Hồ Chí Minh đến với
chủ nghĩa Mác - Lênin khi đọc Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương của Lênin về
vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa và Người nhận thấy: “Luận cương của Lênin
làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng
đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước
quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho
chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”. Từ đó tôi hoàn toàn tin theo
Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba”[2]. Người nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin, thấm
nhuần những chỉ dẫn của V.I.Lênin: “Chỉ đảng nào được một lý luận tiền phong hướng
dẫn thì mới có khả năng làm tròn vai trò chiến sĩ tiền phong”[3] để nỗ lực hoạt
động, chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản
Việt Nam sau đó và khẳng định: Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt;
"Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có
bàn chỉ nam”, "bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều nhưng chủ nghĩa
chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”[4]. Sau đó,
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã lấy chủ nghĩa Mác- Lênin làm nền tảng tư tưởng,
kim chỉ nam cho hành động và điều này được khẳng định trong Luận cương chính trị
năm 1930 Đảng: “Đảng là đội tiên phong của giai cấp vô sản lấy chủ nghĩa Các
Mác và Lênin làm gốc”[5].
Trung thành với những
nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, nhưng Hồ Chí Minh không giáo điều mà nắm lấy
tinh thần, bản chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin để vận dụng
sáng tạo vào điều kiện cụ thể của Việt Nam trong quá trình: 1) Thành lập Đảng
và xây dựng Đảng cầm quyền; 2) Tập hợp lực lượng, phát huy sức mạnh khối đại
đoàn kết toàn dân trong tiến trình cách mạng; 3) Xây dựng nhà nước kiểu mới; 4)
Xây dựng chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, bỏ
qua chế độ chế độ tư bản chủ nghĩa… Lý luận Mác - Lênin là thế giới quan, nhân
sinh quan, là lý luận tiên phong của thời đại được Đảng Cộng sản Việt Nam vận dụng
sáng tạo trong tiến trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam.
Cùng với thời gian, Đảng
Cộng sản Việt Nam đã không chỉ khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh là kết quả của sự
vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin trong điều kiện cụ thể của Việt Nam và
tư tưởng của Người đã trở thành một tài sản tinh thần quý báu của Đảng và dân tộc
ta mà còn nhấn mạnh tại Đại hội VI (12/1986) - Đại hội khởi xướng công cuộc đổi
mới của Đảng: “Muốn đổi mới tư duy, Đảng ta phải nắm vững bản chất cách mạng và
khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, kế thừa di sản quý báu về tư tưởng và lý luận
cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh”[6]. Tại Đại hội VII (6/1991), Đảng nhấn mạnh
việc phải “Nêu cao tư tưởng Hồ Chí Minh”[7]; thông qua Cương lĩnh xây dựng đất
nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh năm 1991) và khẳng định:
“Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng,
kim chỉ nam cho hành động, tiếp thu tinh hoa trí tuệ của dân tộc và nhân loại,
nắm vững quy luật khách quan và thực tiễn đất nước để đề ra cương lĩnh chính trị
đúng đắn và phù hợp với nguyện vọng của nhân dân”[8]. Bước phát triển trong tư
duy, nhận thức và hoạt động thực tiễn về nền tảng tư tưởng của Đảng này đã cho
thấy cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là một bộ phận cơ bản
cấu thành hệ tư tưởng, thế giới quan, phương pháp luận của Đảng Cộng sản Việt
Nam. Đồng thời, sự khẳng định này cũng bảo đảm sự thống nhất nhận thức trong
toàn Đảng, thể hiện rõ ý chí kiên quyết đấu tranh đối với những những luận điệu
sai trái, thù địch, đi ngược lại tư tưởng cách mạng và khoa học của chủ nghĩa
Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Nhận thức đầy đủ, sâu
sắc giá trị to lớn, toàn diện cống hiến vô giá về lý luận, tư tưởng Hồ Chí Minh
được thực tiễn cách mạng Việt Nam và thế giới trong thế kỷ XX chứng thực, Đại hội
IX (4/2001) của Đảng và khẳng định: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan
điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết
quả sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước
ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp
thu tinh hoa văn hóa nhân loại… Tư tưởng Hồ Chí Minh soi đường cho cuộc đấu
tranh của nhân dân ta giành thắng lợi, là tài sản tinh thần to lớn của Đảng và
dân tộc ta”[9]. Tư tưởng Hồ Chí Minh được xác định gồm 9 nội dung cơ bản: 1) Tư
tưởng về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, kết hợp sức mạnh dân tộc
với sức mạnh thời đại. 2) Tư tưởng về sức mạnh của nhân dân, của khối đại đoàn
kết toàn dân tộc. 3) Tư tưởng về quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng nhà nước
thực sự của dân, do dân, vì dân. 4) Tư tưởng về đạo đức cách mạng, cần, kiệm,
liêm, chính, chí công vô tư. 5) Tư tưởng về chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng
cho đời sau. 6) Tư tưởng về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng
con người. 7) Tư tưởng về quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân
dân. 8) Tư tưởng về phát triển kinh tế và văn hóa, không ngừng nâng cao đời sống
vật chất và tinh thần của nhân dân. 9) Tư tưởng về xây dựng Đảng trong sạch, vững
mạnh, cán bộ, đảng viên vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung
thành của nhân dân.
Tiếp đó, Cương lĩnh
xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển
năm 2011) cũng khẳng định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí
Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động… Tư tưởng Hồ Chí Minh là
một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng
Việt Nam, kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin
vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống
tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; là di sản tư tưởng và
lý luận vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho
sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi”. Đây là bước phát triển
quan trọng trong nhận thức và tư duy lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét