Đại tướng Võ Nguyên
Giáp đã khẳng định: "Tư tưởng Hồ Chí Minh là linh hồn, ngọn cờ thắng lợi của
cách mạng Việt Nam trong suốt hơn nửa thể kỷ qua. Cùng với chủ nghĩa Mác -
Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của
Đảng ta, nhân dân ta. Tư tưởng Hồ Chí Minh mãi mãi soi sáng con đường cách mạng
Việt Nam, con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội của toàn dân tộc ta dưới sự lãnh
đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam".
TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH
SOI SÁNG CON ĐƯỜNG CÁCH MẠNG VIỆT NAM
Tư tưởng Hồ Chí Minh
được hình thành, phát triển trên cơ sở kế thừa, chọn lọc những tư tưởng, giá trị
truyền thống của dân tộc Việt Nam, phù hợp với thực tiễn hoàn cảnh lịch sử của
Việt Nam. Cùng với đó là sự tiếp thu, tiếp biến và vận dụng sáng tạo tinh hoa
văn hóa nhân loại: văn hóa phương Đông và phương Tây mà đỉnh cao là chủ nghĩa
Mác - Lênin; trong đó, nét đặc sắc chính là sự kết hợp các giá trị truyền thống
của văn hóa phương Đông với thành tựu hiện đại của văn minh phương Tây và tiếp
thu chủ nghĩa Mác - Lênin trên nền tảng những tri thức văn hóa tinh túy, chắt lọc,
hấp thụ được tích lũy qua thực tiễn. Tư tưởng Hồ Chí Minh được hình thành bởi
tư duy, trí tuệ, phẩm chất đạo đức và năng lực hoạt động thực tiễn của Người.
Đó cũng là quá trình tiếp thu, làm giàu, rèn luyện từ học tập, nghiên cứu, trải
nghiệm thực tiễn, khám phá các quy luật vận động, đời sống văn hóa, xã hội và
cuộc đấu tranh của các dân tộc vì độc lập, tự do và tiến bộ xã hội để khái quát
thành lý luận, đem lý luận chỉ đạo hoạt động thực tiễn, kiểm nghiệm trong thực
tiễn nên mang giá trị khách quan, cách mạng và khoa học.
Tư tưởng Hồ Chí Minh
là một hệ thống quan điểm toàn diện, sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng
Việt Nam; là kết quả của sự kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt
đẹp của dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại; là sự vận dụng và phát triển
sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam; không chỉ giải
quyết vấn đề thuộc về tư duy lý luận mà cao hơn, đó là tư duy hành động. Trong
khi tập trung giải quyết những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, Hồ Chí
Minh đã góp phần phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin phù hợp với xu thế khách quan
của thời đại, đặc biệt là lý luận về cách mạng giải phóng dân tộc và tiến lên
chủ nghĩa xã hội ở các nước thuộc địa và phụ thuộc. Đặc sắc của tư tưởng Hồ Chí
Minh là sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, đạo đức và phong cách; là quan
điểm và tấm gương mẫu mực của người chiến sĩ cộng sản trung thành và kiên định
lý tưởng cách mạng, luôn đặt lợi ích của Đảng, dân tộc và nhân dân lên trên hết,
luôn tận trung với nước, tận hiếu với dân; luôn cần, kiệm, liêm chính, chí công
vô tư; là phong cách tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, phong cách làm việc dân
chủ, khoa học; phong cách ứng xử văn hóa, nhân văn, trọng nghĩa tình, nói đi
đôi với làm, sống giản dị, hòa đồng với thiên nhiên,v.v.. tự mình nêu gương về
đạo đức cách mạng, thể hiện sinh động, tự nhiên, đầy cảm hóa trong công tác và ứng
xử hằng ngày.
Tư tưởng Hồ Chí Minh
là nền tảng lý luận và định hướng để Đảng Cộng sản Việt Nam xây dựng đường lối
cách mạng đúng đắn, tổ chức lực lượng và lãnh đạo nhân dân Việt Nam giành thắng
lợi trong cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, sáng lập nhà nước Việt Nam Dân chủ
Cộng hòa, trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, trong
các cuộc chiến tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc
và những thành tựu quan trọng về mọi mặt trong hơn 30 năm đổi mới và hội nhập
quốc tế. Tư tưởng Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần to lớn, quý giá của Đảng và
dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta trên hành
trình kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Không thể phủ nhận
giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh, song các thế lực thù địch không ngừng thực hiện
âm mưu và hoạt động "diễn biến hòa bình”; những kẻ tự xưng là “người yêu
nước”, người “bất đồng chính kiến” ở trong và ngoài nước đã lợi dụng internet,
mạng xã hội để xuyên tạc, bóp méo và bôi nhọ thân thế, sự nghiệp, xuyên tạc và
phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh khi nói và viết: “Hồ Chí Minh du nhập những tư tưởng
ngoại lai vào Việt Nam”; “Hồ Chí Minh đi trên cỗ xe Nho giáo đến với chủ nghĩa
Mác - Lênin”; “Tư tưởng Hồ Chí Minh là tư biện, lý thuyết, giáo điều”; tư tưởng
Hồ Chí Minh là sự sao chép, máy móc chủ nghĩa Mác - Lênin, không phù hợp với thực
tiễn hiện nay, bởi thế, cần từ bỏ nó để “kịp đi với con đường chung mà thế giới
hiện nay đang đi” - con đường tư bản chủ nghĩa. Có những người tìm mọi cách đả
kích, xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh, tấm gương đạo đức cách mạng của Người để
“hạ bệ thần tượng” và lung lạc những người nhẹ dạ, cả tin để phủ nhận những giá
trị cơ bản, đúng đắn của tư tưởng Hồ Chí Minh. Thậm chí, có người lại “cực
đoan” đề cao tư tưởng Hồ Chí Minh, cho rằng ở Việt Nam chỉ cần tư tưởng Hồ Chí
Minh là đủ và coi tư tưởng Hồ Chí Minh chính là chủ nghĩa Mác - Lênin ở Việt
Nam nên Việt Nam chỉ cần tư tưởng Hồ Chí Minh để xuyên tạc và hạ thấp sự cống
hiến của Hồ Chí Minh với cách mạng Việt Nam và thế giới, hạ thấp tư tưởng của
Người mà không hiểu và cố tình không hiểu rằng: Cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin,
tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng và là kim chỉ nam cho hành động của Đảng,
tiếp tục dẫn dắt, soi đường cho Đảng và nhân dân Việt Nam trên con đường xây dựng
một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Những giọng
điệu "lạc dòng", phủ nhận của một bộ phận những người không hiểu, thậm
chí cố tình không hiểu đúng bản chất tư tưởng Hồ Chí Minh đó không hề làm giảm
đi giá trị tư tưởng của Người, vì “trong khi giải quyết những vấn đề của cách mạng
Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã góp phần phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin
trên nhiều vấn đề quan trọng, đặc biệt là lý luận vế cách mạng giải phóng dân tộc
và tiến lên chủ nghĩa xã hội ở các nước thuộc địa và phụ thuộc..." như Nghị
quyết số 09-NQ/TW ngày 18/2/1995 của Bộ Chính trị khóa VII đã khẳng định.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét