Thứ Ba, 7 tháng 5, 2024

PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG, SỨC MẠNH ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC, XÂY DỰNG ĐẤT NƯỚC GIÀU MẠNH, PHỒN VINH, VĂN MINH, HẠNH PHÚC

 

Đại đoàn kết toàn dân tộc là nội dung quan trọng, xuyên suốt trong đường lối, chiến lược của Đảng, nguồn sức mạnh to lớn, nhân tố quyết định thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quan điểm nhất quán đó được Đảng ta tiếp tục khẳng định trong Nghị quyết số 43-NQ/TW, ngày 24/11/2023 về “Tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”. Trong đó, xác định rõ quan điểm, mục tiêu và những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, cần được quán triệt sâu sắc, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện quyết liệt, sáng tạo, hiệu quả, phù hợp với từng đối tượng, giai tầng xã hội, địa phương và vùng miền.

Đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu, giá trị văn hóa bất diệt trong lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, trước những biến cố của thiên tai, địch họa, tinh thần đại đoàn kết, truyền thống “cố kết dân tộc” càng được bồi đắp và phát huy qua nhiều thế hệ. Trong công cuộc đổi mới đất nước, nhất là từ khi Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 12/3/2003, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” ra đời, đã có nhiều chủ trương mới của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đại đoàn kết toàn dân tộc được ban hành, với những nguyên tắc nhất quán: (1) Đại đoàn kết toàn dân tộc luôn phải được coi là nội dung quan trọng, xuyên suốt trong đường lối, chiến lược của Đảng; lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh làm điểm tương đồng để quy tụ mọi lực lượng, giai cấp, tầng lớp, đội ngũ vào lợi ích chung, tối cao của toàn dân tộc. (2) Đại đoàn kết toàn dân tộc là nguồn sức mạnh vô tận, là nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Ở đâu và khi nào trên đất nước ta nếu mất đoàn kết thì ở đó, khi đó cách mạng sẽ bị tổn thất. “Đoàn kết hay là chết!”- đó là khẩu hiệu cách mạng làm cho hành động của mỗi người Việt Nam yêu nước thêm mạnh, bền bỉ và có hiệu quả. (3) Đại đoàn kết toàn dân tộc phải là sự đoàn kết thật sự vững chắc giữa các giai cấp, tầng lớp trong xã hội, giữa cộng đồng các dân tộc Việt Nam, giữa đồng bào theo tín ngưỡng, tôn giáo và không theo tín ngưỡng, tôn giáo, giữa những người theo các tín ngưỡng tôn giáo khác nhau, giữa người Việt Nam ở trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài, giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân yêu chuộng hòa bình, tiến bộ trên thế giới, thể hiện kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc phải do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, dựa trên nền tảng vững chắc từ liên minh giữa giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. (4) Đại đoàn kết toàn dân tộc trước hết và tập trung nhất phải thể hiện ở mối quan hệ bền chặt, máu thịt giữa Đảng với Nhân dân, ở niềm tin thật sự của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Nhờ quán triệt, thực hiện quan điểm đó, khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được tăng cường, tạo sức mạnh thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, từng bước thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, miền, thành phần dân tộc, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tăng cường đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố, tăng cường, phát huy, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, để “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc về vị trí, tầm quan trọng của phát huy truyền thống và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chưa thực sự gương mẫu, gần dân, tôn trọng dân, lắng nghe, kịp thời giải quyết những kiến nghị, quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân gắn với những việc, những lĩnh vực cụ thể. Việc vận hành cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” có mặt còn hạn chế. Nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội chưa tích cực đổi mới; vai trò, hiệu quả hoạt động của các hội quần chúng, nhất là ở cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu, v.v.

Hiện nay, toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang mở ra cho công cuộc đổi mới đất nước ta những cơ hội, thuận lợi cơ bản nhưng cũng phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức; trong đó có những nhân tố tác động trực tiếp đến xây dựng, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Vì vậy, “tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường đồng thuận xã hội, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, niềm tin, khát vọng cống hiến và xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc” vừa là mục tiêu, yêu cầu cấp bách trước mắt, vừa cơ bản lâu dài được xác định trong Nghị quyết số 43-NQ/TW, cần được quán triệt, thực hiện tốt trong toàn đảng, toàn dân, toàn quân để tạo sức mạnh tổng hợp, hoàn thành thắng lợi 2 nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét