Thứ Sáu, 16 tháng 12, 2022

Tính cách mạng trong tư tưởng Hồ Chí Minh - tầm nhìn, bản lĩnh và hành động

 


Trí tuệ khoa học, đạo đức cách mạng tận trung với nước, tận hiếu với dân, kết hợp nhuần nhuyễn chiến lược với sách lược và phương pháp, thấm nhuần chủ nghĩa lạc quan cách mạng, nắm bắt và dự báo sáng suốt xu thế của lịch sử... là những phẩm chất và nhân tố làm nên đặc tính cách mạng trong tư tưởng Hồ Chí Minh.

 

Biểu đạt tư tưởng cách mạng đã chạm đến điểm cốt lõi của chân lý

Hồ Chí Minh khi còn là một thanh niên 21 tuổi với nhiệt huyết của tuổi trẻ nặng lòng yêu nước, thương dân đã quyết định ra đi tìm đường cứu nước. Sự kiện Nguyễn Tất Thành rời Bến cảng Nhà Rồng ngày 5-6-1911 làm phụ bếp và thủy thủ trên con tàu Latouche Tréville, bắt đầu cuộc đời lao động “vô sản hóa”, đi khắp các châu lục, đại dương, qua hơn 30 nước và các vùng lãnh thổ khác nhau, lao động, học tập và tranh đấu trong 30 năm để tìm ra con đường cứu nước là con đường cách mạng đã mở đầu cho sự thay đổi số phận của dân tộc ta.

Từ mục đích và động cơ cao thượng tìm đường cứu nước, cứu dân, Nguyễn Ái Quốc với ý chí, nghị lực phi thường, với trí tuệ khoa học và tinh thần độc lập, sáng tạo, Người đã chọn đường, nhận đường và cuối cùng trở thành người dẫn đường cho Đảng ta và dân tộc ta trên “Đường Kách mệnh”. Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh là biểu tượng kiệt xuất của một lãnh tụ cách mạng có tầm nhìn xa trông rộng, có bản lĩnh kiên định, vững vàng, nhất là bình tĩnh, sáng suốt vượt qua mọi thử thách hiểm nghèo của hoàn cảnh, hành động sáng tạo, dũng cảm với niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh vô địch của nhân dân, vào chiến thắng của lực lượng cách mạng. Trí tuệ khoa học, đạo đức cách mạng tận trung với nước, tận hiếu với dân, kết hợp nhuần nhuyễn chiến lược với sách lược và phương pháp, thấm nhuần chủ nghĩa lạc quan cách mạng, nắm bắt và dự báo sáng suốt xu thế của lịch sử... là những phẩm chất và nhân tố góp phần làm nên đặc tính cách mạng trong tư tưởng Hồ Chí Minh.

Hồ Chí Minh đã đưa ra quan niệm về cách mạng và cách mạng triệt để như những định nghĩa khoa học, hết sức giản dị mà “chạm” đến điểm cốt lõi của chân lý. Người biểu đạt tư tưởng cách mạng bằng ngôn ngữ dễ hiểu của đời sống, không hàn lâm, bác học mà vẫn mang tầm kinh điển, đủ sức vượt qua mọi thử thách của thời gian, trở thành giá trị bền vững. Hồ Chí Minh viết: “Cách mệnh là gì? Cách mệnh là phá cái cũ đổi ra cái mới, phá cái xấu đổi ra cái tốt”. Đã làm cách mệnh thì phải cách mệnh đến nơi (tức là triệt để), theo tấm gương của cách mạng Nga do Lênin và Đảng kiểu mới của Người lãnh đạo. "... Cách mệnh rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người. Thế mới khỏi hy sinh nhiều lần, thế dân chúng mới được hạnh phúc”(1). Đó là dự cảm sáng suốt của Người. Từ khi Đảng còn chưa ra đời, cách mạng còn đang trong mầm mống phôi thai, Người đã tiên liệu trước nguy cơ cách mạng bị suy thoái, quyền lực có thể bị tha hóa nếu không có sự kiểm soát quyền lực từ nhân dân.

“Đường Kách mệnh” là tác phẩm lý luận, truyền bá Chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam nhưng Người lại đặt lên hàng đầu vấn đề tư cách của một người cách mệnh, với 23 tiêu chí, chuẩn mực, thấm vào các mối quan hệ cơ bản: Với tự mình, với người khác, với công việc và đoàn thể... Người đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu “giữ chủ nghĩa cho vững”, “ít lòng tham muốn về vật chất”(2). Đó là những đòi hỏi hết sức hệ trọng, tỏ rõ sự nhạy cảm của một bậc thiên tài. Lịch sử của những biến cố, thăng trầm, nhất là sự biến chính trị xảy ra ở Liên Xô và Đông Âu làm đổ vỡ chế độ xã hội chủ nghĩa, Đảng Cộng sản mất vai trò cầm quyền, hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới tan rã, cách mạng thoái trào (cho dù là tạm thời) cách đây đã 3 thập kỷ vẫn còn nguyên tính thời sự cảnh báo đối với mỗi chúng ta, với Đảng ta. Bài học phải trả giá đau đớn đó càng làm nổi bật giá trị, ý nghĩa và tính cách mạng trong tư tưởng Hồ Chí Minh, nhất là những bảo đảm về lý luận tiên phong và đạo đức đối với chính trị, đối với Đảng Cộng sản cầm quyền.

Tính cách mạng thể hiện sâu sắc ở dũng khí tự phê phán và phê phán

Đặc tính cách mạng trong tư tưởng Hồ Chí Minh còn nổi bật trên bình diện đạo đức. Người cách mạng, Đảng cách mạng phải suốt đời trau dồi cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, suốt đời chống chủ nghĩa cá nhân. Muốn xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, phải đánh bại chủ nghĩa cá nhân. Tư tưởng xã hội chủ nghĩa là đối lập với tư tưởng cá nhân chủ nghĩa. Đảng chân chính cách mạng phải tiêu biểu, mẫu mực về đạo đức, văn hóa “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”. Trong lý luận về Đảng Cộng sản cầm quyền, Người trù tính sâu xa phải đặc biệt coi trọng xây dựng Đảng về đạo đức, về văn hóa. Chỉ dẫn ấy của Hồ Chí Minh đang soi sáng cho Đảng và nhân dân ta trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện hiện nay.

Tính cách mạng trong tư tưởng Hồ Chí Minh còn biểu hiện đậm nét qua dũng khí tự phê phán và phê phán của người cách mạng và Đảng cách mạng về những khuyết điểm, sai lầm đã mắc phải, có thái độ khách quan khoa học trong phân tích, đánh giá thực trạng, xem xét kỹ lưỡng những nguyên nhân, hoàn cảnh dẫn đến những khuyết điểm, sai lầm đó để kiên quyết sửa chữa, thúc đẩy phong trào cách mạng tiến lên. Đó là phẩm chất cao quý, can đảm của những người cách mạng và Đảng cách mạng chân chính. Hồ Chí Minh nhiều lần nhấn mạnh rằng, tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất làm cho Đảng tiến bộ không ngừng, thành một Đảng chắc chắn, mạnh khỏe như người không có bệnh, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên giữ gìn và phát huy được tính cách mạng, tính tiền phong gương mẫu, được quần chúng tin tưởng và ủng hộ, giữ vững niềm tin với Đảng và thắt chặt mối liên hệ máu thịt giữa Đảng với quần chúng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ yêu cầu, phương châm, phương pháp tự phê bình và phê bình và mấu chốt là phải có động cơ, mục đích đúng, phương pháp khéo léo, thận trọng, kiên quyết mà mềm mỏng, có lý có tình, thấu lý đạt tình. Mở đầu tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” (năm 1947), Người đặt vấn đề phê bình và sửa chữa, chỉ ra 3 căn bệnh nguy hiểm: Bệnh chủ quan, bệnh hẹp hòi, thói ba hoa mà không ít cán bộ, đảng viên mắc phải, nhất là bệnh hẹp hòi trong dùng người, trong công tác cán bộ, gây nên lãng phí nhân tài, nhất là không chú trọng sử dụng nhân tài ngoài Đảng, cản trở đoàn kết trong Đảng, trong dân(3). Người tỏ thái độ kiên quyết phải tẩy sạch những chứng bệnh ấy, tẩy sạch quan liêu, tẩy sạch chủ nghĩa cá nhân, đó là bệnh gốc, “bệnh mẹ”, đẻ ra trăm ngàn bệnh khác, những thói hư tật xấu khác, làm hư hỏng cán bộ, suy yếu tổ chức, dân tình chán nản, hoài nghi. Người cũng từng chỉ trích, phê phán những cán bộ, đảng viên mắc thói coi khinh lý luận, khinh dân vận(4). Không chấn chỉnh kịp thời và nghiêm khắc những lỗi lầm đó thì phong trào cách mạng sẽ không thể tiến triển. Trong bản Di chúc, Người căn dặn: “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”, phải giữ gìn đoàn kết, nhất trí, thống nhất tư tưởng và hành động như giữ gìn con ngươi của mắt mình(5).

Tính cách mạng trong tư tưởng Hồ Chí Minh qua dũng khí tự phê phán và phê phán mà Người chỉ dẫn là tính Đảng, là nhân tố và điều kiện quan trọng làm cho cách mạng có sức mạnh tự bảo vệ như Lênin nói. Hồ Chí Minh còn nhấn mạnh, cách mạng lấy sức mạnh trong lòng dân. Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên phải làm cho dân tin, dân phục, dân yêu, dân giúp đỡ, dân ủng hộ, dân bảo vệ thì muôn việc sẽ thành công.

Kiên định lập trường và giữ vững quan điểm cách mạng

Tính cách mạng trong tư tưởng Hồ Chí Minh mà chúng ta phải thấm nhuần và kiên quyết bảo vệ còn chính là lòng trung thành vô hạn với lý tưởng, mục tiêu cộng sản chủ nghĩa, biểu hiện trực tiếp ở sự kiên định lập trường, quan điểm cách mạng, kiên định con đường đi tới “độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội” của Việt Nam. Để đi đến cùng con đường đó, đem lại độc lập, tự do, hạnh phúc cho Tổ quốc, dân tộc và nhân dân, trước hết phải giữ vững và bảo vệ sự trong sáng của Chủ nghĩa Mác-Lênin, nền tảng tư tưởng của Đảng, phải trung thành một cách sáng tạo, khắc phục những giáo điều xơ cứng, phải vận dụng và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh lịch sử của Việt Nam.

Hồ Chí Minh chỉ dẫn cho chúng ta dùng quan điểm, lập trường, phương pháp khoa học và cách mạng của Chủ nghĩa Mác-Lênin để phân tích chính xác tình hình, đặc điểm của nước ta, độc lập, sáng tạo tìm ra cách giải quyết những vấn đề mà cách mạng đặt ra, bằng con đường nào, điều kiện nào, biện pháp nào để thực hiện mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, không máy móc sao chép, bắt chước, rập khuôn những kinh nghiệm từ bên ngoài, dù học tập, vận dụng những kinh nghiệm đó là cần thiết và quý giá. Tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo giàu bản lĩnh của Hồ Chí Minh là thể hiện lòng trung thành với chủ nghĩa bằng sức mạnh của trí tuệ khoa học, của đạo đức cách mạng, của đường lối chính trị sáng suốt mà Đảng ta đang ra sức thực hiện theo chỉ dẫn của Người.

Lòng trung thành đó biểu hiện thành sự nhất quán trong tư tưởng, phương pháp, ý chí quyết tâm không gì lay chuyển và hành động kiên cường, dũng cảm, hy sinh để giành thắng lợi. Tất cả vì hạnh phúc của nhân dân. Qua những thời kỳ lịch sử của cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh nêu cao ý chí, sức mạnh của toàn dân tộc. Vào những thời điểm bước ngoặt, Người đưa ra những thông điệp thiêng liêng, liên quan đến vận mệnh dân tộc, trọng trách của Đảng, đồng thời truyền đến mỗi người dân niềm tin mãnh liệt.

Điển hình là: “Dù có phải đốt cháy dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập” (bên thềm Cách mạng Tháng Tám năm 1945); “Thà hy sinh tất cả, nhất định không chịu làm nô lệ” (Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, ngày 19-12-1946); “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” (Lời kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước chống Mỹ, ngày 17-7-1966); “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” (Thơ mừng Xuân Kỷ Dậu năm 1969); “Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn” (Di chúc)...

Tính cách mạng kiên quyết, triệt để trong cuộc đấu tranh giành lấy chính quyền về tay nhân dân còn phải được tiếp nối trong xây dựng chính thể, bảo vệ chế độ và mọi thành quả cách mạng, vì hạnh phúc và quyền làm chủ của nhân dân. Sáng suốt và kiên quyết trong nhận biết và xử lý những tình huống suy thoái khi quyền lực có nguy cơ bị biến dạng, không vì dân chủ của dân, lại biến thành “quan chủ”, không làm tròn bổn phận đầy tớ, công bộc của dân, lại lên mặt “quan cách mạng” ở một số cán bộ, công chức trong bộ máy, Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định thành lập Thanh tra Chính phủ, chọn người đủ đức, đủ tài, giao cho họ quyền hành và ràng buộc bằng chế tài trách nhiệm để xử nghiêm các trường hợp quan liêu, hống hách, trù dập dân chúng và nhận hối lộ, mắc tội tham ô, tham nhũng. Người lên án và yêu cầu phải trừng trị nghiêm khắc theo luật pháp tội tham ô, tham nhũng, lãng phí, quan liêu như trừng trị một tội ác.

Trên cương vị Chủ tịch Chính phủ, Chủ tịch nước, nguyên thủ quốc gia, từ những ngày đầu gây dựng chính thể cộng hòa, Người đã ban hành quốc lệnh, khen thưởng trọng đãi người có công và trừng phạt những kẻ có tội. Trong 12 điều trừng phạt, Người đều ghi rõ “tử hình”. Luật phải nghiêm, xử lý phải minh, nghiêm minh và quang minh chính đại để bảo vệ cái thiện lớn nhất là dân. Pháp trị đi liền với đức trị. Phải dày công giáo dục cho mọi người về lương tâm, trách nhiệm, trọng danh dự, trọng liêm sỉ, để giữ trọn vẹn lòng trong sạch. Đó là tính cách mạng triệt để của tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng nền dân chủ và Nhà nước pháp quyền.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét