Việc khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh là bộ phận đặc biệt cấu
thành nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam bởi trước hết xuất phát từ
những giá trị khoa học sâu sắc được thể hiện trong những luận điệu đúng đắn,
sáng tạo của Hồ Chí Minh về cách mạng Việt Nam, về chủ nghĩa xã hội (CNXH) và
con đường đi lên CNXH ở Việt Nam.
Nhận thức thấu đáo, giải quyết sáng tạo tính phổ biến và tính đặc
thù của cách mạng Việt Nam
Điểm xuất phát mà cũng là chỗ hướng đích của nhận thức để hình
thành tư tưởng Hồ Chí Minh là thực tiễn. Thực tiễn đó là hoàn cảnh
lịch sử trong nước, trước tình cảnh nước mất nhà tan, cả dân tộc chìm đắm trong
đêm dài nô lệ, phải tìm ra con đường cứu nước, cứu dân, đưa dân tộc từ vong
quốc nô tới độc lập, tự do, thức tỉnh con người về quyền sống, quyền tự do và
quyền mưu cầu hạnh phúc. Thực tiễn đó là lao động vô sản hóa, gắn liền lao
động, học tập và tranh đấu trong suốt cuộc hành trình đi tìm chân lý kéo dài 30
năm (1911-1941).
Người đi về phương Tây, đến tận sào huyệt của kẻ thù là nước Pháp để tìm hiểu bản chất của chủ nghĩa đế quốc, thực dân, tìm ra con đường đánh đổ nó để giải phóng dân tộc. Thực tiễn đó còn là khảo sát tình hình thế giới, nhận rõ bạn-thù, tiếp thu ánh sáng của Cách mạng Tháng Mười và giác ngộ Chủ nghĩa Mác-Lênin, từng bước một, tích lũy kiến thức và kinh nghiệm. Khảo sát mọi học thuyết để định hình bằng sự lựa chọn Chủ nghĩa Lênin, Chủ nghĩa Mác-Lênin, đạt tới bước ngoặt từ người yêu nước trở thành người chiến sĩ cộng sản. Trong cuộc hành trình tư tưởng ấy, Nguyễn Tất Thành-Văn Ba-Nguyễn Ái Quốc đã từ thực tiễn mà hình thành lý luận cách mạng, giác ngộ về lập trường, quan điểm giai cấp công nhân, giải quyết đúng đắn mối quan hệ giai cấp và dân tộc, đặt cách mạng giải phóng dân tộc trong quỹ đạo của cách mạng vô sản, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, nêu cao tính độc lập tự chủ “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.
Tính khoa học trong tư tưởng Hồ Chí Minh đã giúp Người tìm ra câu trả lời đúng đắn nhất khi tiếp cận tư tưởng thiên tài của Lênin về quyền tự quyết của các dân tộc và phát hiện ra quy luật tất yếu của cách mạng Việt Nam trong thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên CNXH. Độc lập dân tộc gắn liền với CNXH trở thành sợi chỉ đỏ, bao trùm, xuyên suốt hệ thống tư tưởng của Người. Với Việt Nam, yêu cầu giải phóng dân tộc đặt lên hàng đầu trên lập trường giai cấp công nhân. Và CNXH Việt Nam là quá độ bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa tới CNXH, đó là một tất yếu lịch sử do thời đại quy định. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, đó là đặc điểm to nhất của Việt Nam trên con đường tới CNXH. Hơn nữa, cách mạng trước hết phải có Đảng, Đảng phải có chủ nghĩa làm cốt. Đảng không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, như con tàu không có bàn chỉ nam. Chủ nghĩa ấy, Người đã lựa chọn là Chủ nghĩa Lênin, Mác-Lênin vì nó là chủ nghĩa chân chính nhất, cách mạng nhất(1).
Nhờ quan điểm thực
tiễn, thấm nhuần chỉ dẫn của Lênin “phân tích cụ thể một tình hình cụ thể, đó
là bản chất, linh hồn sống của Chủ nghĩa Mác” mà Hồ Chí Minh xác định đúng sự
kết hợp giữa tính phổ biến và tính đặc thù của cách mạng Việt Nam, trước hết ở
trong quy luật thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam “kết hợp Chủ nghĩa Mác-Lênin
với phong trào công nhân và phong trào yêu nước của dân tộc Việt Nam”. Đó là
những phát kiến lý luận quan trọng của Người.
Cống hiến nhiều tư tưởng, quan điểm mới mẻ về Đảng
Là nhà tư tưởng, nhà tổ chức thiên tài của cách mạng Việt Nam,
Người xác định, thống nhất giữa lý luận với thực tiễn là bản chất, là nguyên
tắc tối cao của Chủ nghĩa Mác-Lênin. Người chỉ dẫn cho chúng ta: “Thực hành
sinh ra hiểu biết. Hiểu biết tiến lên lý luận. Lý luận lãnh đạo thực hành”(2).
Đó là một tư tưởng
lớn, thấm nhuần quan điểm thực tiễn, là cơ sở khoa học để “lý luận liên hệ với
thực tiễn”, “học đi đôi với hành”, “nói đi đôi với làm” như Người thường xuyên
căn dặn chúng ta.
Tính khoa học trong
tư tưởng Hồ Chí Minh còn thể hiện rõ ở quan điểm phát triển, quan điểm đổi mới
gắn liền với hội nhập quốc tế. Người có tư tưởng đổi mới, hội nhập từ rất sớm.
Người đưa ra thông điệp với quốc tế và thế giới: “Việt Nam mong muốn là bạn của
các nước dân chủ, Việt Nam quyết không thù oán với một ai”, tranh thủ tối đa sự
ủng hộ của quốc tế, thêm bạn bớt thù, kiến tạo môi trường hòa bình để phát
triển. Vào năm 1947, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược trở lại,
ở Việt Bắc, tại an toàn khu (ATK), Người viết hai tác phẩm quan trọng “Đời sống
mới” (tháng 3-1947, lấy bút danh là Tân Sinh) và “Sửa đổi lối làm việc” (tháng
10-1947, với bút danh là X.Y.Z). “Đời sống mới” giải quyết mối quan hệ biện
chứng giữa cái cũ và cái mới, nêu cao đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm chính
trong đời sống hằng ngày của mỗi người, xây dựng lối sống mới, văn hóa mới...
“Sửa đổi lối làm
việc” là tác phẩm đầu tiên đặt vấn đề đổi mới khi Đảng đã cầm quyền và trước
hết phải đổi mới Đảng để thúc đẩy đổi mới xã hội, chọn mắt khâu xung yếu, đột
phá là “phải sửa đổi lối làm việc của Đảng”, tức là đổi mới phương pháp, phương
thức, phong cách lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Người nêu ra 12 điều xây dựng
Đảng chân chính cách mạng. Chỉ với 456 từ, 12 điều ấy đã định hình một chủ
thuyết, học thuyết xây dựng Đảng Cộng sản cầm quyền, trong điều kiện, hoàn cảnh
của Việt Nam “vừa kháng chiến vừa kiến quốc”.
Tác phẩm của Người nổi bật một tư tưởng lớn “dựa vào dân mà xây
dựng Đảng”, nhấn mạnh đặc biệt tới chất lượng đội ngũ cán bộ, cách lãnh đạo,
cách dùng người, kể cả trọng dụng nhân tài ngoài Đảng, có tính thời sự và hiện
đại tới ngày nay đối với Đảng ta. Người còn viết “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”
(1948), “Dân vận” (1949) cũng thấm nhuần tư tưởng đổi mới trên những định hướng
khoa học-nhân văn và dân chủ. Đó là những chỉ dẫn quan trọng có tầm chiến lược
để tạo động lực phát triển, củng cố mối liên hệ máu thịt giữa Đảng với dân, để
toàn Đảng, toàn dân nỗ lực vượt bậc làm cho “kháng chiến tất thắng”, “kiến quốc
tất thành”, bằng sức mạnh “đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, thành công, thành
công, đại thành công”(3).
Vấn đề quyết định là Đảng phải thật trong sạch, thật vững mạnh,
sự lãnh đạo của Đảng phải đúng đắn, sáng suốt, lãnh đạo một cách khoa học, một
cách dân chủ, lãnh đạo bằng sự gương mẫu, nêu gương và trách nhiệm nêu gương,
nhất là của cơ quan lãnh đạo và người lãnh đạo. Giá trị khoa học này trong tư
tưởng Hồ Chí Minh đang soi sáng cho Đảng ta hiện nay trong công cuộc xây dựng,
chỉnh đốn Đảng, thấm nhuần lời dạy của Người: “Đảng là đạo đức, là văn minh”(4), “một tấm gương sống còn có giá trị hơn hàng trăm bài
diễn văn tuyên truyền”, một cách thực tiễn và dung dị “đảng viên đi trước, làng
nước theo sau”.
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, tính khoa học đặc biệt nổi bật khi
Người nói về “xây dựng, chỉnh đốn Đảng”, về “thực hành dân chủ, xây dựng nhà
nước dân chủ-pháp quyền-nhân nghĩa” của dân, do dân, vì dân, thực hiện và phát
huy quyền làm chủ thực chất của nhân dân; về công tác mặt trận, thực hành đại
đoàn kết, thực hành tiết kiệm, chống quan liêu, lãng phí, tham ô. Vào những năm
60 của thế kỷ 20, khi Người chỉ đạo cuộc vận động “3 xây, 3 chống”, Người coi
đây thực sự là một cuộc cách mạng nội bộ, Người đặc biệt nhấn mạnh tới trách
nhiệm và đạo đức gương mẫu của cán bộ, đảng viên(5).
Chống chủ nghĩa cá
nhân như chống “giặc nội xâm”, kẻ thù nguy hiểm nhất, phải ra sức “nâng cao đạo
đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Đây là một trong những tác phẩm
cuối đời của Người, cũng là chủ đề thường trực mà Người quan tâm suốt đời, kết
tinh trong bản "Di chúc" thiêng liêng “trước hết nói về Đảng” và “đầu
tiên là công việc với con người”.
Giá trị lý luận đặc sắc của Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội
Hồ Chí Minh còn đem
lại những kiến giải khoa học sâu sắc về CNXH và xây dựng CNXH ở Việt Nam. Người
đặt nền móng cho lý luận CNXH khoa học và xây dựng CNXH trong tính đặc thù Việt
Nam, ở Việt Nam, đem lại câu trả lời sáng tỏ nhất cho những câu hỏi lớn nhất:
CNXH là gì? Vì sao lại lựa chọn con đường phát triển xã hội chủ nghĩa như một
tất yếu và xây dựng CNXH ở Việt Nam như thế nào? Bằng những biện pháp, phương
pháp nào? với những điều kiện và bước đi cụ thể ra sao? Tính dân tộc, tính nhân
dân, tính sáng tạo và đổi mới được thể hiện đậm nét trong lý luận Hồ Chí Minh
về CNXH.
Theo Hồ Chí
Minh, CNXH là “dân giàu, nước mạnh”, là “dân chủ và công bằng”, là
hạnh phúc của người dân từ cơm ăn, áo mặc, học hành đến quyền dân chủ và làm
chủ. Người chủ trương “làm điều lợi cho dân, tránh điều hại tới dân”, “không
làm gì trái ý dân”, “ra sức giải phóng sức dân, phát triển sức dân, bồi dưỡng
sức dân và tiết kiệm sức dân”. Cách làm tốt nhất để có CNXH là “đem tài dân,
sức dân để làm lợi cho dân, để mưu cầu hạnh phúc cho dân”. Phải thấy rõ “CNXH
cộng với khoa học là nguồn sức mạnh vô tận”, phải chú trọng đồng bộ từ củng cố
chế độ chính trị đến phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và con người, vì lợi
ích của người dân, trước mắt và lâu dài. Phải kết hợp toàn diện các mặt, các
lĩnh vực, gắn liền xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa bằng sức
mạnh đối nội, đối ngoại, quốc phòng và an ninh. Phải học tập, vận
dụng sáng tạo kinh nghiệm và bài học từ các nước anh em chứ không máy móc, giáo
điều, chủ quan, biệt phái.
Có thể nói, tính khoa học trong tư tưởng Hồ Chí Minh, nhất là tư
tưởng của Người về CNXH và xây dựng CNXH nổi bật các yêu cầu “đúng quy luật,
thuận lòng dân, hợp thời đại”, sao cho “đời sống vật chất ngày càng tăng, đời
sống tinh thần ngày càng tốt, xã hội ngày càng văn minh, tiến bộ”(6). Đó là quan điểm phát triển mà nhà tư tưởng mác-xít lỗi
lạc, nhà biện chứng thực hành xuất sắc Hồ Chí Minh đã chỉ dẫn và tự mình thực
hành để nêu gương cho chúng ta noi theo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét