Đại tá Đinh Thế Hinh hồi tưởng: Đó là một buổi sáng mùa xuân, trời trong vắt, nắng tỏa nhẹ, chùa náo nhiệt khác thường. Từ sớm đã có rất đông nhân dân đến chứng kiến buổi lễ của đoàn Phật tử “cởi áo cà sa ra trận”. Tôi còn nhớ rõ mồn một những lời của Hòa thượng trụ trì Thế Long: “Giặc ngoại xâm đe dọa chủ quyền đất nước, bọn ác quỷ lăm le ngay cửa Phật, Phật pháp bất ly thế gian. Khi sơn hà nguy biến, dân chúng điêu linh, các Phật tử cũng tham gia đánh giặc cứu nước...”. Trong tôi lúc đó vừa thấy hồi hộp, vừa thấy bừng bừng khí thế. Hòa thượng dứt lời trong tiếng hô vang dậy. 27 nhà sư trở thành 27 chiến sĩ Vệ quốc đoàn. Buổi lễ ngày hôm đó đã biến thành cuộc tuần hành, tỏa về các làng quê trong khí thế cứu nước hào hùng.
Đại tá Đinh Thế Hinh chia sẻ: Nhà sư ra trận cũng không khác gì những người yêu nước khác, tôi có cảm giác Đức Phật luôn dõi theo chúng tôi trên hành trình khổ hạnh cứu quốc. Có lần rơi vào tình huống “ngàn cân treo sợi tóc”, tôi niệm Phật và thoát hiểm. Những năm 1950-1951, tôi được cấp trên cử làm Đội trưởng Đội Võ trang tuyên truyền. Đội tôi có nhiệm vụ luồn sâu vào vùng địch tạm chiếm, thuyết phục diệt tề trừ gian ở vùng Bùi Chu, Xuân Trường, Nam Định. Một hôm, tôi đang hoạt động tại làng Hành Thiện thì được cơ sở báo có bọn lính Pháp và ác ôn đang bao vây khắp làng, săn lùng cán bộ Việt Minh. Tiếng ồn ào huyên náo ngày càng gần. Bí quá không biết làm sao, tôi chỉ còn biết nhắm mắt niệm Nam mô Phật. Đột nhiên, có người chạy tới bảo tôi sang ngay nhà bên cạnh, đang có đàn chay cúng tứ cửu (cúng 49 ngày-PV). Tôi chạy sang mượn áo dài nâu, đầu đội mũ ốc “hóa trang” làm nhà sư, ngồi gõ mõ tụng kinh, niệm chú Vãng sanh-Bát nhã. Bọn địch kéo nhau vào đứng xem. Chúng nghe một lúc, thấy tôi đúng là nhà sư nên rút đi mà không vặn hỏi điều gì.
Từ kháng chiến chống Pháp bước sang kháng chiến chống Mỹ, các nhà sư lúc này trở thành những cán bộ, chiến sĩ vững vàng, gương mẫu trên hành trình diệt ác, trừ gian. Năm 1972-1973, Đinh Thế Hinh trở thành Chính ủy Trung đoàn 542 thuộc Bộ tư lệnh Trường Sơn, đóng quân trên Đường 14, khu Sầu A Lưới, Thừa Thiên. Đây là khu căn cứ tiếp cận Huế. Địch phát hiện ra nên điều B-52 tới rải thảm nhiều lần. Một lần, máy bay Mỹ ném bom trúng chỉ huy sở, rất nhiều cán bộ, chiến sĩ hy sinh, riêng Chính ủy Đinh Thế Hinh bị thương nặng, bất động. Mọi người cứ tưởng ông đã hy sinh, đã làm công tác chuẩn bị khâm liệm. “Lúc đó, tôi bất tỉnh ly bì, trong tiềm thức tự nhiên nghe tiếng người nói, tôi biết mình còn sống bèn niệm Phật và lấy toàn bộ sức lực còn lại đạp tung tấm ni lông bao bọc. Mọi người chạy lại reo lên: “Ôi, chính ủy còn sống”. Tôi được đưa về trạm cấp cứu hồi sức, sau ba hôm thì dần bình phục” - ông nhớ lại.
Trong cuộc kháng chiến nhà chùa tiếp tục phát nguyện cho 8 nhà sư khác. Trong số 35 nhà sư ra trận 12 người đã anh dũng hy sinh được công nhận là liệt sỹ. Một số trở thành sỹ quan cao cấp trong quân đội, một số sau khi hoàn thành nhiệm vụ trở lại chùa tiếp tục tu hành...
"Cởi áo cà sa khoác chiến bào
Tuốt gươm, bồng súng diệt binh đao
Ra đi quyết rửa thù cứu nước
Vì nghĩa quên thân, hiến máu đào"
Khi nghe bài phát nguyện trên, trước lúc nhập ngũ, sư nữ Đàm Thanh xúc động đã họa lại bài thơ trên:
“Gậy thiền quét sạch loài xâm lược
Theo gót Trưng Vương tỏ nữ hào".
Đại tá Đinh Thế Hinh, nguyên là Đại Đức Thích Pháp Lữ. Ảnh do tác giả cung cấp
St
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét