PHÊ BÌNH VÀ TỰ PHÊ BÌNH CHỚ CÓ “TRƯỚC MẶT KHÔNG NÓI, SOI MÓI SAU LƯNG”
Trong công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ thì tự phê
bình và phê bình có ý nghĩa hết sức quan trọng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm coi
trọng: “Phê bình và tự phê bình là vũ khí cần thiết và sắc bén, nó giúp chúng
ta sửa chữa sai lầm và phát triển ưu điểm”. Người xác định đây là biện pháp
quan trọng để tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong Đảng: “Ta có hai cách để
thực hiện thống nhất tư tưởng, đoàn kết nội bộ là phê bình và tự phê bình”. Đặc
biệt, cần chú ý đến công tác phê bình vì tác dụng của phê bình rất lớn, nhưng
làm sao để phê bình đúng, có hiệu quả thật sự là vấn đề rất đáng quan tâm. Yêu
cầu đặt ra là việc phê bình phải thật sự chân thành, có phương pháp đúng, hợp
lý, hợp tình.
Các thế lực thù địch, phản động, chống phá, cơ hội chính trị
cho rằng, phê bình của Đảng Cộng sản là đấu đá nội bộ… Ngay một số cán bộ, đảng
viên của Đảng vốn đã từng có thời gian tham gia vào hoạt động tự phê bình và
phê bình của Đảng, khi đang công tác, có chức, có quyền thì không có ý kiến phê
phán gì, nhưng đến khi về nghỉ hưu, hoặc bản thân có sai lầm khuyết điểm, bị xử
lý kỷ luật (dù việc xử lý của tổ chức là rất chính xác, rõ ràng, công khai, có
lý, có tình), nhưng họ vẫn quay sang phê phán, đổ lỗi cho khách quan, cho đồng
chí, cho tập thể, nói xấu tổ chức, nói xấu công tác tự phê bình và phê bình của
Đảng.
Cùng với việc xác định rõ tác dụng, yêu cầu của phê bình, Chủ
tịch Hồ Chí Minh đã rất chú trọng đưa ra phương pháp phê bình đúng đắn, chính
xác. Người dạy: “Phê bình là cốt giúp nhau sửa chữa khuyết điểm, cho nên thái độ
của người phê bình phải thành khẩn, nghiêm trang… Tuyệt đối không nên có ý mỉa
mai, bới móc, báo thù. Không nên phê bình lấy lệ. Càng không nên “trước mắt
không nói, soi mói sau lưng”.
Trên thực tế, những hạn chế, khuyết điểm, những căn bệnh xấu
xuất hiện trong phê bình mà Bác Hồ đã chỉ ra trên đây cũng đã xuất hiện nhiều lần
ở nơi này, nơi kia, lúc này, lúc khác. Tình trạng trong sinh hoạt thì im hơi, lặng
tiếng, nhưng sau khi họp, trong câu chuyện bàn trà, thậm thụt sau lưng thì nói
xấu, tố cáo nhau đủ thứ chuyện. Hay họp hành công khai thì nâng nhau lên đủ thứ
tử tế, nhưng khi đằng sau thì lại tìm mọi cách để dìm nhau xuống. Nổi lên là hiện
tượng dĩ hòa vi quý, trong sinh hoạt tập thể, công khai, trước mặt nhau thì cái
gì cũng tốt, nhưng đến khi vỡ chuyện, bị xử lý kỷ luật thì giậu đổ bìm leo, tố
cáo nhau, đổ lỗi cho nhau đủ thứ.
Muốn công tác phê bình có hiệu quả tốt thì cần phải có những
biện pháp tổng hợp, đồng bộ. Trước hết, cần có nhận thức, quan điểm đúng đắn về
phê bình. Chỉ có nhận thức, quan điểm đúng về phê bình thì mới có được hành động
chuẩn mực, hợp lý, hợp tình trong triển khai phê bình. Ví dụ như phải nhận thức
đúng đắn rằng, mục đích của phê bình là để giúp nhau tiến bộ, tăng cường đoàn kết
thống nhất, thì từ đó mới có thể có những chủ trương, cách làm đúng và có chất
lượng. Nếu nhận thức sai về phê bình sẽ rất dễ dẫn đến phê bình sai mục đích,
cách làm không phù hợp, nội bộ mất đoàn kết, phản tác dụng.
Để làm tốt công tác phê bình, đòi hỏi phải có các quy định cụ
thể, chặt chẽ nhằm phát huy cao nhất tác dụng của công tác phê bình. Lưu ý sự cần
thiết của những hướng dẫn chi tiết, cách làm cụ thể, thống nhất để mọi tổ chức
và cá nhân cùng thực hiện tốt công tác phê bình, không vi phạm sai sót trong
phê bình. Ngay từ năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Vạch khuyết điểm để sửa
chữa, cũng phải nêu ưu điểm để phát huy. Muốn tự phê bình và phê bình có kết quả,
cán bộ các cấp, nhất là cấp cao phải noi gương tốt”.
Trong công tác phê bình cần xác định rõ vai trò quan trọng của
tổ chức cơ sở đảng, xây dựng tổ chức cơ sở đảng thật sự vững mạnh, trở thành
môi trường trong sáng, lành mạnh, tạo thuận lợi cho từng cán bộ, đảng viên thực
hiện tốt công tác phê bình. Môi trường không phù hợp, không lành mạnh sẽ dẫn đến
việc phê bình thiếu dân chủ, không thực chất, hoặc áp đặt, cứng nhắc, làm cho
cán bộ, đảng viên không dám phê bình hoặc phê bình hời hợt, hình thức, kém hiệu
quả.
Cũng cần quan tâm tạo thuận lợi để quần chúng nhân dân tham
gia phê bình cán bộ, đảng viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Uy tín của người
lãnh đạo là ở chỗ mạnh dạn thực hiện tự phê bình và phê bình, biết học hỏi quần
chúng, sửa chữa khuyết điểm… chứ không phải ở chỗ giấu giếm khuyết điểm và e sợ
quần chúng phê bình”. Chính Người cũng đã đưa ra mối quan hệ gắn bó giữa nhân
dân với bộ đội trong công tác phê bình, chỉ rõ nhân dân có quyền góp ý, phê
bình với bộ đội: “Tôi là người dân, tôi cũng có quyền phê bình, góp ý với bộ đội
chứ. Bộ đội cách mạng là bộ đội của dân cơ mà”.
Yêu cầu rất quan trọng đặt ra của công tác phê bình và tự
phê bình là cần thiết phải nêu cao trách nhiệm và tính tự giác của từng cán bộ,
đảng viên. Chỉ có trên cơ sở xác định rõ trách nhiệm và tình cảm của mỗi cá
nhân thì mới có thể có tinh thần tự nguyện, kiên quyết và cách làm phù hợp để từ
đó đạt hiệu quả cao nhất trong hoạt động phê bình và tự phê bình.
Giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi
mặt của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam chúng ta không ngừng rèn luyện phấn đấu,
tăng cường phê bình và tự phê bình để thực hiện đúng chỉ đạo của đồng chí Nguyễn
Phú Trọng, Tổng Bí thư, Bí thư Quân ủy Trung ương: “Đảng bộ Quân đội phải làm
gương, làm mẫu về mọi mặt. Trong toàn quân không có cán bộ, đảng viên suy thoái
về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm kỷ luật, kỷ cương của Đảng,
kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân”./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét