra khỏi khuôn khổ thế giới quan và phương pháp luận về văn hóa giai đoạn trước kia, ngày nay văn hóa không còn bị xem là sản phẩm thụ động của đời sống kinh tế, của cơ sở hạ tầng, mà đã trở thành nhân tố bên trong, là cái quy định hành vi và hoạt động của con người, thậm chí quy định cả diện mạo sự phát triển ở phạm vi quản lý, điều hành chính sách của Đảng và Chính phủ Việt Nam, và ở cả phạm vi hoạt động thường ngày của mỗi con người. Quan điểm mới này về văn hóa đem lại cho con người và các tổ chức xã hội khả năng can thiệp, giải quyết các vấn đề xã hội bằng nguyên nhân văn hóa, điều mà trước kia chưa được quan tâm. Chức năng điều tiết của văn hóa cũng được thực hiện một cách thầm lặng và đôi khi nằm ngoài sự tính toán.
Quan điểm đổi mới của Đảng, Nhà nước Việt Nam và toàn thể xã hội về văn hóa, coi văn hóa là nền tảng tinh thần của đời sống xã hội, là mục tiêu và là động lực của sự phát triển, mặc dù trên bề mặt xã hội có vẻ sáo mòn, không mấy thực chất, nhưng thực tế thì khác. Bằng lối đi riêng của văn hóa, quan điểm đó đã xoay chuyển nhận thức, tạo nền cho văn hóa khởi sắc, kích thích sự hồi sinh của phần lớn những giá trị truyền thống trước đó còn bị bỏ quên, thậm chí bị kỳ thị, làm cho văn hóa Việt Nam trở lại với diện mạo bình thường của nó, nối được với quá khứ và rồi nhờ hội nhập mà bắt nhịp ngày càng sâu vào văn hóa thế giới, đóng góp được cho kho tàng văn hóa chung của cộng đồng thế giới.
Hiện nay, văn hóa truyền thống được tôn trọng và phục hồi rất căn bản, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể được xác định và đánh giá theo Chuẩn quốc tế, nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, di sản thiên nhiên và di sản ký ức thế giới được cộng đồng quốc tế ghi nhận3. Các hoạt động văn hóa được hiện đại hóa; giao lưu và tiếp biến văn hóa đặc biệt mở rộng; văn hóa công quyền, văn hóa ứng xử, văn hóa hội nhập… gần gũi hơn với khu vực và thế giới. Đời sống văn hóa của nhiều tầng lớp dân cư có dấu hiệu được nâng cao cả về trình độ và chất lượng.
Nghĩa là, có đủ sơ sở để nói rằng, hệ giá trị văn hóa Việt Nam sau mấy chục năm phát triển theo xu thế đổi mới đã xác lập được các khuôn mẫu văn hóa mới4, thực sự hội nhập tương đối sâu vào văn hóa nhân loại theo các chuẩn mực phổ biến của cộng đồng thế giới. Tình trạng dị biệt - không giống ai đã bớt dần.
Ở khá nhiều loại hình thuộc hoạt động văn hóa, hệ giá trị văn hóa Việt Nam đã không còn lạc lõng, khoảng cách lạc hậu đã được thu hẹp. Thậm chí, ở nhiều hoạt động văn hóa, như văn hóa biểu diễn - tổ chức các sự kiện, văn hóa Showbiz, văn hóa thời trang, văn hóa hội thảo, văn hóa du lịch, Việt Nam đã không còn thua kém bao nhiêu so với các nền văn hóa có kinh nghiệm.
Với những lĩnh vực thuộc đời sống văn hóa (như văn hóa tiêu dùng, văn hóa kinh doanh,văn hóa xuất bản, văn hóa khách sạn, v.v.), Việt Nam mặc dù vẫn chịu khá nhiều phê phán hay phàn nàn, nhưng mặt bằng chung đã có những tiến bộ khá xa so với trước; thậm chí ở một số hoạt động cụ thể, còn tỏ ra nhanh nhạy không thua kém các nước có nền kinh tế phát triển.
Về văn hóa ẩm thực, văn hóa khách sạn, văn hóa sử dụng IT…, ngày nay Việt Nam đã tạo được ấn tượng tích cực trên trường quốc tế.
Về văn hóa chính trường, văn hóa công quyền, văn hóa đối ngoại (ngoại giao), văn hóa công an, văn hóa quân sự, văn hóa học đường, v.v., hệ giá trị văn hóa Việt Nam cũng đã có không ít điểm sáng, với những chuẩn mực gần với thế giới, dù những lĩnh vực này hiện vẫn bị chê trách nhiều cả từ phía bên trong và bên ngoài.
Không chỉ ở những hiện tượng bề ngoài thuộc hoạt động văn hóa, mà cả ở tầng sâu hơn, trong các nội dung thuộc phẩm chất nhân văn của phát triển, với các chiều cạnh thuộc về con người, về cộng đồng và về dân tộc, văn hóa Việt Nam cũng có những bước phát triển mà trước kia khó có thể đạt được.
Bằng cách thức độc đáo của “sức mạnh mềm”, văn hóa đã ngày càng làm sâu sắc hơn ý thức dân tộc - quốc gia; ngày càng làm rõ thêm lịch sử dân tộc, giá trị thiêng liêng của độc lập và chủ quyền quốc gia. Trên cơ sở “Chủ nghĩa dân tộc lành mạnh” (lời Joseph S. Nye đánh giá về Việt Nam [9]), văn hóa đã thực sự uốn nắn quan điểm cực đoan của một số chủ thể, làm xích lại gần nhau những quan niệm trước vốn xa nhau. Các giá trị và bản sắc văn hóa, gồm cả bản sắc văn hóa các địa phương, các tộc người, được nghiên cứu ngày càng sâu và khơi dậy được ý nghĩa nhân văn khách quan của sự tồn tại của cộng đồng các dân tộc Việt Nam trong Quốc gia Việt Nam độc lập, thống nhất. Các thành tựu văn minh của nhân loại từng có mặt tại Việt Nam đã được đánh giá ngày càng hợp lý, và là nhân tố được kế thừa của văn hóa người Việt. Nhận thức của xã hội, đặc biệt của các cơ quan có trách nhiệm, về tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, được nhận thức và được triển khai ngày càng thực tế và có hiệu quả. Không phải ngẫu nhiên rằng, Việt Nam đã hoàn thành hầu hết các mục tiêu Thiên niên kỷ, đã thực hiện một cách ấn tượng chỉ tiêu giảm nghèo, đã thực hiện thành công nhiều chính sách an sinh xã hội. Thu nhập của người dân ở khắp mọi miền tuy còn nhiều vấn đề nhưng không ngừng được cải thiện. Khoa học, giáo dục mặc dù còn rất nhiều hạn chế, nhưng đã có những bước phát triển tương đối rõ theo hướng hội nhập. Người Việt Nam vẫn được đánh giá là năng động, thông minh. Học sinh Việt Nam, theo kết quả khảo sát quốc tế (PISA), vẫn được xếp ở thứ hạng cao về nhận thức toán, ngôn ngữ và khoa học5.
Nhìn nhận những điểm mạnh của văn hóa Việt Nam hơn 30 năm qua, Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đánh giá: “Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng đảm bảo sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”[1, tr.126].
Trong dịp tuần lễ cấp cao APEC, nhiều chính khách đã không tiếc lời khen ngợi Việt Nam, coi Việt Nam đã thực sự trở thành một trong những “Điều kỳ diệu lớn” (The Great Miracles) của thế giới; “Ngày nay, Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trái đất” (One of the Fastest-growing Economies on Earth) [10],[11].
Tuy nhiên, cùng với sự tiến bộ không thể phủ nhận ấy, văn hóa Việt Nam với bộ mặt thường ngày của nó trong đời sống xã hội, lại tỏ ra là chưa đủ bản lĩnh để đề kháng trước những tác động tiêu cực từ bên trong và bên ngoài. Sự tử tế và tính nhân văn của văn hóa đôi lúc lại không đủ mạnh để tự vệ và tấn công lại cái thiếu văn hóa và vô văn hóa. Ngược lại, chính nó trong không ít trường hợp lại bị tha hóa vì những tác động của cái xấu và cái ác.
Tác động tiêu cực đến văn hóa hiện nay là một loạt những vấn nạn lớn và không kém phần nghiêm trọng về kinh tế - chính trị - xã hội, dù ai đó muốn lãng quên cũng không thể. Như nhiều tài liệu chính thức và không chính thức đã phản ánh, chẳng hạn, nền kinh tế ngày càng lệ thuộc nặng nề vào nguồn vốn FDI và vào kinh tế Trung Quốc; tỷ lệ nợ công sắp chạm trần; sự chuyển đổi mô hình phát triển vẫn rất lúng túng và chậm trễ; tình trạng tham nhũng và làm ngơ trước tham nhũng mới chỉ có dấu hiệu dừng lại; hiểm họa của tình trạng môi trường “gần chết” khó lường; khai thác tài nguyên vẫn khó kiểm soát; khủng hoảng giáo dục chưa có lối thoát; hoạt động y tế đã xuống cấp ở chính quan hệ giữa thày thuốc với con bệnh; tình trạng cán bộ công quyền lãnh cảm với dân và với các bên đối tác chưa bớt; Biển Đông và chủ quyền lãnh thổ bị trực tiếp đe dọa, v.v..
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét