Trong thời kỳ đổi mới đất
nước, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, chú trọng giải quyết tốt vấn đề dân
tộc và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trên tất cả các phương diện kinh
tế, chính trị, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh.
Tuy nhiên, trong thực tiễn việc
giải quyết vấn đề dân tộc ở nhiều nơi vẫn tồn tại một số hạn chế, bất cập. Lợi
dụng vấn đề đó, trong nhiều năm qua các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách chỉ
đạo, tài trợ, nuôi dưỡng, cử cố và thành lập những tổ chức, hội, nhóm trong đó
có nhiều tổ chức chính trị phản động đội lốt các tổ chức xã hội, văn hoá, tôn
giáo... của người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có không ít thuộc một số
người thuộc dân tộc thiểu số, nhằm tập hợp những đối tượng tham gia chế độ nguỵ
quân, nguỵ quyền cũ, trí thức và người có tư tưởng cực đoan, bất mãn để làm
công cụ thực hiện âm mưu “diễn biến hoà bình”, chống phá Đảng và Nhà nước ta.
Thực tiễn cho thấy, nhiều chính
sách lớn về phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi đã được ban hành
thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước thông qua các văn bản chỉ đạo như Kết
luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị
quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc
trong tình hình mới; các Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, XI, XII,
XIII luôn xác định công tác dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, cấp
bách, là nhiệm vụ của Đảng, toàn dân, toàn quân và của cả hệ thống chính trị.
Đặc biệt, Quốc hội khóa XIV đã phê duyệt Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày
18/11/2019 về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và
miền núi giai đoạn 2021-2030; Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của
Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát
triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030; Thủ tướng Chính
phủ đã ban hành Quyết định số 1014/QĐ-TTg ngày 14/7/2020 về thành lập Ban Chỉ
đạo Trung ương Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền
núi giai đoạn 2021-2030.
Những kết quả được nêu trên đã
chứng minh công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc là nhiệm vụ của toàn
Đảng, toàn dân, toàn quân và của cả hệ thống chính trị. Huy động mọi nguồn lực
đầu tư để phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi, vùng ĐBKK, đảm bảo phát triển
bền vững gắn liền với an sinh xã hội, để nâng cao đời sống vật chất và tinh
thần của nhân dân, nhất là đồng bào DTTS. Thu hẹp dần khoảng cách về mức sống
so với vùng phát triển, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân
tộc; đẩy lùi các tệ nạn xã hội, nâng cao mặt bằng dân trí, đào tạo nguồn nhân
lực, nhất là cán bộ DTTS đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.
Để phòng, chống hiệu qủa việc
lợi dụng vấn đề dân tộc chống phá nước ta của các thế lực thù địch, trước hết
chúng ta cần nhìn nhận và đặt vấn đề này trong bối cảnh mới; Trong bối cảnh như
vậy, công tác nghiên cứu và công tác dân tộc đặt ra yêu cầu cần tiếp tục nghiên
cứu cơ bản, tổng kết lý luận và thực tiễn nhằm xây dựng hệ thống cơ sở lý luận
vững chắc, giải pháp khả thi để góp phần thực hiện thành công các chính sách
dân tộc của Đảng và Nhà nước ta, đồng thời chủ động phòng, chống hiệu quả hơn những
nội dung và luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân
tộc, tộc người để chống phá Đảng, Nhà nước ta hiện nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét