Thứ Ba, 7 tháng 5, 2024

CÓ NHỮNG NGƯỜI MÀ AI CŨNG BIẾT TÊN, NHƯNG KHÔNG AI VÀ KHÔNG GIA ĐÌNH NÀO MUỐN GẶP GỠ

 

Vào thời chiến, có những người mà ai cũng biết tên, danh tính, biết rõ công việc rất quan trọng, mỗi khi đi qua là ai cũng ngoái lại nhìn với ánh mắt lặng thinh. Gia đình nào hoặc người dân nào cũng muốn người này đừng đến và đừng nhắc đến nhà mình hay những người thân của mình. Một người mà không ai muốn “gặp gỡ” mặc dù biết rằng là không thể tránh khỏi. Một con người mà nếu như đến khi đất nước toàn thắng mà “không phải gặp”, thì đó chính là hạnh phúc.

Đó chính là người mang điện, giấy báo tử của các liệt sĩ đã hy sinh trong chiến tranh về cho địa phương, gia đình.

Trong bộ phim Thương nhớ ở ai có khắc họa về những người như thế này, họ là những người đưa thư ở các làng quê. Họ vừa làm nhiệm vụ chuyển thư từ, kỉ niệm… giữa các chiến sĩ và gia đình, nhưng cũng kiêm luôn nhiệm vụ gửi giấy báo tử của các anh hùng liệt sĩ về cho chính quyền địa phương, các đội trưởng, phụ trách quân sự địa phương…

Mỗi khi những người này xuất hiện, ai cũng ngừng làm việc và ngóng chờ một điều gì đó, ai cũng mong là những người này đừng nhắc đến tên người thân của mình. Câu nói “Thay mặt Ủy ban nhân dân….” đã từng làm rất nhiều gia đình, người thân đau lòng. Làm gì có ai muốn thấy sự mất mát đâu?

Hơn 1 triệu liệt sĩ đã hy sinh trong suốt những cuộc kháng chiến, bảo vệ Tổ Quốc, đồng nghĩa với đó là hơn 1 triệu giấy, điện, thông tin báo tử gửi về cho những gia đình… Thậm chí, sau khi kết thúc chiến tranh, có những trường hợp mãi không thấy tin tức gì, lắm lúc chỉ “muốn” được gặp những người này để biết được tin tức, sống hay chết, hy sinh hay mất tích…

Có bác cựu chiến binh từng làm "nghề" này kể lại rằng, cứ đi đến đâu là người ta lại ngoái lại nhìn, hỏi lại xem có tên của chồng, con mình không... Nhiều khi biết đấy, nhưng không dám nói, nhiều khi là chính con cháu, bạn bè của mình hy sinh nhưng vừa đạp xe, vừa không được khóc... Nhiều khi cũng có gia đình "nhầm", mình dừng lại nghỉ ngơi, uống nước, họ lại nghĩ rằng là đưa giấy báo tử...

Chiến tranh đã lùi xa nhiều năm, những con người này đã không còn xuất hiện ở ngoài đời thực nữa. Nhưng họ đã từng là minh chứng cho những năm tháng ác liệt nhất, đau thương nhất, hào hùng nhất của Tổ Quốc./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét