Ngày nay bên cạnh những tác động
tích cực thúc đẩy sự phát triển của xã hội, những tác động tiêu cực của thông
tin sai trái, độc hại trên in-tơ-nét ngày càng gia tăng phức tạp. Lợi dụng sự
phát triển của in-tơ-nét, các thế lực thù địch, phản động ra sức sử dụng nó vào
mục đích sai trái, chống phá Đảng và Nhà nước ta.
Có thể
thấy, khác với các hành vi vi phạm pháp luật truyền thống, hành vi vi phạm pháp
luật trong lĩnh vực in-tơ-nét xâm hại tới rất nhiều quan hệ xã hội, nhiều lĩnh
vực khác nhau như: ngân hàng, quân sự, an ninh, thương mại, văn hóa… bằng các
hình thức như: giả mạo trong thương mại điện tử, giả mạo trong thanh toán ngân
hàng, phá hoại, các loại tấn công làm tê liệt các dịch vụ máy chủ, tấn công làm
tắc nghẽn đường truyền, vi-rút, đánh cắp mật khẩu, đổi tên miền và địa chỉ IP,
nghe lén thông tin trên môi trường mạng, thư điện tử mạo danh, thư điện tử vô
danh, trang thông tin điện tử giả mạo, đánh cắp cắp thông tin. Trong lĩnh vực
thông tin, báo chí, xuất bản, lợi dụng chính sách khuyến khích người dân tham
gia không gian mở trên in-tơ-nét để khai thác, chia sẻ thông tin đã xuất hiện
rất nhiều hành vi vi phạm trên môi trường mạng chủ yếu như: đăng, phát nội dung
không được phép; thông tin, hoạt động báo chí trái phép; thông tin sai sự thật;
đăng phát thông tin vi phạm thuần phong mỹ tục Việt Nam; vi phạm quy định về
quảng cáo; thông tin nói xấu lãnh tụ, nói xấu chế độ, bôi nhọ nhân phẩm của tổ
chức, cá nhân; đưa các xuất bản phẩm có nội dung trái với đường lối, quan điểm
của Đảng, các xuất bản phẩm có nội dung vi phạm đã bị thu hồi lên mạng
in-tơ-nét…Tại Việt Nam, theo số liệu thống kê từ chương trình đánh giá an ninh
mạng của Bkav cho thấy, 63% người dùng thường xuyên đọc được tin tức giả mạo
trên Facebook, trong đó 40% là nạn nhân hằng ngày. Không chỉ khiến người đọc
hoang mang, tin tức giả mạo còn tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn xã hội khi kẻ xấu cố
tình đưa tin sai sự thật liên quan đến tình hình kinh tế, chính trị của đất
nước. Đối với lĩnh vực an ninh quốc gia, hiện tội phạm mạng đã trở thành mối đe
dọa hàng đầu như các hoạt động kích động, lôi kéo biểu tình, nói xấu Đảng và
Nhà nước trên mạng, ngoài ra còn truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy, vi phạm bản
quyền số…Hiện nay, bí mật thông tin là một nội dung quan trọng mà các nước, các
cơ quan thường xuyên thu thập để phục vụ cho cạnh tranh trong hoạt động kinh
tế, quan hệ đối ngoại, an ninh quốc phòng… nên dễ xảy ra việc đánh cắp thông
tin. Trong khi các thế lực thù địch, phản động đang ráo riết sử dụng tối đa các
phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội từ bên ngoài để tuyên truyền tâm
lý, tạo dư luận trong nước cũng như ngoài nước nhằm chống phá Việt Nam. Chúng
triệt để lợi dụng các tính năng ưu việt, hiệu quả của các phương tiện thông
tin, truyền thông, mạng xã hội để đẩy mạnh tuyên truyền, xuyên tạc, kích động
quần chúng nhân dân hòng mua chuộc, lôi kéo, tập hợp lực lượng từ các phần tử
dân tộc, tôn giáo cực đoan, đối tượng có tư tưởng hận thù, phần tử cơ hội, bất
mãn, thoái hóa biến chất, một bộ phận quần chúng nhẹ dạ, cả tin… để hình thành
tổ chức bí mật ở trong nước và nước ngoài nhằm phục vụ cho các hoạt động bạo
loạn, lật đổ, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam.
Thời
gian qua, hoạt động phá hoại tư tưởng chủ yếu được tiến hành thông qua các
phương tiện thông tin đại chúng, nhất là mạng in-tơ-nét, tập trung vào các thời
điểm trước và trong khi diễn ra các sự kiện chính trị quan trọng của Việt Nam
như Đại hội XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026…
Tin tức giả mạo giờ đây trở thành vấn nạn, tràn ngập khắp các trang mạng
xã hội như Facebook, Google, Twitter hay Tiktok…
Các
hãng thông tấn báo chí nước ngoài như Đài Châu Á tự do (RFA), BBC Việt ngữ,
Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), Đài Phát thanh quốc tế Pháp (RFI)… thường xuyên chống
phá Việt Nam dữ dội, quyết liệt. Chúng tập trung vu cáo Việt Nam siết chặt tự
do ngôn luận, tự do tư tưởng bằng cách cố súy cho một số đối tượng chống Đảng,
Nhà nước. Phương thức hoạt động của các hội nhóm “kín” thông qua mạng xã hội
hoặc dùng các phần mềm có tính bảo mật cao để đăng tải các bài viết có nội dung
xuyên tạc sự thật, kích động khiếu kiện tập trung đông người, gây rối tại cơ
quan công quyền nhằm lôi kéo, tập hợp lực lượng, khuếch trương ảnh hưởng, ngày
càng trở nên phổ biến. Các hội nhóm “kín” còn tìm cách thu thập và lập danh
sách một số cán bộ chủ chốt, đảng viên và người thân liên quan trong các cơ
quan đảng, chính quyền tại nhiều địa phương để viết bài tố cáo sai sự thật, đe
dọa ám sát, hủy hoại tài sản cá nhân. Nhiều hội nhóm còn mua lại các trang
fanpage có lượt tương tác cao, thay đổi tên hoặc lập mới để thu hút, làm bình
phong, hợp thức hóa hoạt động tập hợp, trả nhuận bút cao cho các bài viết có
nội dung phản động, lôi kéo thanh niên, sinh viên trong nước tham gia chống
đối.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét